Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mắc bệnh tiêu hóa vì lối sống thiếu lành mạnh
Thứ năm: 15:48 ngày 30/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sử dụng rượu bia, thuốc lá; lạm dụng thuốc giảm đau; ăn nhiều thực phẩm cay, chua; căng thẳng thần kinh; giấc ngủ kém... có thể gây bệnh tiêu hóa.

Làm việc trong ngành quảng cáo gần 3 năm, chị Kim Yến (25 tuổi, TP HCM) cho biết cường độ làm việc cao khiến chị ăn uống thất thường, hay thức khuya và đôi khi bỏ bữa. "Thời gian gần đây, công việc áp lực khiến những cơn stress ngày càng nhiều hơn. Cứ căng thẳng thì bụng tôi lại càng đau, trào ngược dạ dày và ăn không nổi", chị nói. Khi đi nội soi, Yến mới phát hiện bị viêm loét dạ dày, nếu kéo dài có nguy cơ dẫn tới ung thư dạ dày. Không riêng Yến, một số người cũng gặp vấn đề về đường tiêu hóa khi có lối sống thiếu khoa học.

Hệ tiêu hóa trong cơ thể người dài khoảng 7,5m, đi qua nhiều bộ phận như khoang miệng, thực quản, dạ dày, ruột, gan, tuyến tụy, túi mật... và có nhiều chức năng quan trọng như chứa thức ăn, tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng, đào thải. Với nhịp sống bận rộn, hệ tiêu hóa thường không được quan tâm đúng mức dẫn đến một số bệnh lý. Theo thống kê, có đến 62%, dân số thế giới gặp phải các vấn đề tiêu hóa như táo bón, khó tiêu, tiêu chảy, đau dạ dày. Trong đó, số lượng nữ giới gặp các vấn đề tiêu hóa cao gấp đôi nam giới.

Ngoài chức năng tiêu hóa, hệ tiêu hóa còn tác động trực tiếp đến hoạt động của não bộ, tâm trí và sức khỏe thể chất khi có đến 95% serotonin - một loại hormone đem lại cảm giác vui vẻ, được sản xuất ở ruột. Do đó, bảo vệ sức khỏe tiêu hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sống, cả thể chất và tinh thần. Chính vì tầm quan trọng đó, ngày 29/5 hàng năm được chọn là ngày "Sức khỏe tiêu hóa thế giới".

Mối lo về bệnh tiêu hóa

Một trong những bệnh tiêu hóa phổ biến là đau dạ dày. Theo khảo sát trên 607 người 16-40 tuổi tại Việt Nam của Vinaresearch, gần 1/3 số người tham gia bị đau hoặc loét dạ dày và thường xuyên phải chịu đựng các triệu chứng của đau dạ dày với các biểu hiện như ợ chua, đầy hơi, đau thượng vị, buồn nôn, chảy máu tiêu hóa...

Bệnh dạ dày nói riêng, bệnh tiêu hóa nói chung có thể gặp ở nhiều đối tượng và ngành nghề khác nhau. Nguyên nhân của bệnh xuất phát từ thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh như sử dụng rượu bia, thuốc lá; lạm dụng thuốc giảm đau, kháng viêm; ăn nhiều thực phẩm cay, chua; chế độ sinh hoạt không khoa học, căng thẳng thần kinh; giấc ngủ kém... Trong giai đoạn mới phát hiện, bệnh có thể chữa trị được hoàn toàn. Ngay khi phát hiện những dấu hiệu tiêu hóa bất ổn định như đau thượng vị, ợ chua, buồn nôn... người bệnh nên chủ động điều chỉnh chế độ sinh hoạt và áp dụng các biện pháp kiểm soát cơ bản với sự tư vấn của bác sĩ.

Lối sống thiếu khoa học có thể dẫn đến bệnh đau dạ dày.

Khi trở thành bệnh mạn tính, đau dạ dày có thể dẫn đến những nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng như: thủng dạ dày - tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, hẹp môn vị hoặc thậm chí là ung thư dạ dày. Tại Việt Nam, tuổi bệnh nhân ung thư dạ dày đang trẻ hóa, bệnh nhân dưới 40 tuổi chiếm đến 20-25%. Lúc này, người bệnh cần tìm đến sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và tuân theo phác đồ điều trị được chỉ định.

Cách để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh

Để không mắc vấn đề dạ dày, mỗi người cần thực hiện một chế độ sinh hoạt khoa học. Gồm: ăn uống đúng giờ; hạn chế tiêu thụ các thực phẩm ảnh hưởng đến dạ dày (thức ăn quá cay hoặc quá chua, chất kích thích...), thường xuyên ăn rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế thịt đỏ và thức ăn chế biến; chế độ nghỉ ngơi hợp lý và tránh căng thẳng; tập thể dục thường xuyên...

Bên cạnh đó, người bệnh cần có sự kiên trì và ý thức chăm sóc sức khỏe bản thân bằng những thói quen có ích như hạn chế đồ uống có cồn, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để tránh nguy cơ nhiễm trùng, ăn thực phẩm đã được nấu chín.

Ngay từ hôm nay, hãy bắt đầu ngày mới với một bữa sáng đủ chất, uống đủ nước trong ngày. Mỗi người cần học cách điều chỉnh cảm xúc để giảm căng thẳng trong công việc, chăm sóc vệ sinh cá nhân để tránh nhiễm khuẩn. Cần vận động tích cực và thường xuyên, có thể lựa chọn một trong các bộ môn như chạy bộ, đạp xe, cardio...

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục