Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mai một nghề mộc gia dụng Hiệp An
Thứ tư: 11:38 ngày 30/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo ông Nguyễn Hoàng Chiêu, nguyên nhân khiến nghề mộc ở Hiệp An ngày càng ít người theo là vì nguồn cung nguyên liệu khan hiếm, đẩy giá thành lên cao. Trong khi đó, các sản phẩm sản xuất công nghiệp đại trà, có giá rẻ được nhiều người lựa chọn thay thế.

Một cơ sở nghề mộc tại Hiệp An

Những năm gần đây, các sản phẩm gia dụng được sản xuất công nghiệp đại trà, nhiều mẫu mã đẹp, đồng đều khiến các sản phẩm gỗ thủ công không thể cạnh tranh. Tại ấp Hiệp An, xã Hiệp Tân (huyện Hoà Thành) có một “phố đồ gỗ” được nhiều người biết đến từ lâu.

Nơi đây từng là trung tâm chế tác gỗ thủ công lớn nhất của tỉnh với một dãy phố chuyên kinh doanh các loại đồ gỗ gia dụng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều người ở phố này phải chuyển sang kinh doanh các mặt hàng khác.

Là gia đình có truyền thống nghề mộc lâu đời, ông Trương Hồng Châu  (ngụ tổ 23, ấp Hiệp An, xã Hiệp Tân) cho biết, gia đình ông theo nghề mộc ít nhất đã 4 đời; và đến nay, ông cũng hơn 30 năm theo nghề này. Theo ông Châu, ông thường sản xuất sản phẩm theo đơn đặt hàng, đa số là những mối quen trong và ngoài tỉnh. “Bây giờ, nhiều sản phẩm được sản xuất công nghiệp bày bán tràn lan với giá rẻ, mẫu mã bắt mắt khiến nhiều người quên dần sản phẩm mộc truyền thống. Chính vì vậy mà nhiều người thợ không còn mặn mà với nghề này nữa”, ông Châu cho biết.

Ông Phan Chí Minh, chủ xưởng mộc Minh Ánh, xưởng của gia đình ông có từ trước năm 1975. Xưởng mộc của ông đang tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập thường xuyên khoảng 400.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là nguồn nguyên liệu gỗ không còn nhiều và phong phú như trước. Gỗ tốt chủ yếu được nhập về từ các nước như Campuchia, Thái Lan, Lào, Malaysia... thường đắt tiền, ít người đủ điều kiện sử dụng. 

Theo ông Phan Chí Minh, trước đây, làng nghề mộc tại Hiệp An rất “thịnh”, cả tuyến đường Lạc Long Quân có đến vài trăm xưởng chế biến và sản xuất đồ gỗ gia dụng. Sản phẩm làm ra ở làng nghề này không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn bán đi các tỉnh khác. Nhà nào có cửa hàng phía trước thì "y như rằng" phía sau là nhà xưởng. Còn bây giờ các cửa hàng chủ yếu trưng bày và bán các sản phẩm sản xuất công nghiệp nhập về từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương... Hiện cả ấp Hiệp An chỉ còn chưa tới 10 xưởng sản xuất và chế biến gỗ.

Ông Nguyễn Hoàng Chiêu, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Hiệp An cho biết, ấp Hiệp An có trên 250 hộ kinh doanh các mặt hàng đồ gỗ gia dụng. Tuy nhiên, hiện chỉ còn khoảng 7 xưởng sản xuất hoạt động. Các xưởng này chủ yếu nhận làm theo đơn đặt hàng. Các cửa hàng kinh doanh đồ gỗ thì nhập hàng từ nơi khác về bán.

Theo ông Chiêu, nguyên nhân khiến nghề mộc ở Hiệp An ngày càng ít người theo là vì nguồn cung nguyên liệu khan hiếm, đẩy giá thành lên cao. Trong khi đó, các sản phẩm sản xuất công nghiệp đại trà, có giá rẻ được nhiều người lựa chọn thay thế. Cùng với đó là lao động nghề mộc hiện rất khó tìm. Ðể có một người thợ lành nghề cần phải có thời gian đào tạo từ hai đến ba năm, nhưng cũng ít ai trụ lâu với nghề. 

Một nguyên nhân nữa đó là nhiều cơ sở thiếu vốn sản xuất. Hiện tại, với sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể địa phương, người thợ mộc được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng chỉ vài chục triệu đồng trong thời hạn một năm là quá ngắn. Theo ông Phan Chí Minh, để phát triển nghề mộc cần một số vốn đầu tư khá lớn, trên 100 triệu đồng/hộ. Do vậy, ông và nhiều hộ theo nghề này rất mong được tạo điều kiện hỗ trợ về vốn ở mức độ tương đối - tối thiểu cũng phải trên 100 triệu trong thời gian từ 2 - 3 năm, để các hộ như ông có điều kiện phát triển sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Tân cho biết, làng nghề mộc tại Hiệp An là làng nghề truyền thống của địa phương. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tổ chức lại các hộ còn làm nghề vào một tổ liên kết sản xuất; xã sẽ tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với việc phát triển làng nghề truyền thống; tổ chức đào tạo nghề cho lao động tại địa phương; tạo điều kiện để các hộ sản xuất được vay vốn hỗ trợ sản xuất.

Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục