Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mái âm dương
Thứ tư: 11:49 ngày 06/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðám tang vừa xong, chị em nhà bé Sáu họp gia đình.

Ngôi nhà nhỏ xíu chỉ kê được cái đi-văng và cái bàn nước đặt xuôi theo vách nhà, nay kê thêm cái bàn thờ tạm thấp ngang lưng, cặp đường đi, khiến nhà chật càng thêm chật, muốn đi xuống bếp hai người phải né nhau. Di ảnh má bé Sáu đẹp lão, phúc hậu, nhưng cặp mắt thì buồn rười rượi, tưởng chừng cuộc đời bà không có niềm vui. Hàng xóm đến viếng, nhìn di ảnh đều thốt: “Còn tấm hình nào vui hơn chút hông, nhìn bả buồn mà rớt nước mắt”.

Nhà bé Sáu nghĩ cũng thương. Ba có vợ nhỏ bỏ bảy chị em bé Sáu sinh năm một đều trân cho một mình má bé Sáu nuôi. Ông về quê vợ nhỏ đẻ thêm sáu đứa con nữa, chạy gạo ăn hằng ngày, làm lụng cực nhọc lao tâm khổ tứ để nuôi bầy con lít chít rồi bệnh chết một mình không ai hay, bỏ lại hai bầy con, hai bà vợ già oán hận nhau không muốn nhìn mặt. Má bé Sáu chạy chợ, làm đủ nghề để có tiền nuôi con, nên việc học hành và quản lý bầy nhỏ coi như giao cho trời.

Cuộc sống khốn khó, chị em nhà bé Sáu thường bị người khác ăn hiếp và lường gạt. Từ đời nào, không ai biểu, chị em nhà bé Sáu đã biết gắn kết với nhau tự bảo vệ mình, ăn thua đủ với bất cứ mối đe doạ nào và nghi ngờ tất cả lòng tốt của mọi người. Chị em nhà bé Sáu thường nghe má nó nói:

- Không ai cho không mình cái gì. Bánh ít đi, bánh quy lại!

Lẽ sống đó đã giúp mấy chị em bé Sáu khôn lớn. Nhỏ làm theo kiểu nhỏ, lớn làm theo kiểu lớn. Nhỏ lượm ve chai đổi lấy tiền, lớn đi làm mướn kiếm tiền không câu nệ việc sang hay hèn. Phụ hồ, bốc vác, giữ em, làm việc nhà, rửa chén thuê… việc gì cũng làm, miễn trả tiền đầy đủ như thoả thuận. Trả tiền thiếu một xu cũng không được, không cần biết lý do hay hoàn cảnh gì, ngắt bớt mấy đồng lẻ cũng bị cho là lừa đảo và bị chửi không cần sĩ diện.

Biết tánh mấy chị em nhà bé Sáu như vậy, hàng xóm cũng có người lợi dụng. Muốn nhờ mấy chị em bé Sáu bửa phụ đống củi, bưng qua nhà cho tô chè, lát sau nghe tiếng bửa củi rầm rầm. Ðem qua cho mớ quần áo cũ rồi rên rỉ: - Nghẹt đường nước mấy nay, khổ sở quá chừng. Chiều, mấy anh em qua nhà móc cống nghẹt mấy ngày thúi quắc. Sòng phẳng! Vì vậy cả xóm vừa thương vừa ghét. Thương vì một lũ ít học, lam lũ cần cù không phá táng hay cắp vặt thứ gì. Ghét bởi một lũ mất dạy hung hăng, ăn nói hỗn hào không biết ai lớn nhỏ, không biết trước biết sau… Hễ ai mở miệng khuyên răn thì cũng bị chửi là “Ðồ đạo đức giả!”.

*

Bé Hai và bé Bảy ngồi trên đi-văng chống tó đợi gom mọi người đủ mặt một cách khó chịu. Nói thẳng ra là không ai muốn họp hội lúc này, kêu được người này thì mất người kia. Tiếng niệm a di đà phật đều đều trầm ấm từ cái máy nhỏ xíu đặt trên bàn thờ nghe vừa trang nghiêm vừa thanh tịnh, có vẻ không hợp với khung cảnh và những gương mặt đăm đăm, những cái nhíu mày cau có. Bé Bảy cằn nhằn:

- Lu bu muốn chết, muốn gì thì nói mẹ ra đi, họp hội cái gì, làm nghe long trọng...

- Thì cũng phải đủ mặt nói cho rõ để sau này khỏi đổ thừa.

Bé Hai dài giọng rồi e hèm đủ kiểu, tưởng sao, kêu:

- Bé Sáu! Mày ăn nói, rành mạch, mày nói đi!

- Chị muốn nói gì thì nói, sao kêu em?

Bé Tư nhảy cái đụi lên đi-văng.

- Ai nói cũng được mà. Muốn nói gì thì nói nhanh lên chứ lát đầu giờ chiều tui đi làm nhen. Nghỉ ba ngày rồi, công ty trừ điểm chuyên cần là tui mất tiền thưởng tháng đó hen.

- Mày xạo! Trừ cái gì, nhà người ta có chuyện, nghỉ có phép mà làm như nghỉ ngang.

- Xạo gì! Ðó là quy định của công ty, ông biết gì mà nói. Nay hàng gấp, phải làm tăng ca đó hen. Ông giàu, ông không làm cũng có ăn, tui nghèo, tranh thủ kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó, khỏi nói nhiều, chuyện ai nấy biết.

Không khí tự dưng có chút ngại ngần, căng thẳng. Mà thiệt, nói cái gì cũng dễ nói, chứ đụng chạm tới quyền lợi, tiền bạc biết chắc là có người vui kẻ buồn. Bé Sáu tằng hắng:

- Hây da, vầy… Má mất rồi, nhà cũng hư hao, cây đòn dông với mấy cây kèo mối mọt ăn mục hết trơn, sập nhà có ngày. Giờ nhà không ai ở… Chị em ai nấy cũng có tư có phần, riêng bé Bảy hoàn cảnh khổ, ở nhà thuê nhà mướn, vậy cả nhà để cho bé Bảy sửa sang nhà cửa dọn về đây ở. Trước thờ cúng má, sau là cũng đỡ tiền thuê nhà, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.

- Cái nhà nhỏ xíu bằng cái lá đa, bà nghĩ sao mà kêu bà Bảy về ở, còn tui thì sao, tui con trai nè nghen.

Rồi mọi người ngạc nhiên thấy bé Tám phùng mang trợn má nói dài dòng văn tự như ma nhập:

- Tui con trai phải thừa tự, thờ cúng. Tui định đưa vợ con về đây ở để thằng cháu nội đích tôn của má có suất học trường điểm gần nhà.

- Sao lúc má còn sống mày không về?

- Chưa có điều kiện thì chưa về. Ðành rằng tui có nhà riêng nhưng ở đất bên vợ rất nhục, cất đầu lên không nổi.

Bé Hai ngồi gồng mình chịu trận, giờ chịu hết nổi bực dọc:

- Mày nói nhiều nghe nhức lỗ tai!

Bé Bảy ngồi cười nụ, nhịp giò, làm như đang nói chuyện của hàng xóm. Riêng bé Năm ngồi im không động đậy, kiểu ta sao tui vậy, vô hại, miễn bàn, không thắc mắc. Bé Ba chì chiết:

- Mà nghĩ cũng ngộ, bình thường lúc bà già còn sống, bệnh nằm một chỗ, chỉ có mấy bà con gái về nuôi bệnh chăm sóc tắm rửa đổ bô, chẳng thấy anh con trai độc nhất này nói muốn về ở để chăm lo cho má. Lâu lâu về tới nhà than thở công việc lu bù không có thời gian, ỉ ôi nhờ mấy chị chăm lo cho má. Giờ bà già chết trúng giờ linh hay sao tự nhiên muốn trồi đầu về.

- Bà khỏi giảng đạo, tui con trai một, tui ở nhà thờ là lẽ đương nhiên, khỏi bàn.

Bé Bảy đứng lên phủi đít cái rột:

- Tao! Nghèo chết bỏ, tiếp tục ở nhà mướn. Không thèm. Giải tán!

*

Hôm nay, nhà bé Sáu cúng bốn mươi chín ngày. Bé Sáu đốt nhang cầu nguyện má phù hộ cho mấy anh chị em thương nhau đừng gây gổ, cấu xé lẫn nhau. Sợ như lần trước, mấy chị em gái bàn bạc với nhau, cố gắng thuyết phục bé Tám thương cho hoàn cảnh tội nghiệp của bé Bảy ở nhà thuê, chồng bịnh nặng nằm liệt một chỗ rất đáng thương về ở nhà thờ cúng má. Bé Tám vừa bước vô nhà, không khí tự dưng ngột ngạt. Bé Hai lên giọng chị lớn:

 - Giờ mấy chị tính vầy, trước mắt cho bé Bảy về đây ở thờ cúng má. Tám thấy sao?

- Tui nói lần trước rồi, tui về ở.

- Con Bảy thì sao?

- Thì trước sao giờ vậy. Mỗi tháng tui phụ mấy trăm trả tiền nhà, ngon vậy thôi chớ.

- Bà già nằm xuống chưa ấm đất mà đám con trở mặt giành giật nhà cửa, cãi vã um sùm, không sợ đội quần với bà con hàng xóm.

Nói tới nói lui, nói xa nói gần, kiểu gì bé Tám cũng đòi bỏ tiền sửa nhà về ở thờ cúng bà già. Cứ nhai đi nhai lại mình là con trai một và con mình là cháu nội đích tôn. Theo cái mòi này, chị em nhà bé Sáu có bàn tới năm sau cũng không ra chuyện. Thấy không êm, bé Bảy đề nghị bán nhà chia đều cho tất cả mọi người là công bằng. Nghe bán nhà, bé Tám nhảy chồm lên:

- Không được bán nhà, đây là nhà thờ.

- Ai thờ…?  Mày muốn chiếm làm của riêng hả.

- Ði hỏi hết mọi người đi. Tao con trai, tao ở, tao thờ cúng mới đúng...

- Xời ơi! Thời buổi này rồi mà phân biệt trai gái. Mày có bỏ tiền ra cất cái nhà này hôn? Mày giàu nứt đố đổ vách mà còn tham, chị em mày nghèo nợ giăng tứ tung, bán đi cho tụi tao có tiền trả nợ, nuôi con ăn học. Thời buổi này không học ra đường móc bọc… Ai đồng ý bán nhà giơ tay lên!

Những cánh tay thập thò đưa lên rồi nhanh chóng thả xuống.

- Ai dám lại đây mua, tao chém!

- Mày dám! Còn pháp luật nha. Mày côn đồ, công an còng đầu mày.

Thấy không làm lại mấy bà con gái. Bé Tám thay đổi thái độ:

- Vậy, tui con trai hai phần, tui phải thờ cúng má. Không cho tui hai phần tui không ký tên.

- Ai cần mày thờ, mày cúng cơm má tự mày ăn luôn đi, tao thề không bước chân tới nhà cái thằng mê tiền khốn nạn như mày. Trời ơi ngó xuống mà coi.

- Chị hai, chị làm chị kiểu gì vậy.

- Má ơi má! Má sống dậy coi thằng con trai của má nó tham lam ích kỷ nè má.

Tiếng la lối. Tiếng khóc lóc. Tiếng chửi rủa hòa lẫn vào nhau. Bé Sáu nhìn di ảnh má qua khói nhang trầm thở dài. Lúc nhỏ, bé Sáu nghe má nó kể cho mấy chị em nghe hễ ai tham lam ăn cắp chết xuống địa ngục bị chặt tay. Ủa! Em mình không ăn cắp chỉ tham lam thì khi chết bị gì ta? Mà giờ chờ tới lúc chết lâu quá còn gì. Ủa! Có tiếng gì răng rắc trên mái nhà:

- Mấy ông bà làm ơn im hết coi, có nghe tiếng gì hôn?

- Cái con này tào lao, tiếng gì đâu.

- Tao nói rồi, cho tao hai phần tao mới ký tên.

Bé Sáu ngước nhìn trần nhà. Mái ngói âm dương miếng sấp miếng ngửa theo thời gian bị xô lệch khúc dày khúc thưa, miếng lành miếng bể, bị khói bếp ám đen loang lổ. Cột nhà bị mối ăn hổng chân kê cục gạch thẻ giờ lỏng le, đưa tay chạm nhẹ nó cũng rung rinh. Mạng nhện, bù hóng lớp bám theo mấy cây mè, cây rui, góc nhà, lớp thả dây toòng teng nhìn tưởng nhà hoang không ai ở. Lúc bà già còn sống sao không nhìn thấy mấy vụ này ta, hay tại mình ít về nhà, hay tại mình không để ý? Sao nhìn đâu cũng thấy thê lương ảm đạm như vầy?

- Mấy bà nói tới nói lui hoài thấy ghét quá, giờ tui không muốn bán nhà nữa. Ðể tui kiếm tiền sửa nhà, mua cái tủ thờ má cho đàng hoàng. Mua tôn mới về thay cái mái ngói âm dương cũ kỹ này đi, nặng trịch hà, để lâu có ngày sập chết mẹ cả đám.

 - Ai cho mày sửa! Mày đòi sửa mới, mày định xoá hết vết tích của má hả? Mày định chiếm luôn căn nhà này sao?

- Tính kiểu nào mấy bà cũng không chịu.

Bé Ba ngồi im từ đầu đến giờ chịu không nổi, nhảy chồm chồm:

- Tính kiểu tham lam như mày thì ai mà chịu…

- Mấy bà có chắc là mấy bà không tham hôn? Mấy bà bày đặt làm bộ, chẳng qua cũng sợ mất phần. Tui nhắc lại lần cuối, một là không bán nhà tui về ở. Còn hai, là bán nhà, tui hai phần, vậy thôi. Lẹ cho tui về, nhà lu bu công việc.

Bé Tám vừa nói vừa bước lại bàn thờ đốt cây nhang mới cắm vào lư hương thay cây nhang sắp tàn. Tàn cây nhang cũ bám thẳng đứng một đoạn dài, bé Tám kêu:

- Mấy bà coi nè, tàn nhang đứng sựng như vầy chứng tỏ má linh ứng nghe hết lời tui nói rồi. Nếu má còn sống, chắc chắn cái nhà này là của tui, mấy bà đừng hòng.

- Mày để má yên, cái thằng khốn nạn kia.

- Bà chửi ai khốn nạn?

Bé Tám sấn tới xô bé Tư va vào cột nhà. Bé Tư ôm đầu, hoa mắt thấy nhà chao đảo rung rinh. Một tiếng rắc thật lớn làm tắt ngang tiếng cãi vã. Mọi người nhảy vội xuống khỏi đi-văng hốt hoảng ngó lên trần nhà. Không còn kịp nữa. Nguyên mái ngói nhà trên đổ sập xuống cái rầm thật lớn trong tiếng kêu khóc hoảng loạn.

*

Trong lớp bụi chưa tan, bé Sáu dưới bàn thờ đổ nát chui ra mặt mày lem luốc mếu máo:

- Chị Hai ơi! Bé Ba, bé Tư đâu rồi? Bé Bảy ơi...

- Em đây nè chị!

Tiếng la í ới vang động cả xóm lao động nghèo. Lần lượt từng người cũng được hàng xóm giúp đỡ đưa ra. Không ai bị sao, chỉ trầy xước rướm máu sơ sơ. Ơn trời, cửu huyền phù hộ cho các con lành lặn không bị sao.

- Ủa! Còn cái thằng giành hai phần đất đâu rồi?

Giữa hoang mang, tiếng kêu khóc thúc giục mọi người bới tìm trong đống xà bần, bé Tám hai tay ôm đầu, người cong như con tôm, máu me cùng mình nằm im bất động. Mấy chị em bé Sáu khóc ré lên:

- Trời đất ơi! Cái thằng khốn nạn! Mày bị sao vậy, mày đừng chết.

- Mày muốn ăn dọng gì thì ăn đi, mày mở mắt ra coi thằng kia. 

- Cho mày hết đó, tụi tao không thèm. Má ơi má, cứu sống nó đi!

Mỗi người một câu. Tiếng khóc hoà lẫn tiếng còi hụ của xe cứu thương dần xa trong nắng chiều tàn.

H.N

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục