Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Mai này ai nhớ trầu cau...
Thứ năm: 10:13 ngày 25/11/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thương nhau cau bổ làm đôi miếng Một lá trầu xanh thắm nợ duyên Cứ mỗi chiều về tan buổi chợ Em còn hoài vọng tiếng người thương…

Thương nhau cau bổ làm đôi miếng

Một lá trầu xanh thắm nợ duyên

Cứ mỗi chiều về tan buổi chợ

Em còn hoài vọng tiếng người thương…

Đó là những câu mở đầu bản vọng cổ Lá trầu xanh của soạn giả Viễn Châu. Trầu cau là hình ảnh rất quen thuộc trong các nghi lễ văn hoá truyền thống của người Việt. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, tục ăn trầu đã dần mai một, người buôn bán trầu cau và những vườn cau, vườn trầu cũng ngày càng thưa vắng…

Bây giờ, ở chợ Long Hoa chỉ còn lác đác vài sạp bán trầu cau. Chị Phượng, chủ sạp cau Kế Phượng tâm sự: lúc trước, ở cửa 1 có đến gần chục hộ kinh doanh cau, trầu nhưng giờ thì ngày càng hiếm. Ăn trầu thường là các ông già, bà lão, khi các cụ lần lượt qua đời, chị cũng lần lượt… mất mối. Hiện chị bán rất chậm.

Mỗi ngày, sạp của chị bán khoảng 200- 300 buồng cau. Đây là số cau được phân phối cho các chợ lẻ trong tỉnh. Cau của chị Phượng là cau lấy về từ các vườn, nhiều nhất vẫn là ở Trảng Bàng. Hiện chị Phượng bán cau với giá 5.000 đồng/chục (14 trái). Với hơn 20 năm trong nghề, nay chị Phượng có thể nhìn qua là biết ngay trầu, cau “ngon” hay “không ngon”. Tuy nhiên, kinh nghiệm của chị sắp không còn chỗ để dùng, vì theo lời chị- nửa đùa nửa thật: “Chắc tôi chỉ còn bán khoảng 5 năm nữa thôi lúc đó mình cũng già rồi, dẹp tiệm là vừa!”.

Kế bên sạp của chị Phượng, hiện còn 3 sạp khác cũng chuyên bán trầu cau phục vụ cho các đám cưới.

Dù không phải dân ăn trầu nhưng chị Thi (chủ sạp Dũng Thi) rất giỏi trong việc sắp đặt các mâm trầu cau cưới. Chị cho biết: trầu cau cưới rất quan trọng. Chỉ nói riêng việc têm trầu cánh phượng đã phải “kỳ công”. Đầu tiên là phải lựa lá trầu sao cho “đồng thanh đồng thủ”, đẹp mắt. Cau thì phải lựa cau ngon, ruột tròn. Đôi khi gặp họ nhà gái khó tính, bổ cau ra thấy không ngon họ có thể bắt tì, bắt lỗi nhà trai. Bởi vậy, chị Thi rất kỹ trong khâu lựa cau và têm trầu cho khách hàng để làm sao giúp họ có được một mâm quả ưng ý nhất, như một lời chúc cầu cho đôi uyên ương hạnh phúc bền lâu.

Có thể thấy thời bây giờ, vật phẩm của “đầu câu chuyện” không còn là mặt hàng “mua may bán đắt” ngoài chợ. Chính vì vậy, những cây cau, nọc trầu cũng dần vắng mặt trong những góc vườn nhà.

Từ đường 784 chạy qua địa phận xã Phước Đông, huyện Gò Dầu nếu rẽ vào ấp Suối Cao B một đoạn khoảng 1km ta sẽ thấy hiện ra trước mắt một khung cảnh thanh bình, nên thơ. Đó là những vườn cau e ấp trong nắng sớm. Những buồng cau đang trổ hoa trắng tít trên cao, dễ khiến ta liên tưởng đến những câu thơ của Hàn thi sĩ: “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”!

Trước một nếp nhà ngói hình chữ đinh, là một khoảng sân gạch. Bên hông, sau lưng nhà toàn là những tán cau. Cảnh làng quê đẹp lạ lùng, gợi cho ta một cảm giác thoải mái như trở về chốn cố hương.

Những vườn cau ở đây được trồng theo từng đám. Họ trồng không phải vì để đẹp, mà trồng để bán hẳn hoi. Bà Nguyễn Thị Điệu, 63 tuổi, ngụ tại ấp này cho biết: “Nhà tui có gần 1 thiên cau (1.000 gốc). Năm rồi bán cho thương lái được 8 triệu đồng. Năm nay cũng vậy, tui mới bán mão cho lái 8 triệu để họ hái. Nghe nói là trái cau dùng để sử dụng trong đông y gì đó”.

Bóng quê

Cau nhà bà Điệu được trồng trên mảnh đất gần một ngàn mét vuông. Thời gian gần đây, người ta đã phá bỏ những vườn cau xinh đẹp để trồng cao su và hoa màu vì chúng có giá trị kinh tế hơn. Bà Điệu cũng đang định sẽ chặt bỏ vườn cau của mình để trồng cao su như người ta nhưng bà lại đắn đo vì sợ lỡ chặt rồi mà giá cau tăng lên (vì ít người trồng) thì tiếc lắm.

Ông cụ Nguyễn Văn Lên, đã 96 tuổi cho biết: “Ngày xưa vùng này có rất nhiều cau. Người ta trồng để bán cho những người ăn trầu và cho mấy tiệm đông y dùng làm thuốc. Cau hồi đó người ta trồng thành từng đám lớn. Nhà tui cũng trồng, sau con cháu phá gần hết. Nay chỉ còn lại vài cây thôi”.

Chợt nghĩ, liệu mai này, trầu, cau sẽ chỉ còn là ký ức? Sẽ đến một lúc nào đó, trên đường đời mỏi mệt, khi ta muốn tìm về những miền quê yên ả, nép mình dưới bóng mát của những hàng cau, vườn trầu tươi xanh quê mùa, bình dị mà đẹp đến nao lòng, để thấy tâm hồn mình lắng lại, thanh sạch hơn liệu có còn không nhỉ?!

MINH NGUYÊN

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục