Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nhiều "ma tốc độ" (người chở thuốc thuê) khét tiếng ở Long An từng bị tù tội, thương tật... sau thời gian bỏ nghề, chí thú làm ăn trở thành tỷ phú nông dân.
Đến xã Bình Hòa Nam (Đức Huệ) hỏi tên "Xì Phăng" (Lê Minh Phăng) ai cũng biết bởi người đàn ông ngoài 50 tuổi này từng có thời là nài thuốc có "máu mặt" ở địa phương. Sáu năm hành nghề, bị truy đuổi gắt gao, có lần nài Phăng dùng mái dầm đánh cảnh sát để giành giật lại hàng.
Năm 1996, trong một lần nhóm đàn em sa lưới, chỉ điểm, nài Phăng bị bắt và lãnh án 6 năm tù. Do hoàn cảnh khó khăn, được cho tạm hoãn thi hành án, Phăng hối hận về quê cải tạo 2.000 m2 đất phèn trồng chanh, nhưng khi chưa kịp thu hoạch thì lệnh tạm hoãn thi hành án đã hết hạn.
Sợ vợ con đói khổ, ông liều lĩnh trốn lệnh thi hành án rồi luồn sâu vào bưng tràm hoang vu, thưa người để khai khẩn đất tiếp tục trồng chanh, ẩn dật làm ăn, suốt 9 năm sau đó cảnh sát tìm mãi không được. Mãi đến khi có chút vốn liếng gửi cho vợ con xoay xở. Năm 2005 ông ra đầu thú, hai năm sau được đặc xá.
Nhờ kinh nghiệm trồng trọt từ những năm lẩn trốn, sau khi được tha tù ông Phăng mua thêm đất mở rộng diện tích. Ngoài cây chanh, ông còn trồng xen đu đủ, cỏ nuôi bò. Hiện ông là một trong những nông dân sản xuất giỏi ở địa phương với hơn 20 ha đất, thu nhập mỗi năm gần một tỷ đồng.
Tại xã Mỹ Quý Đông (Đức Huệ), căn biệt thự cũng là đại lý vật tư nông nghiệp của ông Trần Văn Bàng (45 tuổi) nổi trội lên giữa vùng quê, xung quanh là hàng nghìn gốc dừa, đu đủ đang mùa cho quả.
Ông Bàng vốn bỏ việc công an xã đi buôn lậu, nhưng sau hơn 3 năm hành nghề và bị cảnh sát bắn gãy chân, suýt tàn phế, ông quyết tâm chí thú làm lại cuộc đời.
"Trước khi đi làm nài thuốc, tôi có 2 ha đất phèn bỏ hoang. Khi đó cây chanh có giá, diện tích cũng ít nên tôi đi nhiều nơi để học hỏi cách trồng. Thấy anh Xì Phăng cũng là dân nài thuốc rồi hoàn lương làm ăn thành đạt, tôi đến nhờ anh chỉ bảo", ông Bàng nhớ lại.
Mỗi năm ông Bàng thu nhập hơn một tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Nam.
Sau 5-6 năm trồng chanh, bán có giá, ông Bàng tiếp tục thuê đất ở địa phương để trồng dừa, bạch đàn. Nhờ nghiên cứu kỹ từng loại cây thích ứng với đất xấu và có đầu ra tốt, ông tiếp tục hốt bạc những vụ sau.
Sau hơn 10 năm giải nghệ nài thuốc lá lậu, ông Bàng hiện có cơ ngơi 60 ha đất trồng dừa, bạch đàn, lúa cùng một đại lý phân bón thuốc trừ sâu. Mới đây, ông tiếp tục làm thủ tục mở công ty và xây hẳn một căn nhà tại TP HCM cho vợ và các con ở để tiện cho việc học tập.
Còn ông Võ Trung Thực (52 tuổi, biệt danh Hai Nhớt) cũng là một nài thuốc có "số má" ở Mỹ Quý Đông sau 6 năm cải tạo, được tha tù trước thời hạn giờ cũng trở về quê gầy dựng lại cơ ngơi.
Ông chia sẻ, trước đây nhờ nghề buôn lậu sắm được ôtô, đàn trâu 70 con. Sau thời gian trốn truy nã hơn một năm, rồi đi cải tạo, nhà cửa không ai coi sóc nên của thiên trả địa, tài sản tiêu tan hết.
Trở về đời thường, ông nghiên cứu cải tạo đất, sáng chế máy móc phục vụ đồng ruộng nên kinh tế ngày càng khá lên. Năm 2012, ông đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất giỏi" cấp tỉnh. Hai năm sau, từ chiếc máy cày, ông tiếp tục mày mò nghiên cứu chế thành công máy phun thuốc trừ sâu tiết kiệm nhân công, chi phí tăng hiệu quả canh tác và được giải "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông" tỉnh.
Nài Thực cùng vợ giờ là nông dân sản xuất giỏi. Ảnh: Hoàng Nam.
Hiện với 9 ha ruộng cùng máy gặt đập liên hợp, máy cày, xới, mỗi năm ông thu nhập trên 200 triệu đồng. Hai con gái của ông, một đang làm việc tại nước ngoài, một là sinh viên mới ra trường.
"Bây giờ trong xóm vẫn còn nhiều anh em theo nghề nài thuốc lá lậu kiếm lời. Mỗi lần có dịp gặp, tôi đều khoác vai khuyên anh em nên sớm giải nghệ lo chí thú làm ăn, người chết, kẻ thương tật, tù tội chưa ngán hay sao mà còn lao vào con đường này", nài Thực kể.
Ông Phạm Quốc Tú, Chủ tịch xã Mỹ Quý Đông (Đức Huệ) cho biết, hiện trên địa bàn xã có khoảng 80 người dân vẫn còn tham gia buôn lậu thuốc lá. Xã đã tuyên truyền giáo dục họ, đến nay có 30 người đã giải nghệ chí thú làm ăn, trong đó có nài Thực và nài Bàng.
"Xã thuộc vùng sâu khó khăn, những người đi buôn lậu phần lớn không có ruộng đất hoặc nghề ổn định trong khi lợi nhuận từ nghề buôn lậu quá lớn. Vì vậy, để họ thật sự bỏ nghề, về lâu dài cấp trên cần có chính sách hỗ trợ vốn hợp lý giúp họ chuyển đổi nghề", ông Tú nói.
Nguồn VNExpress