BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lục bình ùn ứ cục bộ trên sông  

Cập nhật ngày: 26/02/2021 - 10:16

BTNO - Thời gian gần đây, người dân phản ánh về tình trạng lục bình xuất hiện dày đặc trở lại ở một số địa điểm trên sông Vàm Cỏ Đông, gây khó khăn cho giao thông đường thuỷ và ảnh hưởng đến đời sống cư dân.

Sáng ngày 23.2, mặt sông Vàm Cỏ Đông ở khu vực cầu Bến Sỏi bị phủ kín lục bình.

Sáng 23.2, ở khu vực cầu Bến Sỏi (xã Thành Long, huyện Châu Thành), mặt sông Vàm Cỏ Đông bị phủ kín bởi lục bình. Nếu không quan sát kỹ, khó nhận ra đây là một đoạn sông Vàm. Giao thông đường thuỷ trên đoạn sông này gần như bị tê liệt. Hơn 3 giờ, không có một phương tiện nào qua lại. Tất cả xuồng, ghe, tàu, bè đều neo đậu im lìm dọc hai bên bờ sông.

Ông Nguyễn Văn Liêm (ngụ xã Thành Long, huyện Châu Thành) cho biết, ông kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông Vàm Cỏ Đông. Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, lục bình thường xuyên bao vây đoạn sông, khiến ông không đánh bắt cá được. “Cả tuần nay tôi không bắt được con cá nào cả. Vợ tôi phải đi bán tạp hoá thuê cho người khác để kiếm tiền sinh sống”- ông Liêm buồn bã nói.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn làm nghề nuôi cá lóc, cá rô đơn tính trong lồng bè gần chân cầu Bến Sỏi. Trước đây, khi chưa có nhiều lục bình, hằng ngày ông Tuấn đều ra sông chài lưới, bắt cá tạp đem về xay nhuyễn, chế biến thành thức ăn cho cá trong bè. Gần một tháng nay, lục bình trên sông dày đặc, ông phải đi mua thức ăn về nuôi cá trong bè. 

Người dân địa phương sốt ruột vì tình trạng lục bình ùn ứ trên sông.

Phía hạ lưu sông Vàm, tình trạng lục bình càng ít hơn. Năm ngoái, trên đoạn sông ngang qua địa phận xã Trường Đông (thị xã Hoà Thành), xã Cẩm Giang (huyện Gò Dầu), lục bình ùn ứ thành một lớp dầy và trải dài hằng trăm mét, đơn vị hợp đồng xử lý lục bình phải đưa phương tiện đến đây trục vớt nhiều ngày liền mới giải toả được mặt sông.

Năm nay, lục bình ở đây chỉ che lắp phân nửa mặt sông nên tàu bè xuôi dòng vẫn có thể lưu thông được. Tuy nhiên, đối với những người dân địa phương muốn di chuyển qua sông còn hết sức khó khăn.

Giao thông đường thuỷ trên đoạn sông này gần như bị tê liệt; xuồng, ghe, tàu, bè đều neo đậu im lìm dọc hai bên bờ sông.

Ông Nguyễn Văn Tròn (ngụ xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành) có 2 ha đất nông nghiệp trồng lúa bên kia sông Vàm Cỏ nên thường bơi xuồng qua sông chăm sóc. Buổi trưa cùng ngày, ông Tròn bơi xuồng từ ruộng lúa trở về nhà.

Nửa mặt sông phía Tây thông thoáng, không có trở ngại gì, nhưng nửa mặt sông phía Đông, ông phải mất gần 30 phút mới đưa xuồng cặp bến. “Nhiều hôm, sang sông thăm lúa mà đi mất mấy chục phút. Tôi mong cơ quan chức năng xử lý đám lục bình này cho người dân đi lại dễ dàng hơn”, lão nông này nói.

Trao đổi với chung tôi về công tác xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông, ông Nguyễn Hồng Hải- Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho hay, những năm trước, Công ty TNHH Huỳnh Vương ký hợp đồng xử lý lục bình với thời hạn 5 năm (từ tháng 4.2017 đến tháng 4.2022).

Tuy nhiên, lục bình phát triển mạnh, các thiết bị xử lý lục bình của Công ty Huỳnh Vương đạt hiệu quả không cao như yêu cầu nên công ty đã xin chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Từ tháng 6.2020, Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp thuộc Tập đoàn Thành Thành Công tham gia thử nghiệm xử lý lục bình bằng máy vớt cắt lục bình hiện đại hơn.

Phía hạ lưu sông Vàm, tình trạng lục bình ít hơn, nhưng ông Tròn phải vất vả lắm mới bơi được chiếc xuồng ngang sông.

Để tiếp tục dọn dẹp mặt sông, tỉnh Tây Ninh đã ký hợp đồng tạm xử lý lục bình với Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp với thời hạn 6 tháng, kể từ tháng 12.2020, kinh phí 162 triệu đồng/tháng. Sau đó, khi Sở Giao thông Vận tải hoàn tất hồ sơ sẽ tổ chức đấu thầu.

Thời điểm này, Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp đang tập trung xử lý lục bình ở khu vực thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông (đoạn qua xã Phước Vinh, huyện Châu Thành) nên chưa kịp xử lý các điểm nóng khác.

Ở những khu vực xử lý lục bình vừa xong, mặt sông đã thông thoáng, ghe tàu đi lại dễ dàng. Sắp tới, ngành chức năng sẽ tổ chức kiểm tra tình hình xử lý lục bình trên toàn tuyến sông Vàm Cỏ Đông chảy qua địa phận tỉnh Tây Ninh để có đánh giá đầy đủ hơn.

Đại Dương