Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mùa hè, đối với học trò cuối cấp, bao giờ cũng là lúc chia tay nhiều lưu luyến nhất. Bạn bè, thầy cô, trường lớp, gốc phượng vĩ, băng ghế đá và bao kỷ niệm đẹp sẽ mãi mãi chia xa. Học trò cuối cấp thường hay tìm cách lưu lại kỷ niệm một thời đáng nhớ.
Một trong những trang lưu bút cách đây gần 40 năm trước.
Gần 40 năm trước, khi sắp chia tay thầy cô, bạn bè cấp 3, lũ học trò chúng tôi cũng đánh dấu kỷ niệm thời cắp sách đến trường bằng cách tổ chức viết lưu bút, lưu ảnh. Thời ấy, chỉ có lớp trưởng, lớp phó hoặc một vài bạn trong lớp, mỗi người dùng một quyển vở trang trí tựa, viết lời nói đầu rồi chuyền tay nhau, mỗi bạn tự viết cảm tưởng của mình vào một trang giấy.
Bạn nào có chút văn chương thì viết cả trang giấy hoặc sáng tác một bài thơ. Những bạn đam mê toán, lý, hoá, không biết viết gì thì sưu tầm lời hay, ý đẹp hoặc cũng ráng viết “không biết nói gì”.
Bạn nào có khiếu hội họa thì vẽ chim, vẽ cảnh. Bạn nào có ảnh chân dung thì dán vào trang viết. Nhiều bạn, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không chụp được tấp ảnh nào thì chừa một ô trống và nắn nót ghi vào chữ “Chờ”.
Theo năm tháng, những đứa “nhất quỷ nhì ma” ngày nào, giờ đã thành ông nội, ông ngoại. Các trang viết nắn nót thời ấy, giờ cũng đã úa màu, nhưng mỗi khi nhìn lại quyển lưu bút, bao kỷ niệm vẫn ùa về.
Một bạn viết: “Các bạn ơi. Thời gian đi nhanh quá. Năm học mới đây đã sắp đến hè. Hè tới đây sẽ khác bao hè trước. Hè tới là bao người chia tay cách biệt. Bạn bè bao giờ gặp lại nhau đây? Chúng ta mỗi đứa một nơi.
Chúng ta phải xa thầy cô, xa bạn và chẳng được cùng nhau cắp sách đến trường, chẳng được nghe thầy cô hằng ngày giảng dạy. Chúng ta như đàn chim non cất cánh bay. Chim bay rồi còn nhớ tổ cũ hay chăng?...”.
Có bạn nắn nót viết thơ: “Hè về thuyết phượng nở thành bông/ Lối đi tràn ngập xác hoa hồng/ Bâng khuâng tôi nhặt từng cánh phượng/ Ấp ủ vào trang giấy học trò/ Hoa nở làm chi hoa hỡi hoa/ Mỗi mùa hoa nở mỗi mùa qua/ xa thầy xa bạn xa tất cả/ Tất cả những gì ta thiết tha”.
Nhiều trang lưu bút đến nay vẫn còn chờ ảnh.
Tôi cũng sáng tác một bài thơ vào lưu bút với bao nỗi niềm trước lúc chia xa. Đã gần 40 năm trôi qua, bạn bè ngày ấy giờ mỗi đứa một phương. Chúng tôi chưa có dịp họp lớp, nhờ mạng xã hội phát triển, những trang viết ngây thơ tuổi học trò được đăng lên và chính những dòng lưu bút nắn nót ngày xưa như sợi dây vô hình nối liền đám học trò chúng tôi lại với nhau.
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế gia đình, các bạn học sinh cuối cấp thể hiện sự biết ơn thầy cô, sự quý mến bạn bè bằng nhiều cách khác xưa. Có bạn dùng điện thoại thông minh chụp với thầy cô, bạn bè trong lớp đưa vào nhóm Zalo của lớp làm thành kỷ yếu.
Một số bạn cá tính hơn thì dùng chiếc áo trắng đồng phục của mình đang mặc thành “lưu áo ngày xanh”. Trên đó, có những bút tích của thầy cô, bạn bè qua những lời chúc, chữ ký bằng mực viết lông, bút bi trên áo.
Những chiếc áo này sau khi đem về nhà không được giặt, chỉ được phơi khô, ủi ngay ngắn và treo vào ngăn tủ làm kỷ niệm. Rất ít bạn thích viết lưu bút theo kiểu truyền thống trên vở học trò như chúng tôi ngày trước. Các cô cậu học trò ngày nay còn bày nhiều trò chọi bóng nước, bột phấn, bột màu v.v…
Trước khi mỗi đứa một nơi, những bạn có điều kiện kinh tế khá giả còn mời nhau bữa tiệc, chầu cà phê, buổi xem phim. Thế hệ trẻ ngày nay hơn hẳn chúng tôi ngày trước, vì hiện giờ em nào cũng có điện thoại di động, có kết nối zalo, facebook…
Rất mừng, là dù thời buổi nào, các học trò cũng vẫn có điểm chung là luôn nhớ ơn thầy cô giáo- những người lái đò thầm lặng. Các bạn vẫn luôn trân quý một thời áo trắng tung tăng . Mai này, mỗi người một ngả đường, dù cuộc sống có ra sao đi nữa, tin rằng những kỷ niệm buồn vui dưới mái trường, sẽ là hành trang không bao giờ phôi phai.
Gần 40 năm trước, rất ít bạn có ảnh như thế này để dán vào lưu bút.
Các bạn cuối cấp 2 của Trường THCS Tiên Thuận (huyện Bến Cầu) chia tay năm học 2022- 2023 với trò chơi chọi bột.
Học trò ngày nay ký tên vào áo thay cho trang viết lưu bút ngày xưa.
Học trò cuối cấp 2, chụp ảnh lưu niệm với thầy hiệu trưởng trước lúc chia xa.
Đại Dương