Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mái ấm 'phi chính trị' của một phụ nữ Israel
Chủ nhật: 22:45 ngày 14/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Là trẻ lang thang từ năm 14 tuổi, từng bị xâm hại tình dục, từng sống nhờ vào thức ăn tìm được trong bãi rác, chị Mariuma Ben Yosef thấu hiểu tâm trạng bất an của một đứa trẻ ngủ ngoài đường khi nghe một tiếng chân lạ giữa đêm khuya.


Chị Mariuma Ben Yosef, người sáng lập tổ chức thiện nguyện Shanti House chuyên giúp đỡ thanh thiếu niên vô gia cư tại Israel - Ảnh: Theculturetrip

Chẳng ai ngờ người phụ nữ ấy giờ đây lại là người điều hành một tổ chức phi lợi nhuận có tên Shanti House, đặt trụ sở tại hai nơi là Tel Aviv và Negev, giúp đỡ hơn 46.000 thanh, thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong độ tuổi 14-21, phần lớn không nhà cửa ở Israel.

“Là người vô gia cư ở độ tuổi thiếu niên, bạn thấu hiểu rằng không ai có thể bảo vệ bạn. Bạn phải tự bảo vệ mình”, chị Mariuma Ben Yosef nhớ lại.

Sau hai năm sống vạ vật ở Boston (Mỹ), chị trở lại Israel, theo học một trường nội trú và sau đó đăng ký nhập ngũ. Ở tuổi 20, chị mang thai con đầu lòng và trải nghiệm đầu đời của tình mẫu tử, khiến chị thấm thía hơn nỗi khổ của những đứa trẻ phải kinh qua chặng đời giống mình thuở trước.

Chị nhớ lại: “Khi sống trên đường phố, bạn luôn phải cảnh giác. Bạn nghe những tiếng bước chân trong đêm và bạn không biết liệu người đó có ý định cưỡng hiếp hay làm hại bạn không. Lúc nào bạn cũng sống trong tâm trạng thấp thỏm. Không phải chỉ vì bạn không có một mái nhà, không thức ăn, không giường ngủ, mà thực sự là bạn không có gì cả.

Bạn luôn cô đơn, bạn thấy mình là người không gốc rễ và không biết đi đâu. Hoàn cảnh khiến bạn muốn thù hận bản thân và thế giới. Bạn phải mạnh mẽ vì bạn không có ai khác ở bên”.

Chị bắt đầu giúp những đứa trẻ các bữa tối miễn phí hằng tuần. Rồi sau đó mời chúng vào ngủ trong nhà bởi như chị nói: “Tôi không thể nói không với những người không biết đi đâu sau bữa tối”.

Dần dà theo thời gian, tổ chức Shanti House ra đời với hai khu nhà ở ấm cúng. Những đứa trẻ vô gia cư tìm tới và được nơi này dang tay che chở. Một số đứa từng bị xét xử trong những tòa án vị thành niên, một số do các nhân viên công tác xã hội giới thiệu, số khác sống trên các đường phố Israel. Nhiều em từng bị lạm dụng tình dục, bị đánh đập và bỏ rơi. Không ít trong số đó là nạn nhân bị chính cha mẹ hoặc người thân bạo hành.

Chị Mariuma Ben Yosef không thể quên câu chuyện với một bé gái ở thời điểm chị mới bắt đầu thành lập Shanti House. Cô bé đau đớn kể cho chị nghe việc mình bị cưỡng hiếp rất tàn bạo. Từng là nạn nhân bị cưỡng hiếp, nhưng chưa bao giờ chị dám thổ lộ chuyện này. Hôm đó, chị thấy mình muốn kể để làm dịu bớt nỗi đau của em gái tội nghiệp.

Đó cũng là lần đầu tiên chị giãi bày nỗi đau thầm kín của mình với một người khác. Và chị hiểu rằng dường như chị có thể vượt qua tất cả những hoàn cảnh khốc liệt của cuộc đời để có thể giúp một điều gì đó cho người khác. Một điều gì đó chị có thể làm được trong phần đời còn lại.

Theo chị Mariuma Ben Yosef, Shanti House giúp đỡ mọi đứa trẻ có cảnh ngộ khó khăn trên toàn Israel, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo, giới tính hay xu hướng tình dục. Đó cũng là điểm khác biệt độc đáo của tổ chức này, khi tại đây người ta thấy những đứa trẻ người Ethiopia, người Do Thái, người Nga, người Ả Rập sống hạnh phúc và đùm bọc lẫn nhau dưới một mái nhà. Chị bảo: “Không có chính trị ở đây. Chúng tôi là một gia đình”.

Tại Shanti House, những đứa trẻ không chỉ được hỗ trợ nơi ăn chốn ở, được chăm sóc sức khỏe, được học hành, chúng cũng được chia sẻ tình yêu thương, được bảo vệ và tìm lại niềm hạnh phúc sống trong một mái ấm gia đình đã mất.

Chị Mariuma Ben Yosef tự hào về các thành viên trong Shanti House, những đứa trẻ đã lựa chọn một cuộc đời trở thành người lương thiện, tử tế, thay vì buông xuôi theo dòng đời tự hủy hoại chính mình. Chị nói: “Tôi nghĩ các em là những người hùng đích thực”.

Chia sẻ về Shanti House, chị Mariuma Ben Yosef cho biết: “Mục đích của tôi là bất cứ đứa trẻ nào khi bước qua cánh cửa của căn nhà này cũng sẽ cảm thấy như đang được ở nhà mình... nơi chúng có thể trút ra một tiếng thở phào nhẹ nhõm, cảm thấy an toàn và quan trọng nhất là cảm thấy hạnh phúc”.

Với chị, không phải chị “đang cứu vớt những đứa trẻ này” như người ta vẫn nói về Shanti House, mà thực sự “chúng đang cứu vớt tâm hồn chị, giúp chị một lần nữa cảm nhận được sự trọn vẹn của cuộc sống”.

Chị nói: “Tôi cảm thấy mình đang sống, nhờ có những đứa trẻ ấy”.

Nguồn TTO

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục