Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ghi chép tản mạn
Mạch nguồn văn hoá quê ta
Thứ sáu: 00:38 ngày 21/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vâng! Văn hoá làng đã chảy như mạch nguồn suối, xuyên suốt hàng trăm năm. Văn hoá làng có tự thời ông bà ta còn là những lưu dân đi khai hoang mở đất.

Nhà văn hoá Khmer Trường Tây, thị xã Hoà Thành.

Vừa tham dự Hội thảo khoa học “Đánh giá thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng họat động hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở” do Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch tổ chức, tôi liền nhớ đến các xã, ấp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh từng có một thiết chế văn hoá của làng xưa.

Vâng! Văn  hoá làng đã chảy như mạch nguồn suối, xuyên suốt hàng trăm năm. Văn hoá làng có tự thời ông bà ta còn là những lưu dân đi khai hoang mở đất. Bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm có đoạn: “Họ gánh theo tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân/ Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái…” thì đã có hình ảnh các lưu dân trong ấy.

Họ phải chiến đấu với thiên nhiên hoang dại đầy thú dữ và lam sơn chướng khí. Để tới khi đã có cửa nhà, miếu, chợ, ruộng nương thuần thục tốt tươi thì lại có giặc thù lăm le xâm lấn. Để rồi họ lại tiếp tục. “Có ngoại xâm thì đánh ngoại xâm/ Có nội thù thì vùng lên đánh bại/ Để đất nước này là đất nước của nhân dân…”.

“Họ gánh theo tên làng” thì cũng gánh theo văn hoá làng xã trên hành trình mở đất. Văn hoá ấy là đoàn kết, nương tựa vào nhau; là tôn thờ người có công với dân, với nước. Rồi các thế hệ sau lại tôn xưng các vị có công khai khẩn, khai cơ là những bậc tiền hiền, hậu hiền thờ trong các ngôi đình. Văn hoá làng cũng thờ phụng các vị thánh thần như Bà Chúa xứ Nguyên Nhung, bà Ngũ Hành… kể cả các ông Tà theo tín ngưỡng xa xưa của người bản địa.

Đã có những thời, người và đất Tây Ninh vùng lên kháng chiến. Nhất là những cuộc đương đầu với đế quốc, thực dân. Gậy tầm vông, súng kíp phải chọi cùng máy bay, tàu chiến, xe tăng. Cung tên phải đối đầu với bom napal, đại bác cùng các loại vũ khí hiện đại nhất.

Biết bao nhiêu là đau thương, mất mát ập đến các thôn làng. Nhiều cánh rừng bị cháy trụi trong bom hay chất độc… Có lúc văn hoá làng tưởng như đã bị chôn vùi hay thất lạc. Thế nhưng, khi hoà bình trở lại thì văn hoá ấy, như những mầm cây mềm mại mà dũng mãnh lại trồi lên.

Rồi lại cũng có thời do nhận thức chưa đầy đủ nên một vài yếu tố của văn hoá làng bị coi là mê tín, dị đoan. Lại thêm một lần văn hoá ấy phải âm thầm chìm khuất. Nhưng sau những đổi mới về nhận thức, văn hoá làng lại nảy nở và trở lại xanh tươi. Như những tán cây đa sum suê rợp mát miếu, đình làng. Như thế là văn hoá làng từng bị đứt gãy hay chìm khuất đã lại phục hồi và có thể còn rạng rỡ hơn xưa.

Tại cuộc hội thảo vừa qua có nhiều ý kiến tâm huyết, những nghiên cứu cao, sâu để nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hoá mới. Các thiết chế ấy cũng đang hiện diện ở khắp các xã, ấp trong tỉnh với gương mặt hồng hào tươi rói.

Phần nhiều là các công trình đẹp nhất nhì trong xã, với mái ngói đỏ tươi, tường vàng sáng rỡ, sân thể thao rộng thênh… có thể chiều theo thị hiếu của nhiều người. Nhưng, sao tôi vẫn cảm thấy thiếu một cái gì đó. Như thiếu một tinh thần dân dã vốn thuộc về truyền thống dân gian.

Đã qua rằm tháng Chạp, tôi lại lang thang qua các miếu đình làng. Đình trung Long Giang ở ấp Cẩm Bình thường hoang vắng vài năm trước, nay đã là một công viên xanh ngời bóng cây cao vút. Đường bao quanh, lối đi được lát gạch xi măng.

Anh trung niên trực canh đình tự hào kể. Cơ sở vật chất và lễ hội đình Trung vào hạng kém nhất ở Cẩm Giang nay đã khác xưa rồi! Tôi hỏi:- Chắc có mạnh thường quân giàu có nào ra tay đóng góp? Anh bảo, cũng có nhưng không nhiều, chủ yếu vẫn do người dân trong ấp góp sức mà nên.

Ghé miếu bà Chúa xứ ấp Long Giao thuộc xã Long Chữ. Ngôi miếu nhỏ xập xệ, hoang vu xưa nay đã “lên đời”. Có thể trở lại cái tên xưa “Rừng miễu” đúng nghĩa rồi! Bởi cây cối cũng đã được trồng và chăm sóc tốt tươi trở lại. Miếu cũng có một ông từ ung dung châm trà nước bên bộ bàn ghế đá có in tên người đóng góp.

Ông cho biết tên tuổi những doanh nhân, doanh nghiệp góp của cải cho đợt trùng tu tôn tạo vừa qua. Những tấm bảng chữ ghi tên các cơ sở và cá nhân đóng góp cũng như bảng công khai việc chi tiêu được dán ngay vào mặt tường trước miếu.

Còn nhiều những cơ sở của thiết chế văn hoá làng xưa đã được hồi phục và phát triển rất thành công. Nhưng chỉ với hai ví dụ kể trên, cho thấy một hướng đi tốt đẹp và bền vững của thiết chế văn hoá truyền thống. Vậy thiết chế văn hoá mới cũng có thể tìm cho mình một lối đi, một cách làm thích hợp để ngày một thêm đáp ứng các nhu cầu văn hoá đa dạng của toàn xã hội. Sao không học tập cách làm của các ngôi đình miếu làng xưa, sau mấy trăm năm, dẫu từng bị đứt gãy vẫn còn trụ vững. Và, nếu có thể, nối liền các mạch nguồn văn hoá quê ta.

Nguyễn

Tin cùng chuyên mục