Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mặc hở hang chỉ bị nhắc nhở
Thứ hai: 09:09 ngày 06/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đại diện Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội khẳng định: Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng địa bàn Hà Nội chỉ mang tính khuyến cáo, có nhắc nhở ở một số địa điểm nhất định, chứ không đến mức bêu tên người vi phạm.

 

Ăn mặc phản cảm chưa bị bêu tên (ảnh có tính chất minh họa)

Ngày 3/2, Hà Nội bắt đầu tổ chức lấy ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Trên trang chủ của Sở VH-TT Hà Nội, địa chỉ http://sovhtt.hanoi.gov.vn. Theo đó, Quy tắc ứng xử nơi công cộng nhằm từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực đạo đức, điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, xây dựng một thành phố thanh lịch, văn minh. Dự thảo có 3 chương, 14 điều, trong đó quy tắc ứng xử nơi công cộng tập trung tại chương II.

Theo dự thảo Quy tắc ứng xử nơi công cộng đang được TP Hà Nội lấy ý kiến đóng góp, người dân “không nên mặc trang phục hở hang không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm”, nếu vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này đã vấp phải sự phản đối của nhiều độc giả. Theo độc giả Hoàng Trung, ăn mặc thế nào là quyền tự do cá nhân của mỗi người, như thế nào là phản cảm cũng tùy quan điểm. Còn ông Đỗ Hoàng Minh (trú tại phường Khương Thượng, quận Đống Đa) thì cho rằng: Không nên áp đặt. Đặc biệt, việc bêu riếu tên người ăn mặc phản cảm có thể là hành động vi phạm nhân quyền.

Họa sĩ Huy Hùng cho rằng, rất khó để xác định thế nào là ăn mặc phản cảm, hở hang. Cùng bộ trang phục, có thể với người lớn tuổi là phản cảm, nhưng với thanh niên lại là “mốt”. Do đó, nên xác định những khu vực cụ thể phải yêu cầu ăn mặc chuẩn mực, còn việc ngoài xã hội thì không nên ngăn cản. “Một bộ Quy tắc ứng xử cần phù hợp, khả thi thì mới đưa vào cuộc sống được, nếu không sẽ chỉ như ném đá ao bèo”, họa sĩ Huy Hùng nêu quan điểm.

Chỉ nhắc nhở chứ không bêu tên

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Tuấn (nguyên lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) rất đồng tình với Bộ Quy tắc trên. Ông Tuấn cho rằng, Bộ quy tắc ứng xử của Thủ đô có đầy đủ những nội dung phù hợp với việc giữ gìn và phát triển văn hóa tốt đẹp của Thủ đô. “Ngay như ở Thái Lan, quốc gia du lịch, vẫn cấm du khách ăn mặc phản cảm vào đền chùa”, ông Tuấn nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Nếp sống văn hóa mới, Sở VH-TT Hà Nội khẳng định: Bộ Quy tắc dựa trên cơ sở tự giác của người dân chứ không có chế tài xử phạt, mà chỉ nhắc nhở. Từ Bộ Quy tắc trên, các đơn vị sẽ treo biển tại những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, bảo tàng, thư viện… Bộ phận quản lý di tích, đền chùa… sẽ dựa vào đó mà nhắc nhở người dân, du khách. Đại diện Sở VH-TT cho biết thêm, tuy dựa trên tinh thần tự giác của người dân nhưng vẫn phải có sự nhắc nhở. Từ đó, từng bước điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng, xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch.

Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết thêm, không chỉ quan trọng với người dân Hà Nội, Bộ Quy tắc rất cần thiết để phát triển du lịch Thủ đô. Sở cũng sẽ nghiên cứu để phối hợp với các đơn vị du lịch, lữ hành, đưa bộ Quy tắc đến những du khách nước ngoài để họ có những điều chỉnh phù hợp khi đến những địa điểm cụ thể tại Hà Nội.

Nguồn TPO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục