BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mái ấm cho người già neo đơn

Cập nhật ngày: 31/03/2009 - 08:48

Các cụ tận hưởng giây phút thảnh thơi sau bữa ăn sáng

Một buổi sáng cuối tuần, men theo những con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, tôi đến thăm cơ sở dưỡng lão Trường An. Trước mắt tôi là một khu nhà khá rộng được xây cất kiên cố, khang trang, sạch đẹp nằm dưới bóng cây mát rượi. Bên trong mỗi dãy nhà có 4 phòng ở. Trong mỗi phòng đều có xây một dãy giường bằng xi măng, lát gạch bóng loáng ngoài ra còn trang bị thêm một số giường ngủ cá nhân, võng, tủ đựng thức ăn, quần áo. Phía sau có nhà bếp, nhà vệ sinh, sân phơi. Cũng có cả nơi thờ cúng, có xe ô tô để dành đưa đón các cụ đi khám bệnh. Khi tôi đến, các cụ già ở đây vừa ăn sáng xong. Phía sau, một vài cụ bà đang rửa chén hoặc làm vệ sinh nhà bếp.

Bà Nguyễn Thị Hận, 70 tuổi, ở xã An Thạnh (huyện Bến Cầu) một trong số các cụ đang nương náu ở nhà dưỡng lão này cho biết: Trong một lần trượt chân té ngã, bà bị bể xương đầu gối, đi đứng khó khăn nên phải di chuyển bằng chiếc xe lăn. Gia đình bà thuộc diện nghèo, hai mươi năm trước, chồng bà bị bệnh nặng, phải bán hết tài sản để lấy tiền lo thuốc thang. Đến khi chồng bà qua đời thì nhà cửa, đất đai cũng không còn. Bà có ba người con trai, nhưng đều nghèo khổ, hiện tại vẫn phải ở nhà thuê và sống bằng nghề chạy xe ôm. Gần hai năm trước, nhờ có người quen giới thiệu bà tìm đến cơ sở dưỡng lão Trường An. Bà Hận tâm sự: “Ở đây thoải mái lắm, sướng hơn ở nhà. Khi nào khoẻ thì tôi xuống lặt rau phụ, khi nào thấy mệt thì nằm nghỉ. Thỉnh thoảng, khoảng năm bảy tháng các con thay phiên nhau đến thăm”.

Cao tuổi nhất ở cơ sở dưỡng lão Trường An là bà cụ Phạm Thị Bảy. Năm nay bà đã 87 tuổi, quê ở Long An, chồng bà đã qua đời. Không con cái bà lên Toà Thánh Tây Ninh làm công quả. Những năm gần đây, do già yếu bà vào cơ sở từ thiện này để nương nhờ tấm thân. Bà Bảy tâm sự: “Sống ở đây sung sướng lắm. Đau bệnh đều có người lo, chỉ có điều là không có tiền để dành phòng thân”.

Bà Đào Thị Sứ, giám đốc cơ sở dưỡng lão Trường An cho biết: “Những năm qua, những người làm từ thiện chúng tôi thường hay tổ chức đi phát gạo cứu giúp các gia đình nghèo trong và ngoài huyện. Trong lúc đi phát quà, thấy có nhiều người già không có nhà ở, năm 2007 chúng tôi rủ nhau hùn tiền mua đất, xây dựng cơ sở dưỡng lão này. Kinh phí hoạt động do các mạnh thường quân cùng nhau chung tay góp sức”.

Cuối năm 2007, ở cơ sở dưỡng lão Trường An có 20 cụ ông, cụ bà. Sau này, một vài cụ đã qua đời, một số cụ khác được con cháu đón về hoặc được các gia đình giàu có nhận về làm quản gia nên hiện tại chỉ còn lại 9 cụ. Hằng ngày, bà Nguyễn Thị Bông một người dân địa phương tình nguyện đến phục vụ việc ăn uống cho toàn cơ sở. Chăm sóc sức khoẻ cho các cụ thì đã có vợ chồng bác sĩ Như (hiện đang công tác ở Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh) và một thầy thuốc người địa phương tên Quốc tự nguyện đảm trách.

Các cụ đang phụ giúp chế biến thức ăn

Ông Phan Trí Tuệ, phó trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Hoà Thành cho biết: “Chúng tôi đã cấp phép cho cơ sở dưỡng lão Trường An hoạt động và UBND huyện đã trích ngân sách 15 triệu đồng để hỗ trợ làm la-phông, mua quạt. Vào những dịp lễ, tết UBND tỉnh, huyện cũng có đến thăm, tặng quà cho các cụ đang sinh sống ở đó. Tuy nhiên, về công tác quản lý, chúng tôi cũng không khỏi băn khoăn vì đây là một tổ chức hoạt động dựa trên sự đóng góp của các nhà hảo tâm chứ không có nguồn kinh phí hoạt động riêng. Nếu lỡ sắp tới, các vị mạnh thường quân không còn đóng góp nữa thì cơ sở này sẽ ra sao?”.

Ở cơ sở dưỡng lão Trường An còn một số vấn đề khác cần quan tâm như công tác phòng cháy chữa cháy chưa được chú trọng, hiện tại, nơi đây vẫn dùng củi để đun cơm, nấu nước. Trong khi đó, dưới giường ngủ của các phòng đều chứa đầy ắp những bó ruột tre phơi khô (dùng để nhóm lửa), nếu xảy ra hoả hoạn thì hậu quả khó lường. 
                                                                                                                                 
ĐẠI DƯƠNG