Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lường trước nguy cơ quá tải, bùng dịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Thứ bảy: 12:07 ngày 20/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Một số khu vực du lịch, dịch vụ hiện được đặt kín chỗ dù cả tháng nữa mới tới dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Các nhà quản lý và chuyên gia du lịch khuyến cáo cần lên các kịch bản đối phó nguy cơ cháy dịch vụ và mất an toàn phòng, chống COVID-19.

Nguy cơ quá tải

Ông Trần Văn Ngọc, Giám đốc Cty TNHH dịch vụ Phong Hà (thành viên Cty Caravan Việt Nam) thông tin: dịch vụ du lịch dịp 30/4 ở một số điểm đã kín. Cơ sở lưu trú 4-5 sao, các khu nghỉ dưỡng cao cấp đều được đặt chỗ sớm. “Nhiều đơn vị lữ hành phải tranh nhau bởi nhiều điểm ở Sapa, Hạ Long, Đà Lạt đều trong tình trạng kín chỗ”, ông Ngọc nói.

Tình trạng quá tải dịp 30/4 có thể lặp lại

Kỳ nghỉ lễ 30/4 năm nay kéo dài bốn ngày vì thế nhu cầu du lịch của người dân tăng đáng kể- ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) nhận định. Kết quả bước đầu của cuộc khảo sát tâm lý du khách do TAB tiến hành cho thấy, khoảng 30% khách được hỏi sẵn sàng lên đường tại thời điểm này, hơn một nửa trong số những người được khảo sát cho biết sẵn sàng du lịch hè. “Hơn 70% người được khảo sát sẵn sàng đi bằng máy bay. Điều này chứng tỏ họ có sự tin tưởng trở lại”, ông Hoàng Nhân Chính nói.

Khách đặc biệt quan tâm các khu nghỉ dưỡng biển như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Bình, Hạ Long, Cát Bà. Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng dịp 30/4, các khu và điểm du lịch ở phạm vi 300 km trở lại được khách lựa chọn nhiều hơn. Chẳng hạn khách từ Hà Nội hướng đến các khu vực như Sapa, Cát Bà, Đại Lải, Tam Đảo. Du khách tại TPHCM đổ xô đến Đà Lạt, Mũi Né...

Dự đoán khó có khả năng “cháy” phòng và dịch vụ ở Đà Nẵng, tuy nhiên ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng khẳng định khách đang tăng trở lại, càng tới cuối tháng 4 càng khả quan hơn trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh như hiện nay. “Đà Nẵng sở hữu nguồn cung quá lớn vì vậy chúng tôi không sợ kín dịch vụ, tuy nhiên có thể lấp đầy khoảng 70-80% các cơ sở lưu trú. Hiện chỉ hơn 50% cơ sở lưu trú ở Đà Nẵng mở cửa hoạt động trở lại”, ông Dũng nói.

Khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Như ý

Lên kịch bản ứng phó

Dịp lễ 30/4 năm ngoái, du lịch vỡ trận vì người dân bung tỏa khắp các bãi biển và khu du lịch. Bờ biển Sầm Sơn kín đặc người, không còn khoảng hở để tắm biển; dịch vụ ở nhiều điểm khác cũng quá tải. Ông Nguyễn Công Hoan cho rằng đây là bài học để các công ty lữ hành, nhà quản lý cũng như du khách rút kinh nghiệm cho mùa du lịch nghỉ lễ cận kề. Dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn nhưng câu chuyện quá tải, ùn tắc cục bộ tại nhiều điểm hoàn toàn có thể tái diễn.

“Chúng ta cần nhớ rằng có thể vé máy bay không đắt đỏ, không có cảnh ách tắc ở sân bay, thế nhưng các điểm đến du lịch vẫn ken đặc người. Đó là do khách nội vùng, người dân địa phương không di chuyển chơi xa khiến các khu du lịch rất dễ quá tải. Hơn nữa người dân hiện nay luôn trong tâm thế lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại bất cứ lúc nào, vì vậy họ thường quyết định du lịch ở thời điểm sát kỳ nghỉ hơn. Người dân khi lên kế hoạch du lịch cần đặt trước cả vé máy bay lẫn dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống đi kèm, tránh chủ quan để rơi vào bị động và có thể bị chặt chém”, ông Hoan nói.

Các Doanh nghiệp ở Đà Nẵng sẵn sàng tâm thế đón khách dịp tháng 4, tháng 5 để tạo đà cho hai tháng cao điểm hè kế cận. “Hiện nay dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên tăng trưởng du lịch chưa thể bền vững. Dịch bệnh chưa chấm dứt hoàn toàn trong khi chương trình tiêm vắc xin chưa được triển khai đồng loạt, nguy cơ có ca lây nhiễm cộng đồng luôn hiện hữu. Vì vậy chúng tôi luôn yêu cầu các doanh nghiệp đặt an toàn chống dịch bệnh lên trên hết, hy vọng các điểm đến được kiểm soát tốt hơn”, ông Cao Trí Dũng cho hay.

Muốn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh thì nguyên tắc 5K của Bộ Y tế phải được đặt lên hàng đầu. Một khi các điểm đến bị quá tải thì khó đảm bảo được yêu cầu giữ khoảng cách. “Tôi nghĩ rằng chính quyền các địa phương như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang nên có tầm nhìn và bàn bạc với doanh nghiệp để giảm tải thời gian cao điểm của khách. Bởi nếu khách tăng đột biến vào một vùng tại một thời điểm thì rất khó đảm bảo an toàn. Doanh nghiệp có thể tạo ra các sản phẩm mới, điểm đến mới để giãn khách”, ông Hoàng Nhân Chính đề xuất.

Không chỉ lo ứng phó nguy cơ dịch bệnh, các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp du lịch và kinh doanh dịch vụ còn phải đối mặt rủi ro hoàn, hủy dịch vụ vào phút chót. Trải qua ba làn sóng dịch bệnh, khách ngày càng đòi hỏi cao hơn về các điều kiện sử dụng dịch vụ du lịch. Để giữ chân khách, các doanh nghiệp hiện nay đều phải chấp nhận yêu cầu hoàn, hủy dịch vụ linh hoạt hơn.

Kích cầu du lịch nội địa

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch vừa khảo sát một số địa phương du lịch trọng điểm, nhận định hè này chính là cơ hội phục hồi và tăng trưởng du lịch nội địa. Tổng cục Du lịch tiếp tục khuyến khích địa phương và doanh nghiệp thực hiện hai chiến dịch kích cầu để lan truyền tinh thần “du lịch là yêu nước”, “Việt Nam là điểm đến an toàn”. Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Diễn đàn toàn quốc du lịch nội địa tại Hà Nội trong tháng 4 để tìm giải pháp phát triển khách nội địa trong bối cảnh mới.

Nguồn TPO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục