BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mali: Phiến quân Tuareg tuyên bố giành độc lập ở miền Bắc

Cập nhật ngày: 06/04/2012 - 07:51

Lực lượng phiến quân Tuareg vừa tuyên bố thành lập nhà nước Azawad độc lập hôm 6.4 sau khi chiếm quyền kiểm soát miền Bắc Mali trong cuộc hỗn loạn hậu đảo chính quân sự tại nước này.

Tuyên bố được đăng tải trên trang web của Mặt trận dân tộc giải phóng Azawad (MNLA) với nội dung: "Chúng tôi, người dân của Azawad tuyên bố thành lập nhà nước Azawad độc lập từ ngày hôm nay, thứ Sáu ngày 6.4.2012”.

MNLA cũng đã đơn phương tuyên bố ngừng tất cả những hoạt động quân sự từ nửa đêm 5.4, sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi chấm dứt chiến sự tại Mali.

Một người du mục Tuareg ở khu vực một thánh đường được xây dựng từ thế kỷ 13 tại Timbuktu. Ảnh: Reuters

Lực lượng phiến quân này khẳng định sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho vùng lãnh thổ miền Bắc nước này, cũng như duy trì hoà bình và thiết lập các nền tảng thể chế cho một nhà nước dựa trên một hiến pháp dân chủ vì một nước Azawad độc lập.

Hiện lực lượng phiến quân Tuareg đang kiểm soát 3 thành phố quan trọng ở miền bắc - Timbuktu, Kidal và Gao – sau khi Tổng thống Amadou Toumani Toure bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự hồi tháng rồi. Hàng chục năm qua MNLA đã tiến hành các hoạt động nổi dậy nhằm đòi thành lập một nhà nước độc lập của người Tuareg trên vùng đất bao gồm ba thành phố này.

MNLA kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận nhà nước độc lập Azawad.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longuet đã lập tức bác tuyên bố độc lập của MNLA.

“Một tuyên bố độc lập đơn phương không được các nước châu Phi công nhận thì cũng không có ý nghĩa gì đối với chúng tôi” – ông Gerard Longuet phát biểu với hãng tin Reuters.

Tình hình biến động khởi phát từ sau cuộc binh biến xảy ra tại thủ đô Bamako hôm 22.3. Các nước láng giềng của Mali bày tỏ mối quan ngại về tình hình bất ổn tại quốc gia này, và yêu cầu lãnh đạo đảo chính, Đại tá Amadou Sanogo trả lại quyền lực cho nhân dân. Liên đoàn châu Phi đã áp đặt các lệnh cấm vận kinh tế và ngoại giao chống lại lãnh đạo lực lượng binh biến.

Trong khi đó, nhằm gia tăng sức ép khôi phục trật tự hiến pháp sau cuộc đảo chính và bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Mali, Tổng tham mưu trưởng các nước thành viên Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đang lên kế hoạch tác chiến để lực lượng quân sự Tây Phi can thiệp nhằm lập lại hoà bình và an ninh ở Bắc Mali.

ECOWAS đã đặt một lực lượng gồm 3.000 quân trong tình trạng báo động, chuẩn bị cho việc triển khai tại Mali nhằm thực hiện một nhiệm vụ kép là đảm bảo trả lại trật tự hiến pháp và ngăn chặn phiến quân có thêm bất kỳ động thái nào.

THUÝ TRINH

(Theo THX/Reuters)