Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mai trắng kể chuyện
Thứ ba: 08:59 ngày 30/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dịp tết sắp về, ngôi nhà này lại rộn ràng nam thanh, nữ tú đến chụp ảnh đăng Facebook, Zalo. Đó là nhờ có cây mai trắng cổ thụ hai người lớn ôm không xuể.

Ngôi nhà ấy không có gì đặc biệt, nhỏ và lụp xụp, lọt thỏm giữa những ngôi nhà khang trang nóc Thái. Nhưng dịp tết sắp về, ngôi nhà này lại rộn ràng nam thanh, nữ tú đến chụp ảnh đăng Facebook, Zalo. Đó là nhờ có cây mai trắng cổ thụ hai người lớn ôm không xuể. Người ta kháo nhau, có một đại gia phía Bắc trả hơn một tỷ nhưng ông Hai không bán. Họ thuyết phục ông bán lấy tiền sửa lại ngôi nhà xuống cấp, song, ông Hai vẫn lắc đầu.

Mười lăm tháng Chạp, ông Hai bắc thang leo lặt lá phần ngọn mai; con cháu xúm xít lặt lá phần gốc. Ông Hai dặn, lặt nhẹ tay thôi vì ở mỗi nách lá có một nút màu vàng cam. Đôi ngày sau khi lặt lá, nút hoa sẽ bung lụa hé nụ xanh mơn mởn. Đám cháu hỏi vì sao nhà mình có cây mai trắng hiếm này? Bí quyết gì để cây mai lớn và sống lâu năm vì cây mai trắng rất khó chăm? Ông Hai hẹn đến tối trăng rằm, ngồi ăn bánh uống nước kể chuyện xưa cho nghe.

Hồi xưa, thiệt là xưa! - Ông Hai bắt đầu kể. Những đứa trẻ ngồi há miệng nghe như đợi từng lời, từng câu ông kể: Chỗ ông cháu ta ngồi, xưa là rừng. Rừng già kéo dài từ đây vùng Ma Thiên Lãnh vắt qua núi dài lên tận miệt Tân Châu, Tân Biên tới biên giới nước bạn Campuchia. Trong làng hồi ấy đàn ông làm tiều phu, đàn bà bẻ măng tre, nứa về đem ra chợ bán. Lại có người cắt cây mật cật, cây đót về bó chổi; mùa đười ươi rụng thì lượm đem xuống chợ huyện bán. Con người khi ấy sống dựa vào rừng. Không ai giàu nhưng cũng không ai sống nghèo đói khó khăn.

Ngày nọ, có một ông già đi lên núi hái thuốc. Ông men theo đường mòn vào khu vực Ma Thiên Lãnh. Đi một ngày trời từ Bến Kéo mới tới chân núi. Đường lên núi lối Ma Thiên Lãnh quanh co, ngoằn ngoèo, hiểm trở. Vừa bằng phẳng một đoạn lại có tảng đá chắn ngang, cây cối, dây leo um tùm vướng víu khó đi. So với một số đường lên đỉnh núi thì lối qua Ma Thiên Lãnh khó đi nhất nhưng bù lại có nhiều dược liệu quý. Ông già hái thuốc vừa đi vừa cột dây vải điều vào gốc cây để làm dấu tránh bị lạc giữa rừng. Đang đào một củ hà thủ ô thì ông nghe có tiếng sóc kêu thảm thiết. Ông bở dở củ hà thủ ô đang đào lần về phía có tiếng kêu. Vấp một cục đá tai mèo, chân toé máu nhưng ông gượng dậy đi tiếp. Một tảng đá dựng đứng chắn ngang lối đi. Ông già hái thuốc toan quay bước nhưng tiếng kêu bên kia tảng đá giục giã. Ông lấy trong giỏ sợi dây thừng có móc sắt quăng lên tảng đá, thử độ chắc chắn rồi bắt đầu leo qua. Một con sóc bị rắn cắn ở chân, khi ông tới nơi khua gậy, con rắn hoảng sợ bỏ đi. Ông lấy thuốc trị rắn cắn xoa chỗ vết thương của sóc rồi đặt nó lên một cành cây gần đó.

Mấy tháng sau, ông lại đi hái thuốc trên cung đường Ma Thiên Lãnh. Vừa tới chân núi ông ngồi nghỉ mệt vốc nước ở suối Vàng rửa mặt. Chợt ông thấy vương vướng ở dưới chân. Ông nhìn xuống thấy con sóc, nó cứ quấn quýt dưới chân ông. Thoạt đầu, ông lấy làm lạ vì giống sóc rất nhát, chỉ thoáng thấy bóng người thì nó đã nhảy lên cây vào liến thoắng chuyền cành, chỉ chốc lát không còn dấu vết. Con sóc đi theo ông đến tảng núi đá dựng chắn trước mặt thì dừng lại. Ông cũng dừng lại thở dốc. Ông nhìn theo con sóc lách qua đám cây bụi bên trái tảng đá, ông vẹt đám cây bụi thì thấy có một cửa hang. Con sóc đi trước, ông đi sau, lòng hang ban đầu hẹp rồi từ từ mở rộng dần. Đi độ hơn mười phút hang mở ra ở một khoảng không. Những cây cổ thụ chi chít hoa trắng, những bông hoa cánh trắng nhị vàng, mùi thơm ngào ngạt. Ông ngỡ ngàng, bao năm rồi ông chưa biết được cung đường này, bao năm rồi ông không ngờ trên ngọn núi thiêng có khoảng đất mọc loài hoa lạ. Ông không biết hoa này tên gì, ông hái một cành đem về hỏi các vị trưởng thượng trong làng nhưng cũng không ai biết. Từ đó những lần leo núi hái thuốc ông hay ghé qua chỗ có rừng hoa trắng. Mùa mưa dưới gốc cổ thụ nảy lên nhiều cây con, ông cẩn thận bứng một cây đem về trồng ở góc sân và gần như quên đi. Ba năm sau cây ông đem về trồng lớn dần lớn dần. Mùa mưa qua, mùa tết sắp tới, cây ông trồng trút lá và nửa tháng sau trổ chi chít hoa. Bà con cô bác gần xa kéo tới xem cây hoa lạ, trầm trồ.

Tiếng đồn tới miệt kinh kỳ. Có nhà phú hộ kia nghe cây hoa đến xem. Dạo ấy đã qua rằm tháng Giêng chỉ còn sót lại mấy bông hoa nở muộn nhưng hương thơm quyến rũ và cốt cách hoa tao nhã làm ông phú hộ say mê. Ông phú hộ gạ mua nhưng ông già hái thuốc không bán. Trả thật cao cũng không bán. Cuối cùng, ông phú hộ thấy con gái ông già hái thuốc đang mang thai lại sống trong ngôi nhà tranh xập xệ liền nói để cất cho ngôi nhà gỗ ba gian khang trang. Ông già hái thuốc thương con, thương cháu nên chấp nhận.

Đám cháu của ông Hai ngồi nghe mê say. Ông Hai mừng lắm, đâu ngờ đám cháu mê trò chơi, mê coi YouTube cũng thích nghe chuyện ngày xưa. Trong đám, thằng Tâm- cháu nội ông Hai- học ngành marketing. Cu cậu mới học năm thứ nhất nên còn ngựa non háu đá. Những điều cu cậu học được ở trường mới võ vẽ kiểu nhập môn nhưng rất hay thể hiện. Thằng Tâm nói với ông Hai để rồi ông coi tết này con sẽ làm cho cây mai nhà mình nổi tiếng và hái ra tiền. Ông Hai nói con định rao bán cây mai nhà mình sao. Không cần rao thì cũng có người đến đòi mua. Nhưng ông nội không chịu bán. Thằng Tâm nói không đâu. Ông nội để cháu đích tôn thực hiện chiến dịch marketing không những cây không mất mà còn có đồng ra đồng vào cho ông nội uống cà phê nữa. Ông Hai cười nhưng trong bụng không tin thằng cháu “mồm năm miệng mười” lắm. Ông Hai nghĩ thôi kệ nó làm gì thì làm, cứ để nó va vấp đi rồi khắc nó sẽ tự rút bài học.

Đêm. Đám cháu của ông Hai lại ngồi trên đệm bàng chờ ông Hai tiếp tục câu chuyện dở dang hôm trước. Ông phú hộ mua mai không phải là người yêu hoa như ông già hái thuốc nghĩ. Lão phú hộ đã có toan tính. Lão giàu có nhất vùng nhưng nghĩ đi nghĩ lại vẫn còn thiêu thiếu một cái gì đó. Giàu mà không có chút quyền lực trong tay thì cũng chưa gọi là thành đạt. Lão phú hộ đem cây hoa quý biếu cho quan Tổng trấn để được cất nhắc một chức quan. Quan tổng trấn nhìn cây cho hoa lạ đem về từ miền biên giới xa xôi mà ngỡ ngàng.

Quan tổng trấn phán: - hoa đẹp đó! Lão phú hộ mừng rỡ: - Ngài vui thì tôi mừng rồi. Quan tổng trấn ngắt lời: - Phải chi cây lớn hơn mới xứng với dinh tổng trấn.

Vậy là lão phú hộ phải cất công đến nhà ông già hái thuốc lần nữa. Lần trở lại này, ông phú hộ không còn nhận ra nhà ông già hái thuốc nữa, nhà cửa khang trang, ông cũng không còn lam lũ nữa. Ông phú hộ thắc mắc sao ông nhanh giàu vậy. Ông già hái thuốc mời ông phú hộ ngồi uống trà rồi kể. Sau khi ông phú hộ mua cây hoa quý, tiếng tăm về cây hoa quý bắt đầu lan xa. Người ta đến mua mỗi lúc một đông, có người ở xa phải đi mấy ngày đường mới tới. Ông già hái thuốc không cần hét giá cao, tự người mua đẩy giá lên và giành nhau mua. Việc của ông già hái thuốc là đem cây từ trên núi về bán. Chỉ có ông biết hang núi dẫn ra khoảng đất đầy hoa nên ông độc quyền bán giống hoa ấy. Cây hoa vẫn chưa có tên. Có vẻ những tên đẹp đều đã đặt trong các loài hoa. Ông thấy từ hồi có cây hoa quý ông thật may mắn, giàu có, nhà cửa khang trang, cuộc sống sung túc đủ đầy. Cứ theo đó mà đặt tên cho nó là may. Nhưng người miền Nam phát âm từ may thành mai. Và lâu ngày thành hoa mai như cách gọi ngày nay.

Hai mươi lăm tháng Chạp. Cây mai nhà ông Hai đã ngời xanh nụ hứa hẹn một mùa hoa nở đẹp. Thằng Tâm đã đăng Zalo và facebook mời mọi người đến chụp hình, có cho thuê áo dài xưa để làm trang phục chụp hình. Ai vào cổng chụp hình phải trả tiền là hai mươi ngàn. Tiền thuê áo dài tính riêng, tiền nước uống, tiền bánh… Anh chàng chắc mẻm là có một mùa bội thu. Ông Hai thấy chướng vì ông không muốn kinh doanh gì từ cây mai, ông bảo tồn cây mai quý của vùng đất này không phải vì tiền. Nếu vì tiền ông đã bán quách nó đi từ nhiều năm trước để an hưởng tuổi già. Ông đang chờ một ngày nào đó những người làm kỹ sư công nghệ sinh học nghiên cứu để tạo ra giống cây mai trắng từ cây mai vườn nhà ông. Nhưng ông im lặng, ông không muốn thằng cháu nội thất vọng.

Đêm hai mươi sáu tháng Chạp, đám cháu lại quây quần giục ông Hai kể chuyện cây mai. Ông phú hộ nói với ông già hái thuốc là muốn mua cây mai cổ thụ. Thấy ông ngần ngừ, phú hộ nói tiền không phải lo, chỉ cần có cây mai to như ý là muốn giá nào cũng được. Ông hái thuốc nghe cũng xuôi tai. Ông tính rồi, bán nốt cây mai này kiếm số tiền lớn rồi giải nghệ.

Ông già hái thuốc đi trước, dẫn một đoàn người theo lối mòn vào Ma Thiên Lãnh. Ông đi quen nên không thấy mệt, nhóm thanh niên cường tráng ngồi thở dốc. Đi từ sáng sớm đến tận trưa mới tới cái hang bí mật, luồn qua hang sâu rồi đến khoảng đất toàn những cây mai trắng. Những cây mai chục người ôm xoè nhánh hoa nở thơm như ướp nước hoa, cánh trắng mong manh như tố nữ trong tranh làng Đông Hồ. Vẻ đẹp thần tiên khiến những người phàm tục như đám thanh niên chuyên làm nghề đốn củi cũng phải trầm trồ.

Nhát cuốc đầu tiên toé lửa do cuốc va vào đá núi. Rễ của cây ăn luồn sâu vào đá núi, chẳng thể nào bứng đi dễ dàng. Sức của chục chàng trai trẻ sung sức cũng tốn mất ba ngày. Ông già hái thuốc quay về nhà đem thêm nước uống và thức ăn cho thợ. Khi trở lại cũng theo con đường cũ, lối đi còn những dây vải điều cột làm dấu, nhưng lối vào hang chỗ con sóc dẫn đi hôm trước đã bị bít lại.

Hai mươi bảy tháng Chạp, trời mưa vần vũ suốt ngày như tháng tám. Mai bung nở trắng xoá rồi rụng tơi tả trong mưa. Thằng Tâm cháu ông Hai ngồi rầu rầu coi như kế hoạch kiếm tiền từ cây mai đã “phá sản”.

Ông Hai cười cười nhìn thằng cháu đích tôn. Cũng may con ơi, chứ đông đảo người tới, họ tiếc tiền bỏ ra rồi vin hoa bẻ cành, tiền có được bao nhiêu mà cây quý tơi tả hết.

Ông Hai nhìn thằng cháu kể nốt câu chuyện cây mai. Đám thanh niên bứng mai không biết có về được không khi cửa hang bị bít lại. Người bảo cửa rừng thiêng khép lại vì lòng tham của con người không đáy. Người bảo do ông phú hộ giết người để chiếm đoạt cây mai. Chuyện thực hư thế nào thì không ai rõ, nhưng truyền thuyết về cây mai trắng vẫn lưu lại đến ngày nay.

Ông Hai nhìn ra cửa, những cành mai già ngoài kia như rung rung cười trước ngọn gió xuân.

T.Q.T

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục