BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ghi chép tản mạn

Lung linh hoa nắng

Cập nhật ngày: 20/07/2018 - 07:53

BTN - Ðấy là vào khoảng 9-10 giờ một ngày có nắng, khi còn cách biểu tượng Tây Ninh trên dưới trăm mét, tôi bỗng có cảm giác khối sắt thép vô tình kia lung linh chuyển động, như một vườn hoa nắng hân hoan chào đón mặt trời.

Xin thưa ngay! Là bóng nước đấy thôi. Cái vòng tròn giữa “bùng binh ấy” là một hồ nước tròn đang xao động do những vòi nước phun lên, lúc cao vót, lúc dừng.

Và cũng có thể còn nhờ gió. Bóng nước in lên mặt trong những tấm thép sáng, trở thành một vườn hoa nắng lung linh. Vậy là biểu tượng Tây Ninh đã có thêm một hình ảnh tươi mới.

Thật ra chỉ mới với những người lần đầu thấy khi đi trên đường Cách Mạng Tháng Tám từ phía công viên 30.4 tiến lại. Còn dĩ nhiên hình ảnh này đã có từ khi biểu tượng này được xây dựng hoàn chỉnh nhân dịp Tây Ninh tổ chức đại lễ kỷ niệm 180 năm hình thành và phát triển (1836-2016).

Tôi có thể cam đoan với các bạn rằng, hình ảnh lung linh hoa nắng đầy biến ảo và sinh động ấy thì ngay cả người thiết kế công trình này cũng chưa thể hình dung. Vì tôi được tham gia mấy buổi thuyết minh, rồi triển lãm mô hình lấy ý kiến nhân dân.

Chỉ có một ý kiến băn khoăn, rằng sợ khi có mặt nước và khối cảnh quan biểu tượng, người ta sẽ dừng lại để chụp hình kỷ niệm, có thể gây mất an toàn trên một nút giao thông thường rất đông người.

Nay điều lo ngại ấy là không có. Chẳng có mấy ai dừng xe, hoặc “mon men” tới bờ hồ nước giữa một dòng xe và người quay tròn bất tận. Nhưng đã có thêm những điều chưa thể tính trước.

Ðấy là một sự xao động cũng bất tận của lung linh bóng nước. Nắng càng to càng chói ngời hoa nắng. Một sự chuyển động kỳ ảo trong lòng một khối sắt thép bất động. Thật là vượt quá sự chờ mong!

Biểu tượng Tây Ninh! Ai cũng nhìn thấy, mỗi khi ngang qua giao lộ này. Ai cũng biết khối này có dáng hình núi Bà Ðen lẫm liệt dưới trời Nam. Khách du lịch từng đi khắp đó đây, lại thấy ở núi bóng hình hòn Phụ Tử dưới Hà Tiên. Hòn Phụ Tử chỉ còn lại trên tranh ảnh, vì một phần đã sụp vào lòng biển. Còn núi Bà vẫn lừng lững, hiên ngang dưới tầng tầng mây trắng.

Bữa nay, tôi lại có thêm một hình ảnh thân thương khác về biểu tượng. Ðấy là khi đi ngược lại con đường Cách Mạng Tháng Tám, từ phía cầu Quan đi lên, hình tượng núi Bà phía trước lại có gì đó như quen, như thân thiết đã từ lâu lắm.

À, đấy là hình những tấm phên phơi bánh tráng. Không chỉ là bánh tráng phơi sương Trảng Bàng mà còn là bánh tráng muối ớt, bánh tráng me, hay bánh tráng nướng mè đen giòn rụm... Ðằng sau 7 tấm phên phơi cao cao thấp thấp ấy, chắc còn là hình ảnh dáng mẹ còng lưng.

Biểu tượng Tây Ninh ở một ngã tư đường trung tâm Thành phố. Nơi ấy 20 năm trước còn gọi là ngã tư Bách Hoá. Từ đây lên phía Bắc có thể gọi là đại lộ 30.4 vì đường được mở rộng ra.

Ngày trước đại lộ còn chia thành 3-4 làn đường, lại thêm hàng cổ thụ xà cừ nên chưa thấy hết sự thênh thang. Bây giờ, hơn cả sự thênh thang là những khối nhà mới tinh, đồ sộ hoặc khác lạ ở bên đường.

Những shophouse muôn muốt trắng, mái ngói đá đen, long lanh kính cửa. Cả dãy khách sạn năm sao 25 tầng đã cao lên lừng lững, độc chiếm một khoảng trời cao mênh mông nắng, gió.

Ðôi khi tôi chợt nhớ những hình ảnh chưa xa trên đại lộ, thời còn chưa mấy thênh thang. Ðấy là những mùa gió, xao xác lá vàng rơi lả tả. Những bánh xe đạp điện của các em học sinh thướt tha áo dài trắng trôi trên đường cuộn theo những đám lá vàng như tung tăng chạy nhảy.

Cả khách sạn đầu tiên mọc lên sau hoà bình cũng đã không còn nữa. Nó đã bị xoá đi trong tháng 6 vừa qua. Hình như đấy là toà khách sạn đẹp nhất Tây Ninh với tiền sảnh cong lõm ở phía trước như một vòng tay chào đón; với hai khối hai bên một trụ cao ở giữa toàn sọc đứng màu ghi sáng phớt hồng.

Nhớ cả gam màu mạnh mẽ xanh dương làm chủ đạo, màu của biển trời tượng trưng cho hoà bình như tên gọi. Có những thứ mất đi rồi mới thấy nhớ làm sao! Ðấy có lẽ cũng là một hiệu ứng không ngờ, như đang hiển hiện ở khối biểu tượng Tây Ninh lung linh những chùm hoa nắng.

Nguyễn