Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mai này nón lá chẳng ai chằm
Thứ ba: 10:19 ngày 11/01/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Không còn lá nguyên liệu, nghề làm nón lá sẽ ra sao?

Không có lá chằm nón, người thợ thủ công để cho chiếc mô ở không trong góc nhà, vành nón cũng nằm chờ lá nón mà lên mốc.

Với gương mặt buồn buồn, bà Nguyễn Thị Hiền nhà ở ấp An Quới, xã An Hoà (Trảng Bàng) cho biết, nghề làm nón lá đã gắn bó với bà hơn 50 năm qua. Bà bắt đầu “ôm mô chằm nón” từ lúc bảy, tám tuổi, giờ bà đã xấp xỉ sáu mươi. Nhà nghèo không có ruộng đất, ngành nghề lúc ấy cũng chưa phát triển nhiều như bây giờ, nên hết đời mẹ bà rồi đến đời bà gần như gắn chặt với cái mô (cái khung) chằm nón lá. Trước đây chiếc mô nón chỉ rời khỏi tay người thợ lâu nhất là trong ba ngày Tết. Hồi nhỏ chằm nón riết ớn quá, bà Hiền chỉ mong đến Tết được nghỉ vài ngày. Sau này, cuộc sống có phần đỡ vất vả hơn, nhưng bà vẫn không bao giờ buông mô nón. Vậy mà gần một tháng nay, vì không có lá bà đành phải rời cái mô nón. Tuổi cao không có việc gì làm khác ngoài nghề chằm nón “gia truyền”, nên bà bắt đầu gặp khó khăn trong cuộc sống, vì không còn có thu nhập hằng ngày. 

Bà Hiền cho biết thêm, khoảng một tháng trước đây (khoảng giữa tháng 12.2010) việc mua lá làm nón bắt đầu khó khăn, nhưng cũng còn mua được. Lúc ấy, giá mua 100 tàu lá (mỗi tàu có nhiều phiến lá) mật cật non loại xấu là 15.000 đồng, còn loại tốt là 25.000 đồng. Cứ 100 tàu lá xấu làm ra được một chục cái nón (10 chiếc nón), còn loại tốt làm được hai chục nón (20 chiếc nón). Mỗi chục nón loại trung bình, chưa kết bìa, thương lái đến tận nhà mua 50.000 đồng (5.000 đồng/chiếc nón). Trừ tiền lá, tiền dầu lửa (dùng để đốt lửa vuốt cho lá thẳng ra), tiền vành, tiền chỉ… người chằm nón còn lời được khoảng 25.000 đồng/một chục. Người nào làm giỏi, suốt ngày làm được một chục nón. Tuy thu nhập không cao, nhưng đối với những người phụ nữ quá tuổi làm công nhân, hay không còn làm việc đồng áng nặng nhọc được, chịu khó ngồi nhà chằm nón cũng kiếm được tiền gạo và mắm muối đắp đổi qua ngày. Vậy mà nay đành phải ngồi không và chưa biết đến bao giờ mới có lá để tiếp tục chằm nón. Trong khi đó Tết đã đến cửa ngõ rồi, biết lấy tiền đâu mà sắm sửa rước ông bà về ăn Tết đây!

Chắc ai cũng biết chiếc áo dài, áo bà ba và chiếc nón lá là biểu tượng của hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam. Chiếc nón lá còn gắn chặt với mọi tầng lớp lao động, nhất là nông dân hằng ngày phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Nếu không có chiếc nón lá đội đầu làm sao nông dân chịu nổi nắng mưa. Nghề làm nón lá là nghề truyền thống của dân tộc. Nghề làm nón lá ở Tây Ninh cũng đã có từ nửa đầu của thế kỷ trước. Nguyên liệu chính để làm ra chiếc nón đối với thợ thủ công Tây Ninh là lá cây mật cật non, vành nón (làm bằng cây trúc) và chỉ chằm nón (trước đây là chỉ sợi vải sau này là chỉ ni-lông). Thiếu một trong ba loại nguyên liệu chính này, người thợ thủ công làm nón lá đành “bó tay”. Cây trúc để làm vành nón thì có người trồng (để làm nguyên liệu sản xuất các mặt hàng mây tre trúc), sợi chỉ ni-lông thì có ngành công nghiệp sản xuất. Riêng lá mật cật thì từ trước đến nay chưa có ai trồng bao giờ. Mật cật là loại cây mọc tự nhiên trong rừng. Trước kia rừng còn nhiều, có nhiều cây mật cật mà người làm nón lá còn ít, nên người làm nón tự động vào rừng chặt cây mật cật non về phơi khô để dành làm nón. Sau này có nhiều người làm nón, trong khi đó, rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp dần, và tất nhiên cây mật cật cũng hiếm dần, nên có những người chuyên đi tìm cây mật cật chặt về bán cho vựa. Vựa bán lại cho người làm nón. Thường thì người làm vựa bán lá cũng đồng thời là vựa mua nón, theo kiểu “bán nguyên liệu, mua thành phẩm”.

Những năm gần đây các ngành công nghiệp- dịch vụ ở Tây Ninh không ngừng phát triển. Đa số lao động trẻ vào làm công nhân ở các khu, cụm công nghiệp, một bộ phận tiếp tục làm nông nghiệp. Nghề làm nón lá thủ công có thu nhập thấp dần dần bị mai một, chỉ còn một số ít người không có ruộng đất, cũng không có đủ sức khoẻ làm công nhân, tiếp tục gắn bó với nghề làm nón. Trong lúc đó diện tích rừng tự nhiên của tỉnh càng thu hẹp hơn nữa để nhường chỗ cho đất trồng mì, trồng cao su và… trồng rừng. Cây mật cật ngày trở nên khan hiếm, chỉ còn rất ít ở những cánh rừng cặp biên giới. Nên mặc dù ngày càng ít người làm nón lá, nhưng vẫn thường xảy ra tình trạng thiếu lá mật cật nguyên liệu.

Không còn nón lá, những người nông dân dầm mưa, dãi nắng sẽ đội đầu bằng loại nón nào tốt hơn đây?

Không có lá nguyên liệu, và ở Tây Ninh cũng chưa có loại lá cây nào thay thế cho lá mật cật để làm nón lá. Liệu có ai dám bỏ đất ra để đầu tư trồng cây mật cật bán cho người làm nón lá không? Từ đó nghề thủ công truyền thống làm nón lá khó có khả năng được duy trì. Không có chiếc nón lá che mưa, che nắng mỗi khi ra đồng ruộng, hay lao động trên các công trường, những người nông dân, công nhân sẽ che mưa nắng bằng loại nón nào tốt như chiếc nón lá, khi lao động ngoài trời?

NGỌC HÂN

 

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục