Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mã số vùng trồng- điều kiện cần để nông sản xuất ngoại
Thứ hai: 00:19 ngày 17/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc cấp mã vùng trồng là “hồ sơ” hàng hoá rất cần thiết, có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc khi cần, đây cũng yêu cầu cần thiết để thực hiện công tác kiểm dịch thực vật nhập khẩu.

Một số trái cây đặc sản của Tây Ninh có thể truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Hoàng Anh

Việc cấp mã số vùng trồng không chỉ giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc mà còn yêu cầu người làm ra sản phẩm phải sản xuất theo quy trình nhất định để bảo đảm chất lượng và đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, vấn đề cấp mã số vùng trồng vẫn còn là một bài toán khó cho ngành chức năng lẫn nông dân.

Bước đầu hình thành vùng trồng

Trong buổi làm việc mới đây tại Tây Ninh, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) nhận định, thời gian qua, việc tháo gỡ rào cản về kiểm dịch thực vật để mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt là đối với các mặt hàng quả tươi xuất khẩu đi các nước. Nhiều thị trường khó tính đã chấp nhận nông sản của Việt Nam, trong đó có nhiều loại trái cây được sản xuất khá nhiều ở Tây Ninh, đây là một cơ hội lớn cho nông dân.

Tuy nhiên, rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe hơn, ngay cả Trung Quốc vốn được coi là thị trường dễ tính cũng đã có những tiêu chuẩn khá ngặt nghèo. Đơn cử như dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc, nếu đăng ký được mã số vùng trồng, cung cấp cho Hải quan của họ để được mã hoá bằng QR code, khi thương lái thu mua, họ có thể kiểm tra chất lượng từng quả, dán tem ngay tại ruộng, sau đó chuyển lên cửa khẩu. Tại đây, cán bộ Hải quan chỉ cần soi điện thoại vài giây là ra mọi thông tin và cho thông quan. Tuy nhiên, trong trường hợp không có tem nhãn, dưa hấu có thể không được thông quan nếu không đạt các tiêu chuẩn trong quá trình kiểm dịch.

Ông Nguyễn Quang Hiếu- Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục BVTV cho biết, từ năm 2018, Trung Quốc đã yêu cầu áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nhập khẩu, cụ thể trên bao bì phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đối với các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)... bên cạnh các quy định kiểm dịch thực vật, mã số vùng trồng, cũng đã có những quy định khá nghiêm ngặt khác như “xử lý hơi nước nóng”, “xử lý chiếu xạ”. Thậm chí, các nước nhập khẩu còn cử chuyên gia kiểm dịch thực vật đến làm việc tại Việt Nam để kiểm tra từng lô hàng tươi tại cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu (chương trình kiểm tra tại gốc).

Đây là một trong những thách thức, rào cản để trái cây Tây Ninh xuất ngoại. Tính đến đầu tháng 6.2019, toàn tỉnh đã có 50 vùng trồng cây ăn trái được ngành Nông nghiệp tỉnh cung cấp thông tin cho Bộ NN&PTNT, với các nội dung: loại quả tươi, diện tích, sản lượng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Các loại trái cây tươi được đăng ký thông tin vùng gồm một số loại trái cây: 12 vùng trồng chôm chôm, 16 vùng trồng nhãn; 7 vùng trồng chuối, 7 vùng trồng thanh long… Tập trung ở các huyện Tân Biên, Dương Minh Châu, Hoà Thành, Trảng Bàng, Gò Dầu… Mỗi vùng trồng trái cây tập trung có diện tích tối thiểu 10 ha/mã. Ngoài ra, còn có 13 cơ sở đóng gói hoa quả tươi cũng được đăng ký cung cấp thông tin cho các mặt hàng nhãn, chuối già Nam Mỹ, mít, mãng cầu.

Theo ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở NN&PTNT, việc liên kết nông dân để hình thành vùng trồng, đăng ký với Bộ NN&PTNT là điều cần thiết hiện nay. Vì vậy, ngành chức năng ở địa phương cần chú trọng hơn nữa công tác này.

Lãnh đạo tỉnh tham quan gian trưng bày đặc sản Tây Ninh tại Hội nghị ký kết thoả thuận hợp tác với Vietnam Airlines ngày 19.4.2019. Ảnh: Hoàng Anh

Không cần đạt VietGAP

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II cho biết, mã số vùng là một chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm; đồng thời bảo đảm nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng đó nhằm hạn chế tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số.

Theo đó, để được cấp mã số vùng trồng, vùng sản xuất của nông dân để xuất khẩu có thể không có chứng nhận VietGAP hoặc chứng chỉ tương đương (GlobalGAP, Organic…) nhưng việc canh tác trong vùng phải tuân theo quy trình VietGAP hoặc các quy trình tương đương. Nghĩa là nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, bảo đảm các yêu cầu như: nên sử dụng phân, thuốc hữu cơ, sinh học thay vì lạm dụng phân, thuốc hoá học. Vùng trồng xin cấp mã số phải là vùng sản xuất tập trung và xin cấp mã số phải trồng duy nhất một loại giống cây ăn quả.

Đồng thời, tổ chức, cá nhân đăng ký xin cấp mã số phải có sổ sách để bảo đảm việc ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong 1 vụ canh tác (đốn tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc…) phải được ghi lại đầy đủ, rõ ràng.

Nếu vùng trồng gồm nhiều hộ gia đình thì mỗi hộ trong vùng trồng phải có một quyển sổ ghi chép, người đại diện của vùng trồng phải có trách nhiệm tổng hợp thông tin từ sổ ghi chép của từng thành viên trong mã số và ghi lại vào sổ chính để trình cơ quan quản lý khi được yêu cầu.

Trong đó, yêu cầu về sổ sách là rất quan trọng nhằm phục vụ cho công tác giám sát, duy trì mã số cũng như truy xuất nguồn gốc khi trái cây có vấn đề ở nước nhập khẩu (dư lượng thuốc, dịch hại...).

Bên cạnh đó, phải có một khu vực riêng để tập kết và tiêu huỷ bao bì, chai lọ, túi nylon thuốc BVTV, phân bón, hoặc các loại giấy rác của cả vùng trồng. Vùng trồng trái cây xuất khẩu phải sử dụng 1 bộ thuốc BVTV (thuốc trừ bệnh, trừ sâu và thuốc cỏ) bảo đảm không chứa các hoạt chất hoá học mà nước nhập khẩu cấm sử dụng,...

Có thể thấy, việc cấp mã vùng trồng là “hồ sơ” hàng hoá rất cần thiết, có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc khi cần, đây cũng yêu cầu cần thiết để thực hiện công tác kiểm dịch thực vật nhập khẩu. Qua đó bảo đảm sự an toàn của trái cây trước thu hoạch, từng bước để nông sản Việt Nam bước chân vào các thị trường khó tính.

Vũ Nguyệt

Hiện nay, có 18 tỉnh, thành có vườn được cấp mã số vùng trồng cây ăn trái gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Khánh Hoà, Bình Thuận, Bình Định, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang.
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục