BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mã BHXH suốt đời cho Học sinh - Sinh viên 

Cập nhật ngày: 09/10/2017 - 19:52

Mã BHXH suốt đời cho HSSV; mức đóng BHYT của HSSV "tăng không nhiều"; được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh nếu tổng chi phí khám chữa bệnh 1 lần thấp hơn 15% mức lương tối thiểu...

Năm học 2017-2018, 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT sẽ được cấp thẻ theo mã số mới. Trong ảnh: một trường hợp học sinh đóng BHYT bị té phải bó bột tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM - Ảnh: CHÂU ANH

Năm học mới 2017-2018 có một số thay đổi quan trọng khi tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đối với học sinh, sinh viên (HSSV).

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về tình hình HSSV tham gia BHYT tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thu - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM - cho biết:

- Với sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm giữa ba ngành BHXH, giáo dục đào tạo và y tế nên công tác BHYT HSSV luôn được tổ chức, thực hiện hiệu quả, tỉ lệ HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm.

Năm học 2016-2017 đạt 89% chỉ tiêu, tương ứng 1.464.408 em. TP.HCM là một trong những địa phương có số lượng HSSV tham gia đông so với cả nước. Tuy nhiên, tỉ lệ tham gia BHYT chưa đồng đều ở các trường - đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ngoài công lập có tỉ lệ tham gia còn thấp.

Công tác BHYT HSSV hiện còn gặp bốn khó khăn:

Một là nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến việc tham gia BHYT của các em. Một bộ phận HSSV các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp chưa thấy được ý nghĩa nhân văn của chính sách, cũng như yêu cầu bắt buộc của pháp luật về BHYT, chưa nghĩ đến dự phòng bệnh tật của bản thân và gia đình. 

Hai là thu nhập của một bộ phận dân cư còn thấp nên còn trở ngại trong việc tham gia BHYT cho con em, đặc biệt là những gia đình có nhiều con cùng đi học. 

Ba là công tác tuyên truyền Luật BHYT chưa phong phú, thiếu sinh động để phù hợp với lứa tuổi của các em. 

Bốn là một số trường chưa tích cực tuyên truyền công tác thu BHYT cho phụ huynh học sinh cũng như các em sinh viên.

* Năm học mới 2017-2018, TP.HCM đã đẩy mạnh tỉ lệ HSSV tham gia BHYT ra sao, thưa bà?

- Để thực hiện mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trong năm 2017, BHXH TP đã thực hiện nhiều giải pháp: tích cực thực hiện các biện pháp tuyên truyền, in tờ rơi phát cho phụ huynh học sinh và các em sinh viên, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa về thủ tục tham gia, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh...

Thêm vào đó, chúng tôi còn phối hợp với Sở Giáo dục - đào tạo TP ra văn bản hướng dẫn công tác thu BHYT theo đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV tham gia BHYT. Trong đó, linh hoạt phương thức thu BHYT để giảm nhẹ số tiền đóng góp của phụ huynh vào đầu năm học. 

Sở Giáo dục - đào tạo TP cũng chỉ đạo quyết liệt bằng việc giao chỉ tiêu tham gia BHYT cho từng cơ sở giáo dục, đưa tỉ lệ HSSV tham gia BHYT thành một trong các tiêu chí đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở Đảng; phân loại HSSV chưa tham gia BHYT theo hộ gia đình để phối hợp với nhà trường vận động tham gia BHYT...

Ngoài ra, chúng ta cần tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, để từng phụ huynh và mỗi em HSSV nhận thức được quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia BHYT.

Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.

* Theo quy định mới, mỗi người tham gia BHYT, gồm cả HSSV được cấp một mã số BHXH để dùng trong quá trình kê khai tham gia BHYT, hưởng BHYT và được sử dụng trong suốt cuộc đời. Với quy định này, việc tham gia BHYT của HSSV có gặp khó khăn gì không?

- Năm học 2017-2018 là năm đầu tiên ngành BHXH thực hiện cấp mã số BHXH duy nhất cho mỗi người tham gia BHXH, BHYT. Mã số này sẽ gắn với quá trình tham gia BHYT, BHXH suốt đời của mỗi người, được cập nhật liên tục, giảm thủ tục khai báo lại thông tin của người tham gia khi cấp lại thẻ BHYT, đảm bảo quyền lợi ưu đãi của những người tham gia BHYT liên tục 5 năm trở lên, không trùng thẻ...

Vì vậy năm học 2017-2018, 100% HSSV tham gia BHYT sẽ được cấp thẻ theo mã số mới này. Để thực hiện được việc cấp mã số BHXH chúng tôi cần được sự hợp tác của ngành giáo dục đào tạo, nhà trường, phụ huynh học sinh và các em sinh viên để việc thu thập thông tin cần thiết cho hoạt động này được thuận lợi, đảm bảo tiến độ đặt ra. 

Nhà trường triển khai đến phụ huynh, các em sinh viên kê khai thông tin vào tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT kèm phụ lục thành viên hộ gia đình nộp lại cho nhà trường để chuyển cho cơ quan BHXH cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu và cấp mã số BHXH.

Trong thời gian HSSV chưa có thẻ BHYT nhưng có phát sinh chi phí khám chữa bệnh, để đảm bảo quyền lợi HSSV khi đi khám chữa bệnh thì lấy hóa đơn về cơ quan BHXH để được thanh toán lại.

* Thưa bà, lương cơ sở tăng từ 1-7, vậy mức đóng BHYT của HSSV có tăng không?

- Năm học 2017- 2018 mức phí BHYT của nhóm HSSV có tăng nhẹ. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ 30% mức đóng từ ngân sách nhà nước, mức đóng còn lại của HSSV tăng không nhiều.

Cụ thể, nếu đóng 6 tháng (HSSV đóng 245.700 đồng, ngân sách hỗ trợ 105.300 đồng) tổng cộng tăng 24.300 đồng; đóng 9 tháng (HSSV đóng 368.550 đồng, ngân sách hỗ trợ 157.950 đồng) tổng cộng tăng 36.450 đồng; đóng 12 tháng (HSSV đóng 491.400 đồng, ngân sách hỗ trợ 210.600 đồng) tổng cộng tăng 48.600 đồng.

* Bà có thể cho biết việc đóng BHYT HSSV được thực hiện thế nào? Nếu không có điều kiện mua BHYT cả năm thì có thể mua theo quý không? Quyền lợi ra sao?

- Nhà trường thực hiện thu BHYT theo năm tài chính (từ ngày 1-1 đến 31-12); HSSV (hoặc phụ huynh) được lựa chọn các phương thức đóng: 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hoặc 12 tháng hoặc tham gia luôn 15 tháng, nhà trường không được áp đặt mua cả năm.

Quyền lợi của HSSV khi tham gia BHYT là được Nhà nước hỗ trợ 30% chi phí mua BHYT. Đối với HSSV thuộc diện hộ gia đình cận nghèo, theo quy định phải tham gia BHYT tại địa phương (ngân sách nhà nước hỗ trợ 70%).

Ngoài ra, HSSV còn được hưởng nhiều quyền lợi khác từ BHYT như được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh nếu tổng chi phí khám chữa bệnh 1 lần thấp hơn 15% mức lương tối thiểu; được thanh toán 80% chi phí khám chữa bệnh khi đi đúng tuyến; được thanh toán dịch vụ kỹ thuật cao có chi phí lớn (không quá 40 tháng lương cơ sở cho 1 lần sử dụng dịch vụ, tương đương 52 triệu đồng). 

Trường hợp phải cấp cứu được khám và điều trị ở bất kỳ cơ sở y tế nào khi xuất trình thẻ BHYT...

Nguồn TTO