Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lược ghi tại cuộc hội thảo về ngăn chặn bạo lực học đường: Cần lắm chỗ dựa tâm lý cho các em

Cập nhật ngày: 26/12/2012 - 09:27

(BTN)- Cuộc hội thảo do Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức diễn ra vào ngày 21.12.2012, có sự phối hợp, hỗ trợ của Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý và khoa học giáo dục phía Nam (trực thuộc Hội Khoa học tâm lý và giáo dục Việt Nam) và đại diện ngành Giáo dục một số tỉnh bạn. Hội thảo với chủ đề “Vai trò của công tác tư vấn tâm lý trong việc ngăn chặn bạo lực học đường” tập trung vào hai vấn đề chính: Bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em.

Tình bạn thân thiện cũng sẽ giúp hạn chế bạo lực học đường.

Theo Phó giáo sư Lê Sơn- Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý và khoa học giáo dục phía Nam, bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng, không riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng thế. Bạo lực học đường không chỉ là các hành vi xâm hại thể chất mà còn có những hành vi mang tính chất “khủng bố” tinh thần, hay cưỡng đoạt tài sản. Nó cần được nghiên cứu, xem xét một cách nghiêm túc. Trẻ em chỉ là một phần của thế giới nên không thể miễn nhiễm sự bạo tàn, nhất là khi trẻ phải thường xuyên tiếp xúc với những hình ảnh bạo lực trên tivi, phim ảnh, internet... Ông Sơn dẫn chứng một kết quả nghiên cứu của Hiệp hội Nhi khoa Mỹ: Ước tính có khoảng 10-20% bạo lực trong thực tế là do tivi, truyền thông mang đến. Tại Việt Nam, có một nghiên cứu đã dẫn đến kết luận: Một số kênh truyền hình đang ngày ngày “đầu độc” trẻ em bằng những pha quảng cáo phi giáo dục.

Về vai trò của nhà trường, Phó giáo sư Lê Sơn cho rằng, cả giáo viên và học sinh hiện đang chịu áp lực không nhỏ. Thi cử quá nhiều đôi khi trở thành cơn ác mộng của cả thầy và trò. Dưới cái nhìn về tâm lý lứa tuổi, ông Sơn khẳng định: Bạo lực học đường còn có nguyên nhân từ “khủng hoảng tình bạn”. Theo ông, muốn ngăn chặn bạo lực học đường một cách có hiệu quả thì phải nghiên cứu mầm mống gây ra bạo lực.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2006 đến nay, trên toàn tỉnh Tây Ninh đã xảy ra khoảng 222 vụ việc học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Qua đó, các trường đã buộc thôi học có thời hạn 116 học sinh.

Đối tượng tham gia đánh nhau phần lớn là học sinh cuối cấp THCS, THPT. Hành vi đánh nhau ở học sinh những năm gần đây có chiều hướng tăng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến nét đẹp truyền thống của ngành Giáo dục và những giá trị đạo đức, nhân văn của người Việt Nam.

(Ông Đổng Ngọc Lập-

Giám đốc Sở GD-ĐT)

Theo tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Dung (Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh), công tác tư vấn, tham vấn học đường hiện nay đang là một điểm yếu. Bà đề nghị mở các khoá học tập và bồi dưỡng cho cán bộ chuyên trách, nhằm cung cấp cho họ một số kỹ năng cần thiết để thực hiện tốt vai trò tư vấn học đường, biết cách tiếp cận và giải quyết các tình huống liên quan. Cũng theo bà, cần chọn lựa người phù hợp, áp dụng chế độ làm việc và trả lương thích đáng cho cán bộ tư vấn, chứ không phải chỉ nhắm vào giáo viên nào còn thiếu giờ dạy theo quy định thì “bắt” kiêm nhiệm công tác này để “bù vào” cho đủ chuẩn.

Dẫn chứng từ một số thông tin trên báo chí, thạc sĩ Nguyễn Thiện Mỹ Tâm (Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh) đi đến khẳng định: Bạo lực học đường không chỉ xảy ra giữa học sinh với nhau mà còn xảy ra giữa giáo viên với học sinh. Bà nhận định: Thái độ nghiêm khắc, đúng mực, xuất phát từ tình yêu thương, sự bao dung của người lớn sẽ có tác dụng giáo dục trẻ tốt hơn bất kỳ thứ đòn roi nào. Người thầy cần có thái độ tôn trọng, tin tưởng học sinh. Học sinh luôn có khuynh hướng vâng lời những người mà các em kính trọng, tin tưởng. Các em chỉ thực tâm muốn thay đổi để tiến bộ khi thấy mình được tôn trọng.

Từ thực tế của mô hình phòng tư vấn tâm lý ở đơn vị mình, ông Nguyễn Duy Phúc- Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (tỉnh Đồng Nai) chia sẻ cùng các đồng nghiệp ở Tây Ninh: Phòng tư vấn tâm lý trường học sẽ góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu đi những sự việc đau lòng, chẳng hạn như học sinh bỏ học, bạo hành, tự tử… như báo chí vẫn đưa tin.

Bức xúc trước thực trạng trẻ em nữ nói chung, học sinh nữ nói riêng bị xâm hại tình dục đang gia tăng, trong đó có những vụ hiếp dâm tập thể, hiếp dâm trẻ dưới 5 tuổi, hiếp dâm và giết trẻ em, ông Nguyễn Thành Nhân- Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng thuộc Sở Giáo dục-Đào tạo Tây Ninh nêu ý kiến: Việc giáo dục và rèn kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh nữ từ mầm non đến phổ thông phải được sự quan tâm đúng mức của toàn xã hội.

Việt Đông