BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ma tuý chốn học đường: Hãy giúp các em hiểu đúng và tránh xa

Cập nhật ngày: 25/06/2009 - 08:50

Đừng để những gương mặt trẻ thơ này ám ảnh bởi ma tuý

Trong những năm gần đây, tệ nạn ma tuý đã lây lan rất nhanh và len lỏi đến mọi vùng, từ thành thị đến nông thôn. Nếu trong năm 1995-1996, trên địa bàn Tây Ninh chỉ có 200 người nghiện ma tuý và chủ yếu là ở lứa tuổi trung niên thì đến năm 2003 đã có đến 1.000 người nghiện mà phần lớn trong đó là thanh thiếu niên. Đã có hàng trăm người nhiễm HIV/AIDS dẫn đến tử vong, đó là chưa nói đến hàng trăm thanh thiếu niên khác do nghiện ma tuý đã trở thành tội phạm hoặc chết vì tai nạn giao thông. Hàng trăm gia đình rơi vào tình trạng nhà tan cửa nát chỉ vì có con nghiện trong nhà.

Hiện cả nước có khoảng 180.000 người nghiện ma tuý, trong đó có 113.000 người nhiễm HIV/AIDS, 70% số này bị lây qua đường tiêm chích, có 27.808 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và hơn 30.000 người đã tử vong. Riêng tỉnh Tây Ninh, năm 2003 có 1.732 đối tượng nghiện ma tuý, năm 2004 có 495, đến năm 2007 có 241 và 6 tháng đầu năm 2008 có 270 người nghiện. Con số người nghiện đã phát hiện lúc tăng, lúc giảm nhưng đó chỉ mới là con số có hồ sơ quản lý của công an, thực tế số người nghiện ngoài vòng “phủ sóng” còn nhiều hơn. Cũng theo thống kê với đối tượng có hồ sơ thì cả nước có khoảng 1.800 học sinh, sinh viên nghiện ma tuý. Tỉnh Tây Ninh, năm 2004 phát hiện 19 học sinh nghiện ma tuý, con số này năm 2005 là 9, nhưng năm 2006 chỉ có một. Tuy nhiên, tình hình có giảm hay chỉ là “không phát hiện ra” thì vẫn chưa chắc được.

Tuyên truyền về tác hại của ma tuý và cách phòng chống ma tuý trong giới trẻ nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng là vấn đề rất cần thiết. Nhân một buổi nói chuyện của Đội phòng chống tệ nạn ma tuý tỉnh Tây Ninh tại một trường THCS nọ, em Trung, học sinh lớp 7 đưa ra thắc mắc: “Biểu hiện của nghiện ma tuý như thế nào, con cũng muốn biết cây nào làm ra heroin và cách chế tạo ra nó”. Em Kiều Thị Hoa, học sinh lớp 6 lại hỏi: “Vậy ăn chung, ngủ chung với người nghiện có bị lây không?”. Còn em Đặng Thị Hồng Vân, học sinh lớp 7 thì tò mò: “Tại sao người nghiện ma tuý không làm chủ được bản thân, nó có chất gì mà mạnh và nguy hiểm như vậy? Ma tuý có gì… ngon mà họ lại nghiện vậy?” Đặc biệt có em học lớp 8 đưa ra ý kiến khiến nhiều người… giật mình: “Con nghe nói, bị nghiện mà ngáp thì uống nước dừa sẽ hết ngay”.

Có thể thấy, nếu không hiểu về ma tuý cùng những tác hại của nó thì các em học sinh sẽ khó mà nhận thức được rằng: ma tuý không thể “thử”- dù chỉ một lần. Chưa kể các em dễ sinh tò mò muốn… “trải qua cho biết”. Việc tuyên truyền giáo dục về phòng chống ma tuý cho học sinh cấp hai như cách mà Ban giám hiệu Trường THCS Hoà Hội (Châu Thành) đã làm là rất cần thiết. Một cán bộ từng đi tuyên truyền về đề tài này như Thiếu tá Lâm Tấn Thanh- Đội phòng chống tệ nạn ma tuý tỉnh Tây Ninh cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi nói chuyện về ma tuý với học sinh cấp hai, tôi rất lo lắng vì các em còn nhỏ, làm sao truyền thụ đủ để các em hiểu về tác hại của ma tuý. Nhưng sau buổi nói chuyện, tôi nhận thấy những câu hỏi của các em rất sâu sắc”.

Ma tuý học đường là vấn đề cần cảnh báo, không có hiện tượng ma tuý xảy ra hay chỉ là chưa phát hiện ra được là hai vấn đề khác nhau. Thường học sinh, sinh viên khi nghiện ma tuý dễ dẫn đến tình trạng bỏ học nên học sinh nào vẫn vừa học vừa… sử dụng ma tuý thì rất khó phát hiện ra. Vì vậy việc kết hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội đối với thanh thiếu niên là cực kỳ quan trọng. Thanh thiếu niên luôn có nhu cầu tìm tòi, khám phá để “khẳng định mình” trước bạn bè, cũng chính vì vậy mà rất dễ bị cám dỗ bởi các thú vui tai hại. Nếu được cha mẹ quan tâm hỗ trợ đúng mức, các em có điều kiện và cơ hội phát huy bản năng tìm tòi, khám phá, tự khẳng định mình trong môi trường. Nhưng ngược lại, nếu gia đình không phải là điểm tựa, sự hụt hẫng tinh thần cũng dễ phá vỡ những tình cảm, ước mơ, hoài bão trong sáng của các em. Chán học, bỏ học, giao du với bạn xấu… các em có nhiều nguy cơ rơi vào “tầm ngắm” của tệ nạn ma tuý.

HÀ NINH