Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thi tốt nghiệp THPT:

Lưu ý quan trọng đối với thí sinh tự do 

Cập nhật ngày: 03/05/2023 - 06:18

BTN - Sở Giáo dục và Đào tạo lưu ý, thí sinh tự do cần đọc kỹ quy chế, quy định của kỳ thi để tránh sai sót, ảnh hưởng đến quyền lợi cũng như cơ hội tốt nghiệp, cơ hội vào đại học.

Học sinh lớp 12, Trường THPT Tây Ninh trong giờ học. Ảnh minh hoạ

Học chương trình nào, đăng ký dự thi chương trình đó

Thí sinh tự do có nguyện vọng được xem xét bảo lưu điểm thi theo quy định tại khoản 1 Điều 38 của quy chế thi. Điểm bảo lưu do hiệu trưởng trường phổ thông nơi thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 kiểm tra và xác nhận. Trường hợp thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại tỉnh khác với tỉnh đã dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 thì điểm bảo lưu do Sở GD&ĐT nơi thí sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 kiểm tra và xác nhận.

Thí sinh tự do có học bạ theo chương trình THPT nào phải ĐKDT theo quy định dành cho chương trình đó. Nếu thí sinh bị mất bản chính học bạ THPT có nguyện vọng được dự thi năm 2023 phải có xác nhận bản sao học bạ được cấp hoặc bản sao kết quả học tập THPT, trên cơ sở đối chiếu hồ sơ lưu của trường phổ thông nơi thí sinh học lớp 12 hoặc căn cứ vào hồ sơ dự thi của các kỳ thi trước do Sở GD&ĐT xác nhận.

Các đơn vị ĐKDT chịu trách nhiệm hướng dẫn thí sinh chuẩn bị hồ sơ, khai báo vào phiếu ĐKDT kỳ thi tốt nghiệp THPT (gọi tắt là phiếu ĐKDT) trên phần mềm (đối với thí sinh đăng ký trực tuyến) hoặc điền vào phiếu ĐKDT (đối với thí sinh đăng ký trực tiếp) đầy đủ và đúng các thông tin; rà soát hồ sơ đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT để bảo đảm độ chính xác thông tin thí sinh điền vào phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thí sinh phải kê khai chính xác, đúng quy định các thông tin về mã tỉnh, thành phố, mã trường phổ thông... đặc biệt thông tin về diện ưu tiên để được cộng điểm ưu tiên (nếu có) xem xét và quyết định điều kiện dự thi của thí sinh, tuyệt đối không tiếp nhận hồ sơ không hợp lệ.

Nhà trường hướng dẫn thí sinh khai báo trên phần mềm thông tin để hưởng ưu tiên trong xét tuyển sinh đại học, cao đẳng; rà soát thông tin thí sinh khai báo và hồ sơ, minh chứng thí sinh nộp kèm theo. Các đơn vị lưu ý thí sinh chỉ được phép ĐKDT một bài thi tổ hợp (KHTN hoặc KHXH) để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Kết thúc thời hạn ĐKDT, thí sinh không được thay đổi thông tin về bài thi, môn thi đã đăng ký.

Trong trường hợp thí sinh tự do không có căn cước công dân, chứng minh nhân dân, số hộ chiếu và mã định danh thì hệ thống quản lý thi sẽ gán cho thí sinh một mã số gồm 12 ký tự để quản lý. Những thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển sinh đại học, cao đẳng phải đăng ký số điện thoại, e-mail của mình khi ĐKDT. Lưu ý: thí sinh đã đăng ký sơ tuyển phải dùng giấy tờ thống nhất khi ĐKDT, đăng ký sơ tuyển và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Hồ sơ đăng ký dự thi đối với thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT

Đối tượng này, ngoài các hồ sơ quy định, hồ sơ ĐKDT phải có thêm: giấy xác nhận của trường phổ thông nơi thí sinh học lớp 12 hoặc nơi thí sinh ĐKDT về xếp loại học lực lại đối với những học sinh xếp loại kém về học lực theo quy định của quy chế thi; bản sao bằng tốt nghiệp THCS; giấy xác nhận điểm bảo lưu (nếu có) do hiệu trưởng trường phổ thông nơi thí sinh đã dự thi năm trước xác nhận.

Trường hợp thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại tỉnh khác với tỉnh đã dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 thì việc xác nhận điểm bảo lưu phải do Sở GD&ĐT nơi thí sinh đã dự thi năm 2022 thực hiện kiểm tra và xác nhận.

Trường hợp thí sinh mất bản chính học bạ THPT có nguyện vọng dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023  phải có xác nhận bản sao học bạ được cấp hoặc bản sao kết quả học tập THPT, trên cơ sở đối chiếu với hồ sơ lưu của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc căn cứ vào hồ sơ dự thi của các kỳ thi trước.

Hồ sơ đăng ký dự thi đối với thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT gồm có: 2 phiếu đăng ký dự thi giống nhau; bản sao bằng tốt nghiệp THPT; 2 ảnh cỡ 4x6cm, kiểu CCCD/CMND, được chụp trước thời gian nộp hồ sơ không quá 6 tháng.

Hồ sơ đăng ký dự thi đối với thí sinh tự do đã tốt nghiệp trung cấp gồm có: 2 phiếu ĐKDT giống nhau; bản sao bằng tốt nghiệp THCS; bản sao bằng tốt nghiệp trung cấp; bản sao sổ học tập hoặc bảng điểm học các môn văn hoá THPT theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ GD&ĐT; 2 ảnh cỡ 4x6cm, kiểu CCCD/CMND, được chụp trước thời gian nộp hồ sơ không quá 6 tháng.

Thí sinh lưu ý, ảnh nộp là ảnh màu cỡ 4x6cm, kiểu CCCD/CMND, được chụp trước thời gian nộp hồ sơ không quá 6 tháng. Ảnh của thí sinh (có thể quét ảnh thí sinh đã nộp hoặc nhập từ file ảnh hoặc chụp ảnh trực tiếp) phải được nhập ngay khi nhập phiếu ĐKDT. Ảnh của thí sinh đưa vào hệ thống có độ phân giải là 400x600 pixels và phải được gắn đúng với thí sinh.

Khi đăng ký dự thi, thí sinh bắt buộc phải khai báo số điện thoại di động được sử dụng thường xuyên, địa chỉ e-mail để phục vụ công tác quản lý và tổ chức kỳ thi.

Bản chứng thực của các hồ sơ liên quan là bản photocopy được cơ quan công chứng xác nhận. Cơ quan chuyên môn cấp huyện xác nhận các điều kiện được hưởng tiêu chuẩn ưu tiên khác theo quy định tại Điều 39 của quy chế thi.

Khi hết hạn nộp phiếu đăng ký dự thi, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo kịp thời cho hiệu trưởng trường phổ thông hoặc thủ trưởng đơn vị nơi đăng ký dự thi hoặc cho trưởng điểm thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung.

Bài thi, lịch thi

Kỳ thi tốt nghiệp THPT có 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (viết tắt là KHTN) gồm các môn thi thành phần Vật lý, Hoá học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (viết tắt là KHXH) gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp (KHTN hoặc KHXH) do thí sinh tự chọn. Thí sinh GDTX phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp (KHTN hoặc KHXH) do thí sinh tự chọn; thí sinh GDTX có thể ĐKDT thêm bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.

Thí sinh dự thi để lấy kết quả dự xét vào các trường đại học, cao đẳng chỉ được ĐKDT các môn thi thành phần trong cùng một bài thi tổ hợp.

Hình thức thi: Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các bài thi Toán, Ngoại ngữ và các bài thi tổ hợp: thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan (gọi tắt là thi trắc nghiệm).

Tổ chức thi: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Tây Ninh tổ chức 1 cụm thi do Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh tổ chức cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Kết quả của kỳ thi dùng xét công nhận tốt nghiệp THPT và được các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để tuyển sinh.

Cụm thi (Hội đồng thi) Tây Ninh có 19 điểm thi chính thức và 9 điểm thi dự phòng được bố trí tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Thí sinh tự do chưa tốt nghiệp và thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT (kể cả quân nhân, công an đang tại ngũ) được đăng ký tại các địa điểm đăng ký dự thi do Sở GD&ĐT quy định.

Việt Đông