Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lý do lần này Nga quyết liệt và cấp bách với phương Tây
Thứ hai: 10:08 ngày 10/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các yêu cầu trong dự thảo an ninh Nga đề xuất với NATO không mới, điểm khác là lần này Nga tỏ rõ sự cấp bách, lý do có thể là gì?

Trong bản dự thảo an ninh đề xuất với phương Tây, Nga yêu cầu một loạt đảm bảo an ninh từ NATO: Không mở rộng liên minh về phía đông, không triển khai quân đội hoặc vũ khí tới các nước gia nhập khối sau năm 1997, hạn chế triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung, chia sẻ thông tin nhiều hơn về các cuộc tập trận quân sự…

Theo trang Foreign Policy, những yêu cầu này không mới khi Nga lâu nay vẫn phản đối việc Ukraine thân hơn với phương Tây và việc NATO mở rộng ảnh hưởng về Đông Âu. Điều khác trước là lần này Nga tỏ rõ sự cấp bách của mình và ra thời hạn để phương Tây đáp ứng yêu cầu. Điều gì đằng sau điểm khác này?

Nhiều chuyên gia chỉ ra nhiều yếu tố hội tụ lại để từ đó Nga thấy rằng giờ là lúc cần hành động mạnh mẽ hơn để giải quyết sự cân bằng quyền lực ở châu Âu và sự hợp tác ngày càng tăng của Ukraine với phương Tây. Bà Olga Oliker - Giám đốc chương trình khu vực châu Âu và Trung Á tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (Bỉ) cho rằng “phải xem đây là một cuộc khủng hoảng liên quan đến Ukraine và an ninh châu Âu, và có rất nhiều sự chồng chéo giữa những điều đó”.

Thứ nhất, cần nhắc đến làn sóng mở rộng của NATO. Nguồn gốc lâu dài của cuộc khủng hoảng hiện tại bắt nguồn từ hậu quả của sự sụp đổ Liên bang Xô Viết và việc một số nước Đông Âu gia nhập NATO. Điều này đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc đến trong bài phát biểu kết thúc năm 2021 khi ông cáo buộc NATO không giữ lời hứa chuyện ngừng mở rộng về phía đông.

Thứ hai là những thay đổi ở Ukraine. Việc NATO năm 2008 hứa hẹn khả năng kết nạp Ukraine và Georgia là một sự cảnh báo sâu sắc đến Nga. Theo chuyên gia Oliker, Nga xem Ukraine và Georgia là những vùng đệm và nếu các nước này gia nhập NATO thì đó là mối đe dọa an ninh lớn với Nga.

Lo ngại của Nga với “lá chắn” Ukraine thêm cao khi nước này xảy ra cuộc nổi dậy lật đổ tổng thống thân Nga - ông Viktor Yanukovych năm 2014, và mở ra một loạt chính phủ có tư tưởng cải cách. Thời điểm đó Nga đã sáp nhập Crimea và hỗ trợ phe ly khai ở miền Đông Ukraine. Dưới thời Tổng thống Volodymyr Zelensky, Ukraine đã tăng cường hợp tác quốc phòng với các thành viên NATO, bao gồm Mỹ, Anh.

Theo ông Andrea Kendall-Taylor, Giám đốc Chương trình An ninh xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, ông Putin nhìn thấy quỹ đạo ở Ukraine và nhận ra cần hành động ngay để khẳng định lại ảnh hưởng, trước khi các khả năng của Ukraine tăng hơn nữa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo thường niên ở Moscow ngày 23-12-2021. Ảnh: GETTY IMAGES 

Thứ ba, việc Nga chọn thời điểm hành động có liên quan đến quan điểm mà Nga đánh giá là “thực dụng” của ông Biden, cùng việc Mỹ và phương Tây đang bị khủng hoảng. Trong phần lớn năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, Mỹ tìm cách thiết lập quan hệ “ổn định và có thể đoán trước được” với Nga, nhằm tập trung nguồn lực cạnh tranh với Trung Quốc.

Trao đổi với Foreign Policy, ông Michael Kofman - chuyên gia về lực lượng vũ trang Nga cho rằng Nga xem việc Mỹ rút khỏi Afghanistan là một ví dụ cho thấy ông Biden là người thực dụng và sẽ nghiêm túc xem xét một thỏa hiệp.

Mỹ đã gửi hàng tỉ USD viện trợ quân sự cho Ukraine và kiên định ủng hộ chủ quyền của Ukraine nhưng cuối cùng số phận của Ukraine có ý nghĩa với Nga hơn là với Mỹ, theo chuyên gia này. Nga có thể đánh giá lợi ích của Mỹ ở Ukraine không cao và cùng lắm Mỹ chỉ muốn quản lý không để căng thẳng leo thang. Nếu điều tệ nhất xảy ra, Mỹ trừng phạt về kinh tế thì Nga vẫn thích ứng được, chuyên gia Kofman nhận định. 

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục