Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Lý do khiến người Việt chậm cưới, ngại sinh con
Thứ hai: 10:52 ngày 12/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhiều người ngại sinh con và không định sinh nhiều con bởi chi phí nuôi con (ăn, mặc), học hành, khám chữa bệnh bệnh; mất nhiều thời gian, công sức chăm sóc, dạy bảo con cái.

Liên tục từ năm 2020 đến nay, mức sinh xuống thấp tại các tỉnh, thành miền Nam kéo theo mức sinh của toàn quốc giảm còn 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử.

Áp lực từ cuộc sống, gia đình khiến người Việt ngày càng chậm cưới, lười sinh

Cùng đó, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của cả nước tăng dần theo thời gian, hiện ở mức 27,2. Đáng chú ý, tuổi kết hôn trung bình tại TP HCM đã tăng lên 30,4, mức cao nhất cả nước; mức sinh của địa phương này cũng ở mức rất thấp so với các tỉnh, thành khác (1,32 con).

Ngại sinh con

Theo ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), Việt Nam đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tổng tỉ suất sinh (TFR) được duy trì ở mức 2 - 2,1 con/phụ nữ suốt thời gian qua nhưng có nguy cơ không duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc, do xu thế mức sinh xuống thấp.

Việc người Việt chậm cưới, lười sinh đang gây lo ngại về già hóa dân số, ảnh hưởng đến cơ cấu dân số.

Đưa ra khuyến nghị để duy trì vững chắc mức sinh thay thế, PGS-TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết trên thế giới tình trạng phổ biến là mức sinh sau khi giảm về mức thay thế thì tiếp tục giảm.

"Mức sinh khi đã giảm thấp thì rất khó quay trở lại mức thay thế. Trong giai đoạn 2000-2015, thế giới có 32 quốc gia có TFR gia tăng nhẹ khi đang ở dưới mức thay thế, nhưng không trường hợp nào quay trở về mức thay thế hoặc cao hơn"- PGS Vinh nói.

Số liệu gần nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy tỉ lệ người độc thân tại Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh, từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% vào năm 2019. Như vậy, trong vòng 15 năm, tỉ lệ người chọn không kết hôn đã tăng gần gấp đôi.

80% cặp vợ chồng mong sinh đủ 2 con

Nêu ra quan điểm về giá trị của con cái và công bố khảo sát năm 2024 về việc các cặp vợ chồng dự định số con tại 4 tỉnh thành: Khánh Hoà, TP HCM, Sóc Trăng và Cà Mau, chuyên gia này cho biết số cặp vợ chồng mong muốn sinh đủ 2 con từ 78% đến 82%. Ngoài ra, mong muốn trên 3 con chiếm khoảng 15%.

Theo khảo sát này, số phụ nữ chỉ muốn sinh 1 con ở Cà Mau cao nhất (15,1%), tiếp đến là Sóc Trăng (9,2%), Khánh Hòa (8,1%) và TP HCM (2,5%).

Lý do người Việt ngại sinh nhiều con.

Tuy nhiên, lý do mà người nam và nữ chưa kết hôn cũng như người nữ đã có chồng không định sinh nhiều con hơn là: Chi phí nuôi con (ăn, mặc), học hành, khám chữa bệnh. Ngoài ra, các đối tượng được khảo sát cũng cho rằng họ mất nhiều thời gian, công sức chăm sóc con; ảnh hưởng đến ngoại hình, sức khoẻ; mang thai, sinh đẻ vất vả, nhiều rủi ro. Cùng đó, mất cơ hội việc làm, thăng tiến; mất công sức dạy bảo con cái, nhà ở bị chật chội hơn…

"Không ít gia đình muốn có 2 con nhưng không có ý định sinh đủ 2 con hoặc không thể hiện thực hóa được mong muốn đó"- PGS Vinh nói.

Theo một khảo sát được PGS Vinh công bố, nếu chỉ có 1 con là trẻ dưới 6 tuổi, chi phí cho con ước là hơn 5,5 triệu đồng, nhưng nếu là 3 con chi phí này sẽ giảm còn 3,8 triệu đồng.

Với trẻ đang học tiểu học, chi phí bố mẹ ước chi cho 1 con là hơn 7 triệu đồng nhưng 3 con chỉ còn hơn 4,2 triệu đồng. Khi các bậc học càng cao thì chi phí càng lớn và càng nhiều con thì chi phí cho một đứa con càng giảm.

Khảo sát tại một số tỉnh thành năm 2019 -2020- Ảnh chụp màn hình

Giá trị của con cái đang bị thay đổi?

Theo PGS Vinh, các lý thuyết về giá trị con cái cho rằng, con cái luôn đem lại những giá trị hay lợi ích nhất định cho cha mẹ từ việc sinh con và nuôi dạy con. Khi thấy những giá trị này càng quan trọng thì các cặp vợ chồng càng muốn sinh con và ngược lại. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế, xã hội dẫn đến thay đổi giá trị con cái và do đó làm biến đổi mức sinh.

"Ngay cả ở Việt Nam và phương Đông thường xác định 4 giá trị chính của con cái đối với cha mẹ là: Sức lao động cho hộ gia đình; an sinh, nuôi dưỡng khi về già; nối dõi, thừa kế; giữ gìn hạnh phúc gia đình. Thế nhưng cho dù các giá trị con cái là hiện hữu, nhưng nếu chi phí và những mất mát do sinh đẻ, nuôi dạy con cái quá cao thì các cặp vợ chồng vẫn có thể sinh ít hoặc thậm chí không sinh con"- PGS Vinh phân tích.

Dựa theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh truyền thông vận động về quy mô gia đình 2 con đến mọi địa bàn và nhóm xã hội. Chú trọng ưu tiên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thực tế và phổ biến nhất của các cặp đôi trẻ hiện nay.

Do đó, cần tạo môi trường thân thiện và thuận lợi cho kết hôn, sinh đẻ và nuôi dạy con cái phù hợp với xã hội hiện đại, nhất là ở những nơi có mức sinh thấp. Đây có lẽ là nhóm giải pháp rộng lớn và khó khăn nhất, đòi hỏi huy động nhiều nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội.

Nguồn Người Lao động

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục