BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lưng còng oằn gánh mưu sinh

Cập nhật ngày: 31/12/2009 - 06:05

Mẹ con bà Chậm trong ngôi nhà do địa phương xây tặng.

Hằng ngày dọc các con đường, quán ăn trên địa bàn xã Trường Đông (huyện Hoà Thành), người ta thường thấy một bà cụ cầm trong tay xấp vé số. Đó là bà Nguyễn Thị Nhàn  ngụ ấp Trường Ân. Bà cụ năm nay đã 78 tuổi, nhưng bà vẫn phải nặng nhọc lê đôi chân trên khắp nẻo đường để kiếm tiền nuôi con, nuôi cháu.

Bà cụ có ba người con, do nhà nghèo, các con bà đều học hành dở dang, không nghề nghiệp. Người con gái lớn có chồng, có con, không may bị bệnh hiểm nghèo đã mất sớm để lại cho bà một đứa cháu ngoại lên hai. Con trai kế của bà thì bệnh tâm thần, thường bỏ nhà đi lang thang. Đứa con trai út đi làm thuê, nghe lời kẻ xấu, sa vào con đường nghiện ngập, bị nhiễm HIV, sức khoẻ ngày càng suy kiệt, không còn làm gì nổi. Hằng ngày, bà Nhàn phải thức dậy từ tờ mờ sáng để lo cơm nước cho các con và cháu ngoại, rồi rong ruổi đi khắp nơi bán vé số. Để bán được nhiều vé số, bà phải đi khắp các quán ăn, quán nước, bình quân phải đi trên dưới 10 cây số mỗi ngày (có ngày gần 20 km). Đi nhiều, tối về mỏi nhừ hai chân, nhưng bà cũng phải ráng.

Chia sẻ khó khăn với bà cụ Nhàn, thỉnh thoảng Hội Chữ thập đỏ xã Trường Đông lại vận động quyên góp giúp bà gạo, mì, nước tương, dầu ăn, quần áo. Huyện cũng đã xây tặng cho bà căn nhà đại đoàn kết để bà có nơi ổn định che mưa, che nắng.

Cùng ở xã Trường Đông, có cụ bà Trần Thị Chậm, ngụ ấp Trường Đức, năm nay đã 86 tuổi. Tuy tuổi đã cao, nhưng trông bà cụ vẫn còn khoẻ lắm. Hằng ngày, bà cụ thường chẻ, vót nan để người con gái bị mù đương bồ kiếm sống. (Trước đây Báo Tây Ninh từng có bài viết về cảnh nghèo khó của hai mẹ con bà). Bà Chậm cho biết: mỗi ngày, hai mẹ con bà đương được khoảng hơn 10 tấm bồ, thu nhập gần 20.000 đồng, đủ đắp đổi qua ngày. Mẹ con bà Chậm thuộc diện hộ nghèo, được xét xây tặng nhà đại đoàn kết nhưng bà không có đất, chỉ ở đậu nhà người cháu. Đến đầu năm 2009, chính quyền địa phương đã cấp đất xây nhà cho bà. Nhờ vậy, hai mẹ con bà đã có một mái nhà lành lặn để trú ngụ. Hằng ngày cả hai người vẫn phải đương bồ để mưu sinh.

Ở một góc chợ phường 3, thị xã Tây Ninh vào mỗi buổi sáng, người ta thường thấy một cụ bà lưng còng, mắt mờ, tai lãng ngồi bán mớ rau, vài cọng nha đam. Rau của cụ thường được trộn lẫn nhiều thứ như: mồng tơi, lá sâm, bồ ngót, rau dền cơm, bình bát… thường gọi là rau tập tàng, có lẽ cụ hái xung quanh nhà. Tôi thường hay đến mua rau của cụ nhưng mấy ngày vừa qua tôi không còn thấy bà cụ ngồi bán nữa, bà bị bệnh chăng? Liên tưởng chuyện không hay mà lòng chạnh buồn.

Còn biết bao nhiêu trường hợp như bà Nhàn, bà Chậm? Ở cái tuổi đáng lẽ ra phải được hưởng cảnh an nhàn, được con cái phụng dưỡng, chăm sóc, nhưng các cụ vẫn phải lao động kiếm sống, vừa tự nuôi bản thân vừa nuôi con, nuôi cháu. Có được sự quan tâm, sẻ chia của địa phương, của cộng đồng xã hội, cuộc sống của những người già bất hạnh ấy sẽ bớt đi rất nhiều những nỗi cơ cực và buồn đau.

HỒng NhỰt