Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lý do sát thủ Na Uy chỉ lĩnh án tù tối đa 21 năm
Thứ sáu: 09:33 ngày 15/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Những sát thủ Na Uy dù máu lạnh đến đâu cũng chỉ bị tuyên tối đa 21 năm tù, do nước này muốn chú trọng cải tạo phạm nhân.

Dư luận Na Uy ngày 13/10 chấn động với vụ tấn công bằng cung tên tại thị trấn Kongsberg khiến 5 người thiệt mạng. Cảnh sát đã bắt nghi phạm là một công dân Đan Mạch 37 tuổi đã cải sang đạo Hồi và từng khiến giới chức lo ngại về những dấu hiệu cực đoan hóa.

Cuộc tấn công khiến người dân Na Uy nhớ lại vụ thảm sát 77 người do Anders Breivik thực hiện năm 2011 ở một trại hè trên đảo Utoeya. Tuy nhiên, trong phán quyết được đưa ra hồi tháng 8/2012, các thẩm phán tòa án ở thủ đô Oslo chỉ kết án Breivik 21 năm tù. Breivik mỉm cười khi nghe tòa tuyên án và luật sư của y cho biết kẻ sát nhân hàng loạt này sẽ không kháng án.

Trong khi người dân các nước khác có thể phẫn nộ với bản án 21 năm dành cho kẻ máu lạnh như Breivik, những người may mắn sống sót tại hiện trường vụ thảm sát và gia đình các nạn nhân lại tỏ ra hài lòng.

"Tôi nhận được nhiều tin nhắn của các thân chủ nói rằng công lý đã được thực thi. Họ vui mừng vì chuyện này chấm dứt ở đây và không bao giờ phải nhìn thấy mặt Breivik nữa", một luật sư của gia đình các nạn nhân cho biết.

Nhiều khả năng nghi phạm thực hiện vụ tấn công bằng cung tên ở Kongsberg nếu bị tuyên có tội cũng chỉ nhận mức án 21 năm tù, bởi đây là mức án tù cao nhất tại Na Uy, sau khi nước này xóa bỏ án chung thân vào năm 1971.

Sát nhân hàng loạt Anders Breivik tại phiên tòa ở Oslo, Na Uy, vào tháng 8/2012. Ảnh: Reuters.

Jo Stigen, giáo sư luật hình sự tại Đại học Oslo, cho biết quy định về án tù tối đa phản ánh văn hóa của Na Uy. "Mục tiêu cuối cùng của hệ thống tư pháp là cải tạo tội phạm", ông giải thích, nói thêm rằng hầu hết người Na Uy không nghĩ tòa án đã xử nhẹ với Breivik.

Khi Breivik mãn hạn, nếu nhà tù xác định y chưa được cải tạo, bản án sẽ được kéo dài thêm 5 năm và tới hạn lại tiếp tục được xem xét. Vì vậy, trên thực tế, những tội phạm nguy hiểm nhất tại Na Uy như Breivik vẫn có khả năng phải thụ án chung thân.

"Về mặt tâm lý, việc y bị tuyên mức án kịch khung tạo cảm giác hài lòng. Đó là tín hiệu mạnh mẽ với xã hội", Stigen cho hay. Theo một khảo sát trên tờ Verdens Gang của Na Uy, 62% người dân tin rằng Breivik "sẽ không bao giờ được tự do".

Tuy nhiên, Hans Petter Graver, một giáo sư khác tại Đại học Oslo, lại đánh giá Breivik có khả năng được phóng thích trong chưa đầy 21 năm. "Nguyên tắc chính đằng sau hệ thống tư pháp của Na Uy không phải nhốt tội phạm trong tù suốt đời, mà là tạo cơ hội để họ tái hòa nhập xã hội. Không ai biết Breivik sẽ ra sao trong 15, 20 năm nữa. Xã hội cũng thay đổi theo thời gian", Graver nêu quan điểm.

Bob Cameron, tiến sĩ chuyên ngành tư pháp hình sự tại Mỹ, cho biết các bản án bao gồm 5 mục tiêu cơ bản đối với tội phạm là trừng phạt, tước khả năng tự do hành động, ngăn chặn, sửa chữa và cải tạo hành vi. Mỹ coi cải tạo là mục tiêu thứ yếu. Họ muốn các tù nhân trước hết phải bị trừng phạt, rồi mới đến cải tạo.

Bình luận viên Max Fisher của Atlantic cũng giải thích rằng hệ thống tư pháp Mỹ, tương tự hầu hết quốc gia trên thế giới, được xây dựng dựa trên quan niệm gọi là công lý trừng phạt.

Theo cách hiểu đơn giản, quan niệm này định nghĩa công lý là sự trừng phạt thích đáng đối với người gây hại cho xã hội, tức là bản án phải tương xứng với mức độ nghiêm trọng của tội danh. Vì vậy, bản án 21 năm tù trong buồng giam gồm ba phòng, có TV và phòng tập thể dục, bị coi là không thích đáng với tội giết 77 người của Breivik.

Tuy nhiên, Na Uy không giống Mỹ. Mặc dù Breivik vẫn có khả năng ngồi tù suốt đời, 21 năm tù thực sự là mức án cao nhất trong quy định của Na Uy, ngay cả đối với những tội ác vô cùng tàn bạo. Nguyên nhân xuất phát từ việc hệ thống tư pháp Na Uy được xây dựng dựa trên quan niệm công lý phục hồi.

Những người ủng hộ hệ thống này lập luận rằng nó giúp tập trung vào sự chữa lành đối với các nạn nhân, xã hội và bản thân tội phạm, có nghĩa là không nhất thiết phải trừng phạt, mà thậm chí còn quan tâm đến nhu cầu của tù nhân. Họ quan niệm tội phạm không phải những kẻ sai trái phải bị trừng phạt, mà là người lầm lạc cần được sửa chữa.

Một buồng giam tại nhà tù Halden của Na Uy, có tủ lạnh, bàn làm việc và TV. Ảnh: Reuters.

Howard Zehr, học giả về công lý phục hồi, cho biết mô hình này còn "khuyến khích tội phạm nhận thức được những hậu quả họ gây ra, hoặc đồng cảm với nạn nhân". Trong những phiên xét xử Breivik, các thẩm phán đã nghe 77 báo cáo khám nghiệm tử thi, 77 bản mô tả cách tên sát nhân giết họ, cùng 77 bản tiểu sử "nói lên những hoài bão và mơ ước không thành" của các nạn nhân.

"Phiên tòa kiểu Mỹ chủ yếu nhằm nghe điều trần và đánh giá bị cáo. Na Uy cũng làm vậy, nhưng họ còn tạo không gian để các nạn nhân biến phiên tòa thành diễn đàn và đối mặt với kẻ làm hại họ. Mục đích phiên tòa không chỉ là chứng minh hoặc bác bỏ tội lỗi, mà còn nhằm xóa bỏ nỗi đau khổ của nạn nhân", bình luận viên Fisher cho hay.

Trong một phiên tòa phục hồi lý tưởng, kẻ phạm tội sẽ không chỉ bị trừng phạt vì hành động của mình, mà còn chủ động "nhận trách nhiệm" và cam kết đền bù cho các nạn nhân cũng như cộng đồng, Zehr cho biết. Nhưng đó chỉ là trường hợp lý tưởng mà Zehr thừa nhận xã hội hiếm khi đạt được. "Thật khó tưởng tượng Breivik sẽ thay đổi theo hướng đó", Fisher nhận xét.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hệ thống công lý phục hồi của Na Uy dường như hiệu quả, khi giúp giảm thiểu tội phạm, chi phí giam giữ và khả năng tái phạm, dù các bản án đều khá nhẹ. Theo một bài báo hồi năm 2013 của Guardian, tỷ lệ tái phạm tại nhà tù Bastoy của Na Uy là khoảng 16%, thấp nhất châu Âu, trong khi con số này ở Mỹ là 40%. Ngoài các nước vùng Scandinavi, Arab Saudi cũng từng tuyên bố thành công đáng kể khi áp dụng mô hình công lý phục hồi đối với tội phạm khủng bố và cực đoan.

Mặc dù vậy, những dấu hiệu tích cực đối với xã hội khi áp dụng mô hình này dường như không giúp xoa dịu cảm giác bất mãn vì công lý chưa được thực thi ở một bộ phận công chúng.

"Những cảm xúc như vậy có lẽ bắt nguồn từ nhu cầu cơ bản của con người về công lý và công bằng. Mô hình công lý phục hồi của Na Uy đã phá vỡ những mong muốn đó, bằng cách giảm bớt cái giá mà những kẻ phạm tội phải trả", Fisher giải thích.

Nguồn VNE

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục