Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
So với các năm trước, sông Vàm Cỏ Đông thường có trên 20 điểm nóng về ùn ứ lục bình, hiện nay chỉ còn khoảng 3 đến 4 điểm thỉnh thoảng bị ùn ứ lục bình cục bộ nhưng mật độ cũng không dày đặc, tàu thuyền vẫn có thể di chuyển được.
Đoạn sông Vàm Cỏ Đông qua cảng Bến Kéo đã thông thoáng lục bình
Những ngày qua, nhiều khu vực trên sông Vàm Cỏ Đông liên tục xuất hiện tình trạng lục bình dày đặc, gây cản trở lưu thông của các phương tiện đường thuỷ. Là đơn vị được chọn thầu trục vớt lục bình, bảo đảm giao thông trên tuyến đường sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua địa phận tỉnh Tây Ninh, Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Thành Thành Công đã triển khai công tác thu gom, trục vớt lục bình liên tục, đến nay đã cơ bản giải quyết được tình trạng ùn ứ lục bình, bảo đảm cho các phương tiện đường thuỷ lưu thông thuận lợi.
Lục bình đã giảm
Kể từ sau tết, lượng lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông gia tăng đáng kể, gây ùn ứ cục bộ tại một số đoạn sông khiến việc lưu thông của các phương tiện đường thuỷ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Ông Nguyễn Văn Cường, ngụ ấp Bắc Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành cho biết, khu vực sông Vàm Cỏ Đông đoạn từ cầu Bến Sỏi đến bến Tầm Long (xã Trí Bình) bắt đầu xuất hiện nhiều lục bình từ đầu tháng 2, có lúc cả đoạn sông vài ki-lô-mét lục bình dày đặc khiến các loại ghe, tàu không thể đi lại được. Tuy nhiên, sau khi công tác trục vớt, xử lý lục bình được triển khai, đến nay lượng lục bình tại khu vực này đã cơ bản được giải quyết, trả lại mặt sông thông thoáng.
Theo ông Cường, hằng năm, mùa lũ kết thúc, người dân tiến hành các hoạt động tái sản xuất nông nghiệp, lúc này, lượng lục bình trên đồng ruộng (mùa nước nổi, lục bình trôi vào ruộng) được đẩy vào các tuyến kênh, nhanh chóng sinh sôi, nảy nở. Bên cạnh đó, người dân cắm chà cây ven sông làm nơi trú ngụ cho cá cũng là điểm giữ và phát triển mạnh của lục bình. Khi mùa khô, người dân thường tìm cách đẩy lục bình ra sông để bắt cá, khiến lượng lục bình gia tăng nhanh chóng.
Ông Nguyễn Tấn Tới, ngụ ấp Trường Huệ, xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành cho biết, đoạn sông Vàm Cỏ Đông đoạn từ đình Trường Tây đến cảng Bến Kéo hằng năm thường xảy ra tình trạng lục bình bị ùn ứ dày đặc, khiến các phương tiện qua lại hết sức khó khăn, người dân làm ruộng bên kia sông phải bỏ việc chăm sóc vì “tắc đường”.
Khoảng 2 năm trở lại đây có thời điểm lục bình phát triển phủ kín sông, nhưng không còn dày đặc, ken cứng như những năm trước, tàu thuyền vẫn di chuyển chậm được.
Theo ông Tới, việc trục vớt, xử lý lục bình năm nay khá hiệu quả, Ông hy vọng, trong mùa khô năm 2023, việc xử lý lục bình tiếp tục phát huy hiệu quả như hiện nay, để người dân được thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hoá, phân bón và qua bên kia bờ sông canh tác nông nghiệp.
Theo quan sát của người viết, đoạn sông từ cầu Bến Sỏi đến xã Trí Bình (huyện Châu Thành) trong khoảng ba ngày nay (từ ngày 26 đến sáng ngày 28.2) không còn lục bình nhiều như trước đó. Mặt sông trống trải đến hơn 90%, các loại tàu thuyền đi lại khá thuận lợi.
Máy vớt lục bình làm việc tại khu vực cầu Bến Sỏi.
Xử lý dứt điểm tình trạng ùn ứ cục bộ
Ông Huỳnh Long Uyên- Chỉ huy đội tàu xử lý lục bình thuộc Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Thành Thành Công cho biết, khoảng hơn mười ngày trước, lục bình đột ngột xuất hiện làm tắc nghẽn cục bộ một số đoạn đường thuỷ trên sông Vàm Cỏ Đông, tàu bè qua lại chậm, gây ảnh hưởng tới cuộc sống mưu sinh của người dân.
Để giải quyết những điểm nghẽn, công ty tăng cường lực lượng, tăng ca ngày đêm (kể cả chủ nhật) để xử lý dứt điểm ùn ứ; và chỉ trong vài ngày dòng sông đã thông thoáng trở lại. Đối với những điểm thường xuyên bị ùn ứ lục bình, công ty cho tàu túc trực để kịp thời xử lý.
Đánh giá hiệu quả của công tác trục vớt lục bình, ông Nguyễn Hồng Hải- Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, từ ngày 1.12.2022, Sở Giao thông Vận tải ký hợp đồng 3 năm với Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Thành Thành Công để triển khai trục vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông. Sau vài tháng thực hiện, mật độ lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông đã giảm đáng kể, phương tiện đi lại được thông suốt. So với các năm trước, sông Vàm Cỏ Đông thường có trên 20 điểm nóng về ùn ứ lục bình, hiện nay chỉ còn khoảng 3 đến 4 điểm thỉnh thoảng bị ùn ứ lục bình cục bộ nhưng mật độ cũng không dày đặc, tàu thuyền vẫn có thể di chuyển được. Thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, giám sát đơn vị thi công thực hiện đúng như phương án đã cam kết và tăng cường phương tiện, thiết bị, nhân sự… bảo đảm trục vớt lục bình được liên tục, tạo thông thoáng cho dòng sông.
Theo ông Nguyễn Hồng Hải- sông Vàm Cỏ Đông chảy qua địa bàn tỉnh Tây Ninh khoảng 105km, bắt đầu từ khu vực biên giới giữa Việt Nam - Campuchia thuộc xã Phước Vinh, huyện Châu Thành đến ranh giới giáp với tỉnh Long An tại xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng. Ngoài ra, toàn tỉnh có 124 kênh, rạch với tổng chiều dài 280km chảy ra sông Vàm Cỏ Đông.
Những năm qua, người dân cặp hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông có thói quen cắm cọc để giữ lục bình nuôi cá và đến thời điểm đầu năm thì dỡ ra để thu hoạch cá, nên lục bình bị đẩy trôi ra sông phát triển rất nhanh. Một phần do từ thượng nguồn đổ về và ở hạ nguồn cũng phát sinh nhiều lục bình. Nhiều đoạn gần như kín mặt sông, nhất là vào mùa tại những khúc cua, đoạn cong như khu vực cầu Gò Chai, cầu Bến Sỏi thuộc huyện Châu Thành; xã Cẩm Giang thuộc huyện Gò Dầu, cầu Lái Mai, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng ...
Theo ông Huỳnh Long Uyên, để xử lý lục bình vào mùa khô năm 2024, dự kiến vào khoảng tháng 9, 10, 11.2023, công ty sẽ cho tàu đi vớt lục bình tại các kênh, mương ven sông Vàm Cỏ Đông.
Minh Dương