BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lưỡi không xương…

Cập nhật ngày: 02/09/2022 - 00:06

BTN - Tư nè, gần như năm nào cũng vậy, cứ đến dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9, lại có một số thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước cố tình xuyên tạc lịch sử, hòng hạ thấp và chống phá sự lãnh đạo của Đảng. Họ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và tầm vóc, giá trị lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, thậm chí coi đó là sự “ăn may” của Việt Minh… vân vân và vân vân. Tức cái mình hà!

- Sao phải bực chi cho tổn thọ? Thực tế lịch sử đã khẳng định Cách mạng tháng Tám là kết quả tổng hợp của các phong trào cách mạng diễn ra liên tục suốt 15 năm với sự lãnh đạo của Đảng từ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, phong trào dân chủ 1936-1939 đến phong trào giải phóng dân tộc 1939-1945. Điểm nổi bật là Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xử lý đúng đắn vấn đề tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ. Điều này thì khỏi phải diễn giải dài dòng, hồi phổ thông, tui với ông học rồi mà!

- Nhưng họ nguỵ biện là: “Lịch sử luôn được viết bởi người chiến thắng…”.

- Ông lại lăn tăn rồi. Vầy đi, ông thử nghe sử gia người Pháp Phillip Devillers nhận định về Cách mạng tháng Tám xem có “ăn may” không nhé? Trong cuốn Lịch sử Việt Nam (từ 1940-1952), ông ta viết: “Cuộc Cách mạng không phải là sự bùng nổ. Nó là kết quả cuối cùng của sự thấm lọc, điểm nút logic của sự thâm nhập Việt Minh vào tất cả các lĩnh vực quốc gia. Chỉ có một sự tụ hội kỳ lạ các điều kiện mới khiến cho cách mạng thực hiện được.

Việt Nhật lật đổ Pháp đã thay đổi các dữ kiện của vấn đề một cách cơ bản. Cho đến lúc đó, Việt Minh không có cơ may gì hơn Việt Nam Quốc Dân đảng (1930) và Đảng Cộng sản Đông Dương (1931) để thắng được cấu trúc mạnh mẽ của Pháp... Bạo lực của Nhật mở ra cho Việt Minh triển vọng mới, do sự phá huỷ mọi quyền lực trong nước nhờ vào tình trạng vô chính phủ chung... Ngày 6.8, trái bom Hirosima nổ tung. Ngày 10.8, Hồ Chủ tịch ra lệnh Tổng khởi nghĩa. Sau Cách mạng, nhờ sự hội tụ kỳ lạ các điều kiện, Việt Minh đã chiếm được một số vị trí chính trị và tâm lý tuyệt vời”.

Trong cuốn “The Vietnamese Revolution of 1945 - Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War”, nhà sử học Na-uy S. Tonesson đánh giá: “Bằng việc tạo ra khoảng trống quyền lực, các cường quốc đã làm đảo lộn toàn bộ tình hình và do đó đã mời Việt Minh giành chính quyền”. “Cuộc cách mạng ở Việt Nam năm 1945 là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, không chỉ có vậy, đó còn là một cuộc cách mạng chính trị chống lại nền quân chủ thối nát, và là một cuộc cách mạng xã hội chống lại chủ đất và những người thu thuế”.

Nói về chính phủ cách mạng non trẻ, sử gia người Mỹ William Duiker viết: “Chính phủ mới đã thông qua một loạt các biện pháp khẩn cấp để chống nạn đói… Thuế nông nghiệp được giảm và sau đó miễn hoàn toàn, một sở tín dụng nông nghiệp được lập ra để giúp nông dân vay vốn dễ dàng hơn…”.

Chính phủ mới cũng đã ra một sắc lệnh yêu cầu tất cả mọi người Việt Nam trong vòng một năm phải biết đọc, biết viết. Chính nhờ sự quyết tâm của chính quyền, đến mùa thu năm sau, trên 2 triệu người đã thoát mù chữ.

Chính quyền cách mạng lâm thời nỗ lực phục hồi kinh tế bằng nhiều biện pháp như giảm thuế, chia đất nông nghiệp cho dân, tuy “không tiến hành các biện pháp quốc hữu hoá các ngành công nghiệp và cơ sở thương mại… Chỉ có đất đai của thực dân Pháp và Việt gian mới bị tịch thu”.

Hồ Chủ tịch cũng nêu vấn đề chuẩn bị Tổng tuyển cử, thành lập chính phủ hợp pháp dựa trên quyền tự do dân chủ…

- Sử gia phương Tây nhận định một cách khách quan như vậy, hèn gì thiên hạ cứ bảo mấy ông bà hay chống phá ấy là “các nhà dân chủ cuội”.

- Thì ông bà xưa nói rồi: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo/ Miệng không vành méo mó tứ tung”.

Đ.H.T