Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ma Thiên Lãnh-một vùng sơn thanh thuỷ tú
Thứ bảy: 09:07 ngày 14/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày nay, địa danh Ma Thiên Lãnh trong quần thể di tích lịch sử văn hoá núi Bà Ðen có lẽ không còn xa lạ với người dân trong và ngoài tỉnh. Ðây là một điểm du lịch mới, nằm ở một vị trí đắc địa, bốn bề là thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp và mát mẻ nên được rất nhiều người đến tham quan vui chơi.

Ma Thiên Lãnh cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 10km về hướng Ðông - Bắc. Theo trục đường 785 ngang qua hướng núi Phụng, cách miếu thờ Quan Lớn Trà Vong khoảng 200m có một con đường nhựa nhỏ chạy thẳng khoảng 2km nữa là tới nơi. Ðây là một khu thung lũng còn khá hoang sơ nằm tiếp giáp giữa núi Phụng, núi Heo và núi Bà, thuộc địa bàn xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh.

Gần đây, nhiều khách du lịch đến tham quan núi Bà Ðen đều dành thời gian ghé thăm khu thung lũng Ma Thiên Lãnh. Và không ít người lại thắc mắc “Ma Thiên Lãnh” có nghĩa là gì? Thật ra, Ma Thiên Lãnh là tên gọi cho những nơi núi non hiểm trở.

Trở lại một chút cổ sử, ta thấy Ma Thiên Lãnh vốn là tên một ngọn núi ở xứ Cao Ly xa xưa. Năm 666, vua Ðường Cao Tông sai tướng Tiết Nhơn Quý chinh đông, quân nhà Ðường tử thương ở núi Ma Thiên Lãnh nhiều vô kể. Nên về sau, những nơi hiểm trở thường được gọi là Ma Thiên Lãnh.

Cách thung lũng Ma Thiên Lãnh hơn 2km về phía Ðông, trên đường 785, có ngôi miếu thờ Quan Lớn Trà Vong - Huỳnh Công Giản. Ðây là ngôi miếu nổi tiếng nhất trong hai mươi bốn ngôi miếu thờ ba anh em ngài trên đất Tây Ninh. Tương truyền Ma Thiên Lãnh chính là nơi đức ngài Huỳnh Công Giản rèn luyện binh sĩ để phòng giặc giữ gìn cương thổ năm xưa.

Theo vài nguồn sử liệu, Huỳnh Công Giản có hai người em là Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ. Năm Kỷ Tỵ 1749, ngài rời Nhật Tảo lên trấn nhậm vùng đất hoang vu này. Nếu lấy núi Linh Sơn làm trung tâm thì Huỳnh Công Thắng trấn giữ cửa ải khoảng ba mươi dặm về hướng Nam.

Huỳnh Công Nghệ trấn giữ vùng sông nước hướng Tây khoảng ba mươi dặm rưỡi. Còn đích thân đức Huỳnh Công Giản trấn giữ thành Trà Vong tại hướng Bắc cách núi chừng hơn hai mươi dặm. Bọn giặc bên kia biên giới rất hung hãn, cho nên Huỳnh Công Giản bí mật trấn giữ thung lũng Ma Thiên Lãnh để rèn luyện voi ngựa, binh sĩ và tích trữ lương thảo để đề phòng cho việc lâu dài, đặc biệt là khi chiến sự.

Hồ đá Ma Thiên Lãnh. Ảnh: Ð.H.T

Năm 1782, được tin tình báo là quân Chân Lạp chuẩn bị đánh ta, tướng Huỳnh Công Giản đã ra lệnh cho suất đội Trần Văn Sum vào rừng đẵn gỗ, cây làm bờ thành; tre, lồ ô làm chông. Ngoài việc củng cố bờ thành, tập vật võ, Huỳnh Công Giản còn chuẩn bị dao, giáo, mác, cung tên và cho quân sĩ đi lấy dầu sơn rái về dự trữ trong lu…

Thành Trà Vong xây dựng bốn mặt bề thế uy nghi, có những dãy hào sâu xung quanh thành nước xanh biêng biếc. Ngày 12 tháng 2 năm Nhâm Dần, quân Chân Lạp dùng chiến thuật biển người ồ ạt tấn công vào thành Trà Vong. Trận giáp lá cà diễn ra, kéo dài từ sáng đến chiều tối.

Vì giặc Chân Lạp quá đông, quân tiếp viện Huỳnh Công Nghệ lại chưa tới, sau nhiều lần tả xung hữu đột giữa vòng vây, Huỳnh Công Giản đã vung gươm tuẫn tiết, chứ không để rơi vào tay giặc. Tướng Huỳnh Công Giản ngã xuống, quân Chân Lạp tràn vào thành. Khi viện binh từ tỉnh Gia Ðịnh phối hợp với quân của Huỳnh Công Nghệ tới thì quân Chân Lạp đã công phá thành Trà Vong và đang trên đường rút lui.

Tướng Huỳnh Công Nghệ truyền quân sĩ vây thành, chặn các đường rút lui của địch, quyết đánh một trận rửa hờn cho anh và binh sĩ Việt đã hy sinh… Sau khi chôn cất Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Nghệ kéo quân về vùng Long Thuận đóng quân và qua đời ở đó…

Trong kháng chiến chống Mỹ, khu vực Ma Thiên Lãnh còn là địa bàn chiến đấu của Liên đội 7, do đồng chí Hoàng Thao chỉ huy, tiền thân là đơn vị Trinh sát A14. Nhiệm vụ của đơn vị là cắm chốt trên núi Bà Ðen, lập đài quan sát, theo dõi điều tra nắm mọi diễn biến và các hoạt động quân sự của địch khi vào cửa căn cứ địa R (Trung ương Cục miền Nam). Liên đội 7 liên tục bám trụ chiến đấu trên núi Bà, cuộc sống vô cùng khó khăn gian khổ.

Cán bộ chiến sĩ lấy hang động làm nhà, lấy đá làm giường. Lương thực, nước uống thiếu thốn, anh em chiến sĩ thường xuyên phải ăn rau rừng, ốc núi, thằn lằn núi… nhưng vẫn khẳng định quyết tâm quyết chiến quyết thắng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Miền giao cho.

Miếu thờ trên Ma Thiên Lãnh. Ảnh: Ð.H.T

Ngày nay, đến Ma Thiên Lãnh, mọi người có cảm giác giống như một Ðà Lạt thu nhỏ. Mặc dù Ma Thiên Lãnh chưa phải là khu du lịch chính thức, nhưng đã thu hút rất nhiều người tới đây vì khung cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, những vách núi cao hiểm trở xen giữa những thảm rừng cây bạt ngàn xanh mướt, xa trông rất mát mắt.

Ðứng trên cao nhìn xuống, thung lũng Ma Thiên Lãnh thăm thẳm sâu, thiên nhiên mang vẻ hoang sơ tuyệt mỹ. Nếu so mặt đường 785, khu Ma Thiên Lãnh nằm ở độ cao trên 50m, giữa lưng chừng núi Phụng. Nơi đây là một quần thể địa danh được kiến tạo như hang Ông Hổ, Suối Vàng, đặc biệt là khu vực Hồ Mây Núi vô cùng tráng lệ… Hồ Mây Núi vốn là những hầm do khai thác đá xây dựng lâu ngày mà thành. Ngày nay là những hồ nước sâu trong vắt, phản chiếu mây trời tuyệt đẹp.

Trong những năm trở lại đây, tỉnh rất chú trọng khai thác các tiềm năng du lịch, đặc biệt hơn cả là khu du lịch núi Bà Ðen. Ma Thiên Lãnh đang từng bước được giới thiệu như là một điểm phải đến trong bản đồ du lịch tỉnh nhà. Mong rằng, các nhà đầu tư cũng như chính quyền địa phương hết sức chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường cũng như thảm thực vật ở đây, để Ma Thiên Lãnh mãi mãi là một nơi trong lành, xanh đẹp của tỉnh nhà.

Ðào Thái Sơn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục