Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Cao tốc Gò Dầu - Xa Mát và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ trở thành trục tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển.
Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc giao UBND tỉnh Tây Ninh làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1). Dự án này sẽ thực hiện đoạn từ Gò Dầu đến TP Tây Ninh trong giai đoạn 2021-2030.
Sớm kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát được quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuyến cao tốc có chiều dài khoảng 65 km, quy mô bốn làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030. Đây là trục giao thông chính chạy dọc từ bắc xuống nam của tỉnh Tây Ninh, đồng thời kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Sơ đồ dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát kết nối với cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Đồ họa: HỒ TRANG
Dự án sau khi hoàn thành sẽ hình thành trục giao thông kết nối Tây Ninh như các khu vực TP Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, Trảng Bàng và các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu, Tân Châu, Tân Biên; các cửa khẩu phía bắc của tỉnh Tây Ninh và hai cửa khẩu chính Chàng Riệc, Kà Tum… để kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời kết nối với hành lang kinh tế đông - tây phía Nam các nước tiểu vùng sông Mekong.
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, việc nghiên cứu và đầu tư sớm tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát là để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng của cả nước. Đồng thời phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.
UBND tỉnh Tây Ninh cho biết đoạn đầu của cao tốc, từ Gò Dầu kết nối vào cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đến TP Tây Ninh sẽ kết nối trực tiếp đến trung tâm tỉnh và Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.
Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 hơn 5.100 tỉ đồng
Ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, cho biết dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát đang được xin kiến nghị để thực hiện trước giai đoạn 1. Giai đoạn 1 của dự án sẽ đầu tư trên chiều dài gần 28 km, từ đoạn giao cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đến đường 781 (huyện Dương Minh Châu). Mặt đường rộng 17 m cho bốn làn xe, vận tốc 80 km/giờ. Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn này hơn 5.100 tỉ đồng. Dự kiến dự án này sẽ khởi công trước năm 2025.
Theo ông Tài, UBND tỉnh Tây Ninh xác định cao tốc Gò Dầu - Xa Mát là trục tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển như thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp… Đặc biệt, trục động lực này cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển dọc hai bên tuyến bởi hiện có Khu công nghiệp (KCN) đô thị dịch vụ Phước Đông - Bời Lời, KCN Chà Là, định hướng có KCN Hiệp Thạnh và KCN Thạnh Đức.
Mặt khác, tỉnh Tây Ninh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư và có các nhà đầu tư chiến lược đang đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, đô thị, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng… Trong đó, tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát đã có các nhà đầu tư quan tâm, đề xuất nghiên cứu.
“Tỉnh Tây Ninh đang xây dựng đề án khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh, nguồn vốn thu được sẽ đầu tư các công trình hạ tầng giao thông. Trong đó dự kiến hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng đầu tư dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát theo phương thức đối tác công tư (PPP)” - ông Tài cho biết.•
Có thể thấy cao tốc Gò Dầu - Xa Mát sẽ tạo sự đồng bộ với cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đặc biệt sẽ kết nối với phía Campuchia và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các nước trong khu vực.
Theo đó, việc cần làm hiện nay là làm một số đường kết nối để tạo sự đồng bộ trước. Ngay sau khi Chính phủ cho phép thì chúng ta có thể bắt tay vào làm để mang lại hiệu quả ngay. Cần tránh tình trạng khởi công dàn trải mà không mang lại hiệu quả. Đặc biệt, các địa phương phải ưu tiên giải phóng mặt bằng trước một bước, giải quyết chính sách đất đai với người dân, tránh tình trạng dự án bị kéo dài, gây đội vốn.
Ông VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM
Dự kiến triển khai cao tốc TP.HCM - Mộc Bài từ năm 2021 đến 2025
TP.HCM và tỉnh Tây Ninh đang phối hợp để triển khai dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài với tổng mức đầu tư 15.900 tỉ đồng, dài khoảng 50 km. Trong đó có hơn 5.400 tỉ đồng chi phí xây dựng; hơn 1.800 tỉ đồng chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư, lãi vay; hơn 7.400 tỉ đồng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư (trên địa bàn TP.HCM là 5.900 tỉ đồng). Thời gian thực hiện dự án giai đoạn 1 dự kiến từ năm 2021 đến 2025.
Hiện HĐND TP.HCM và HĐND tỉnh Tây Ninh đã thông qua chủ trương đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Cả tỉnh Tây Ninh và TP.HCM đều kỳ vọng đây sẽ là tuyến giao thông cao tốc Xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.
Đồng thời tuyến đường phát huy lợi thế các tuyến cao tốc đã và đang được đầu tư xây dựng trong khu vực. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Nguồn PLO