Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo hội đồng phiên họp, hội đồng trọng tài đã không áp dụng các nguyên tắc “tự do, tự nguyện thỏa thuận của các bên trong hoạt động thương mại".
Mới đây, TAND TP.HCM mở phiên họp giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài theo yêu cầu của Công ty M-TP Talent (gọi tắt M-TP Talent). Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TAD Global Việt Nam (gọi tắt TAD Global).
Hội đồng phiên họp đã chấp nhận yêu cầu của M-TP Talent và tuyên hủy phán quyết trọng tài của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - chi nhánh TP.HCM.
Công ty M-TP Talent do ông Nguyễn Thanh Tùng (nghệ danh Sơn Tùng M-TP) làm chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật.
Kiện ra tòa, đề nghị hủy phán quyết trọng tài
Theo nội dung vụ việc, ngày 31-3-2022, TAD Global và M-TP Talent ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ và cấp quyền sử dụng hình ảnh của Sơn Tùng. Tổng giá trị của hợp đồng hơn 25 tỉ đồng. Thời hạn hợp đồng từ ngày 1-4-2022 đến đến hết ngày 30-4-2023.
Do hai bên chưa thực hiện xong một số hạng mục trong hợp đồng, M-TP Talent gửi thư điện tử (email) thương lượng gia hạn hợp đồng thêm hai tháng, đến ngày 30-6-2023. Qua nhiều email trao đổi, hai bên soạn thảo Phụ lục số 06 nhưng chưa thống nhất nên chưa ký kết.
Ngày 30-4-2023, hợp đồng hết hiệu lực nhưng do chưa hoàn tất công việc, Tad Global đã yêu cầu Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam - VIAC tại TP.HCM giải quyết tranh chấp, yêu cầu M-TP Talent trả lại tiền tương ứng với các hạng mục công việc chưa hoàn thành.
Phán quyết trọng tài chấp nhận 80% yêu cầu của Tad Global, buộc phía M-TP Talent phải trả gần 6 tỉ đồng, gồm: giá trị các dịch vụ chưa hoàn thành, thuế VAT, phí trọng tài và giá trị phần dịch vụ mà đáng lẽ bị đơn phải trả đúng hạn.
M-TP Talent đã đề nghị TAND TP.HCM hủy phán quyết trọng tài với các lý do phán quyết trọng tài có nội dung vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
Tòa quyết định hủy phán quyết trọng tài
Theo hội đồng phiên họp, phán quyết của hội đồng trọng tài đã không tuân thủ đúng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Việc hủy phán quyết trọng tài thuộc căn cứ tại điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại. Do vậy, có cơ sở để hội đồng phiên họp chấp nhận yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của M-TP Talent.
Hội đồng phiên họp xét thấy, hợp đồng nêu rõ khi có nội dung mới phát sinh cần bổ sung, hai bên cùng nhau bàn bạc thống nhất và thể hiện bằng phụ lục hợp đồng và được ký bởi người có thẩm quyền mỗi bên.
Nghĩa là bất kỳ một thay đổi nào phải được các bên thỏa thuận bằng hình thức ký kết phụ lục thì mới phát sinh hiệu lực. Các bên đã ký Phụ lục số 05 gia hạn hợp đồng đến ngày 30-4-2023. Những nội dung trao đổi bằng email giữa hai bên chưa đủ cơ sở để gia hạn thời hạn hợp đồng sau ngày 30-4-2023, mà đây là quá trình thảo luận để đi đến ký kết.
Ca sĩ Sơn Tùng trên trang web Công ty CP M-TP Talent.
Hội đồng phiên họp xét thấy, phán quyết trọng tài công nhận các thỏa thuận hai bên xác lập qua email có giá trị như thể hợp đồng, thông qua việc ấn nút like M-TP Talent ở các email là chưa đánh giá đúng ý chí các bên.
Bởi nếu hai bên đã được gia hạn qua trao đổi tại các email, nhưng khi M-TP Talent gửi Phụ lục số 06 thì TAD Global vẫn xác nhận chỉnh sửa và đề xuất trình người có thẩm quyền ký phụ lục. Tuy nhiên, TAD Global không thực hiện việc trình ký mà lại suy luận M-TP Talent đã đồng ý gia hạn hợp đồng là chưa thuyết phục. TAD Global cũng không có kế hoạch công việc gửi cho M-TP Talent thực hiện các chương trình còn lại.
Căn cứ Phụ lục số 01 của hợp đồng, M-TP Talent có trách nhiệm thực hiện các chương trình theo yêu cầu kế hoạch của TAD Global. Thời hạn hợp đồng từ ngày 1-4-2022 đến ngày 30-4-2023, TAD Global phải có trách nhiệm lên kế hoạch và gửi đủ chương trình cho M-TP Talent thực hiện và M-TP Talent có nghĩa vụ thực hiện trong khuôn khổ thời hạn của hợp đồng. Thời hạn kết thúc hợp đồng, TAD Global chưa gửi công việc cho M-TP Talent thực hiện thì phải gánh chịu thiệt hại đối với những chương trình chưa thực hiện.
Khi gần hết thời hạn hợp đồng, TAD Global vẫn còn ba chương trình chưa yêu cầu M-TP Talent thực hiện. Lỗi hoàn toàn của TAD Global vì không cung cấp cho M-TP Talent kế hoạch công việc, không yêu cầu M-TP Talent thực hiện dịch vụ trong 7 tháng. Sau đó đưa ra yêu cầu thực hiện công việc một cách dồn dập.
Đối với việc TAD Global cho rằng không yêu cầu M-TP Talent thực hiện chương trình là do Sơn Tùng bị xử phạt hành chính khi phát hành MTV. Đây không phải là điều kiện các bên ràng buộc để chấm dứt hợp đồng hay tạm ngừng hợp đồng mà chỉ là hành vi chủ quan đơn phương của TAD Global.
Ngoài ra, phán quyết của trọng tài có nhận định “nguyên đơn rõ ràng bị thiệt hại” dù trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp không có bất kỳ tài liệu và chứng cứ nào chứng minh TAD đã bị thiệt hại; “nghệ sĩ không nên giữ lại cả hai nguồn thu nhập này mà nên trả lại một phần cho nguyên đơn”, “chấp nhận 80% yêu cầu của nguyên đơn” mà không có căn cứ pháp lý chứng minh thiệt hại và lỗi của từng bên.
Hội đồng trọng tài nhận định, M-TP Talent dùng các email hứa hẹn “để sập bẫy thời hạn” với TAD Global. Trong khi hợp đồng còn khoảng 2 tháng là kết thúc và TAD Global liên tục gửi chương trình yêu cầu M-TP Talent thực hiện. Với thời gian còn lại quá ngắn, M-TP Talent đã chủ động đề xuất với TAD gia hạn thời hạn thực hiện hợp đồng đến ngày 31-7-2023, thể hiện thiện chí của M-TP Talent.
Theo hội đồng phiên họp, hội đồng trọng tài đã có những đánh giá chưa khách quan, chưa công bằng và đã không áp dụng các nguyên tắc “tự do, tự nguyện thỏa thuận của các bên trong hoạt động thương mại” tại Điều 11 Luật Thương mại năm 2005; “tự do thỏa thuận và tôn trọng ý chí của các bên trong giao dịch dân sự” tại khoản 2 Điều 3 BLDS trong quá trình giải quyết tranh chấp. Hội đồng trọng tài không bình đẳng khi đánh giá chứng cứ là vi phạm nguyên tắc “mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất cứ lý do nào để phân biệt đối xử” theo BLDS.
Nguồn PLO