Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Luồn rừng thăm bãi Đá Nứt
Thứ hai: 10:40 ngày 08/04/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Phải mất một giờ đồng hồ luồn rừng trên xe máy, băng qua ba vạt rừng nguyên sinh, hai khoảnh rừng tái sinh và một trảng cỏ đẹp mê hồn mới đến được bãi Đá Nứt,...

(BTN)- Chúng tôi may mắn được làm khách của các bạn trẻ chi đoàn Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát và chi đoàn Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tây Ninh giao lưu, thi đấu thể thao nhân dịp kỷ niệm 82 năm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Sau nửa ngày thi đấu các môn thể thao, các bạn trẻ thích thú trước món bánh xèo rau rừng nhà bếp thết đãi. Những đĩa bánh xèo vàng rộm, béo ngậy với đủ các loại rau rừng: xăng xe, bứa, bằng lăng, ngành ngạnh… tươi xanh dư sức “đánh bật” các loại rau thơm thường thấy ở chợ. Sau buổi ăn trưa rất vui vẻ, chúng tôi bắt đầu luồn rừng thăm bãi Đá Nứt.

Chúng tôi xuyên rừng về bãi Đá Nứt theo lời giới thiệu của Ban Quản lý Vườn. Từ khu hành chính, phải mất một giờ đồng hồ luồn rừng trên xe máy, qua ba vạt rừng nguyên sinh, hai khoảng rừng tái sinh và một trảng cỏ đẹp mê hồn mới đến được bãi Đá Nứt, thuộc hệ thống suối Đa Ha- một vùng du lịch sinh thái còn rất nguyên sơ do đội bảo vệ rừng trung tâm quản lý, nếu tính theo đường kính của Vườn, thì bãi Đá Nứt ở vào khoảng gần giữa rừng.

Nước suối trong veo ở bãi Đá Nứt

Đường xa, chúng tôi đi qua những vạt rừng thâm u không thấy tia nắng nào dù ngoài kia trời đang như đổ từng chảo lửa xuống đất. Người dẫn đường vốn là “người của rừng” nhưng lúc nào lưng áo cũng ướt đẫm mồ hôi, huống chi chúng tôi. Các anh luôn động viên: “Sắp đến rồi”. Sắp đến của các anh là sắp đến… vạt rừng khác, rồi lại luồn vào thêm vạt rừng khác nữa, là tiếp tục vướng víu bánh xe lăn vì lá rừng, dây leo… đến nỗi có đoạn phải xuống xe dắt bộ. Người đi trước kéo xe qua, người đi sau rồ máy trợ lực mà xe vẫn trượt dài trên những lớp lá rừng dày đặc. Nhưng công sức của chúng tôi đã không uổng phí chút nào khi đi khoảng hơn nửa đường thì trước mắt đã hiện ra một trảng cỏ đẹp miên man. Những sợi cỏ đều nhau tăm tắp, cao gần đến gối cứ như tấm nệm thiên nhiên dày, khiến chúng tôi chỉ muốn nằm lên đó một chút để tận hưởng cảm giác mềm mượt trong lúc trên đầu ông trời vẫn đổ nắng chang chang. Người dẫn đường cho biết, trảng cỏ này tên gọi Mên-thui. Trảng được giữ gìn và quản lý nghiêm ngặt đến từng mét vuông bởi nó không những mang lại nét đẹp đặc trưng cho rừng mà còn là nơi cung cấp thức ăn cho các loài thú trong mùa mưa. Lại đi thêm một vạt rừng nữa,  luồn cả xe và người vòng qua gốc một cây da khoảng sáu vòng tay ôm vừa mới bật gốc trong tuần trước do mưa lớn, tiếp tục đi qua một cung đường rợp bóng cây le tạo nên một mái vòm trên đầu, chúng tôi coi như đã “chạm tay” vào bãi Đá Nứt.

Không có lời nào tả hết vẻ đẹp của bãi đá khi được tận mắt ngắm nhìn. Những hòn đá to đá nhỏ, rong rêu qua hàng trăm năm tuổi với đủ thứ hình thù nằm lổn ngổn dưới lòng suối nước trong leo lẻo. Bãi Đá Nứt thuộc đầu nguồn suối Đa Ha, dòng suối này sáu tháng mùa khô trong năm vẫn có nước rỉ rả. Nó chính là “kho nước” của rừng. Giữa lòng suối ngoài những tảng đá có vết nứt thì còn có tảng thật to khoảng hai mươi người ngồi. Ở đây, tha hồ mò chem chép lên nướng, những chú chem chép to bằng ba ngón tay nằm ăm ắp dưới lòng suối. Dưới các khe nước sâu một chút còn có loài cá “mát-xa”. Theo lời kể, khi bạn ngâm bàn chân xuống nước, lũ cá này sẽ quây lại rỉa lớp da gót chân bạn, tạo cảm giác nhồn nhột, vui vui và lớp da dày nơi gót chân sẽ biến mất, bạn sẽ thấy nhẹ nhàng hơn sau nhiều giờ đồng hồ luồn rừng, đi bộ.

Tiếng suối róc rách, dòng nước uốn lượn nhẹ nhàng và mát rượi như nước vừa lấy ra từ… tủ lạnh. Nước suối trong veo, vốc một ngụm vào miệng nghe mát ngọt vào tận tâm hồn, khiến bao nhiêu mệt nhọc tiêu tan hết…

Chúng tôi phải chia tay bãi đá vì bóng hoàng hôn đã bắt đầu xuống thấp. Vài cây ngải rừng dưới chân trổ hoa trắng muốt đối lập với màu lá nâu vàng ải mục. Hoa trổ vào mùa khô là hiếm đấy, nghe nói ngải rừng còn là một vị thuốc quý trong kho tàng thuốc nam của Vườn quốc gia. Một loài chim nào đó cất tiếng hót vang như muốn níu chân du khách. Tiếc là chúng tôi không thể ở lại để được cảm nhận không gian rừng đêm huyền hoặc. Một ngày khép lại, từ giã rừng trở về với xô bồ phố thị mà những cung đường rừng phải cùng nhau hợp sức mới vượt qua được vẫn còn in đậm trong trí chúng tôi.

Đào Phạm Thuỳ Trang

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục