Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Man Booker International 2019: Nhà văn nữ thống trị
Thứ ba: 13:20 ngày 16/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Lần đầu tiên các nhà văn nữ hiện diện mạnh mẽ trong một giải thưởng tầm vóc quốc tế, chứng tỏ tiếng nói của họ ngày càng có sức nặng

Bìa tác phẩm của các tác giả nữ được đề cử Giải Man Booker quốc tế năm nay. Ảnh: Internet

Giải Man Booker quốc tế vừa công bố danh sách chung khảo mùa giải năm 2019 hôm 9-4. Điều đáng chú ý khi xem qua danh sách chung khảo năm nay là các nhà văn nữ thống trị danh sách rút gọn của Giải Man Booker quốc tế, với 5 tác giả nữ và nhóm dịch giả toàn nữ, một hiện tượng chưa từng có.

Sự ngẫu nhiên thú vị

Những nhà văn nữ được đề cử năm nay bao gồm Olga Tokarczuk cho cuốn tiểu thuyết "Drive your plow over the bones of the dead", tác giả người Pháp Annie Ernaux được đề cử cho tác phẩm nhuốm màu tự truyện "The years", Marion Poschmann cho cuốn tiểu thuyết "The Pine islands", Alia Trabucco Zerán được đề cử cho tác phẩm đầu tay "The Remainder" và tác giả Jokha Alharthi của Oman cho tác phẩm "Celestial Bodies".

Trong danh sách này đáng chú ý là nhà văn Ba Lan Olga Tokarczuk - quán quân của mùa giải năm ngoái với tiểu thuyết "Flights". Nếu năm nay Man Booker quốc tế lại gọi tên bà, Tokarczuk sẽ trở thành người đầu tiên trong lịch sử toàn Giải Man Booker đoạt giải 2 năm liên tiếp.

Đây là lần đầu tiên các nhà văn nữ hiện diện mạnh mẽ như thế trong một giải thưởng mang tầm vóc quốc tế. Theo báo The Guardian (Anh), trường hợp này là một sự ngẫu nhiên thú vị hơn là mang màu sắc chính trị. Nó chứng tỏ tiếng nói của phụ nữ trong văn chương đã có sức nặng hơn, họ không còn là những thiểu số trong văn học nữa mà đã tìm được thế đứng riêng cho bản thân.

Bảo chứng cho thành công

Giải Man Booker quốc tế thành lập vào năm 2004 để bổ sung cho Giải Man Booker danh giá vốn chỉ vinh danh tác giả viết bằng tiếng Anh thuộc Khối Thịnh vượng chung Anh, Ireland và Zimbabwe.

Ngoài giá trị tiền thưởng lớn, tiểu thuyết đoạt giải này cầm chắc trở thành sách bán chạy trong nhiều năm liền, cũng như đưa vị thế của nhà văn có sách đoạt giải được các nhà xuất bản săn đón. Hiếm có tác phẩm đoạt Giải Man Booker nào gây tranh cãi bởi quy trình xét duyệt nghiêm ngặt từ một ban giám khảo có chuyên môn là những nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng nên Man Booker tới nay vẫn là cái tên bảo chứng cho sự thành công. Riêng ở Việt Nam, hầu hết các tiểu thuyết đoạt giải Man Booker đã được dịch và giới thiệu.

Nhà văn đoạt Giải Nobel Văn học 2007, Doris Lessing từng chua chát nhận ra rằng mình đã đoạt gần như tất cả giải thưởng trừ Man Booker. Lessing có lẽ là trường hợp hy hữu, khi trong lịch sử có 5 nhà văn đoạt Giải Man Booker sau đó trở thành chủ nhân Giải Nobel Văn học, đấy là chưa nhắc đến nhà văn chuyên viết truyện ngắn Alice Munro đoạt Giải Man Booker quốc tế năm 2009, Giải Nobel Văn chương năm 2013.

Lúc mới thành lập, Giải Man Booker quốc tế trao định kỳ 2 năm/lần và thường có ý nghĩa tôn vinh thành tựu trọn đời của tác giả. Người đoạt giải Man Booker quốc tế đầu tiên là Ismail Kadare, nhà văn người Albania. Kế đến là Chinua Achebe, nhà văn người Nigeria (2007) mà tác phẩm "Quê hương tan rã" đã quá quen thuộc với độc giả Việt Nam. Sau đó là Alice Munro, nhà văn người Canada (2009). Hai mùa giải liên tiếp trao cho nhà văn người Mỹ Philip Roth (2011) và Lydia Davis (2013). Năm 2015, giải trao cho nhà văn người Hungary Krasznahorkai László.

Chuyển dịch dần từ tư tưởng lấy châu Âu mà ở đây có thể hiểu là văn học Anh ngữ làm trung tâm, Giải Man Booker dần mở rộng phạm vi tìm kiếm của mình. Từ năm 2014, Giải Man Booker mở rộng phạm vi xét giải, trao cho bất kỳ tác giả nào viết tiếng Anh, được xuất bản ở Anh. Đến năm 2017, với tiêu chí mới này, nhà văn Paul Beatty trở thành người Mỹ đầu tiên đoạt giải thưởng danh giá, với tiểu thuyết "The Sellout".

Từ năm 2016, giải trao thường niên cho tiểu thuyết được dịch sang tiếng Anh, tiểu thuyết đầu tiên đoạt Giải Man Booker quốc tế là "Người ăn chay" của nhà văn Hàn Quốc Hang Kang. 

Giải văn học danh giá

Giải Man Booker vốn có lịch sử lâu đời. Khi mới thành lập vào năm 1968, giải có tên là Giải Booker-McConnell, đặt theo tên nhà tài trợ khi ấy là Booker-McConnell. Những năm đầu thế kỷ XXI, giải mang tên chính thức là Man Booker, đặt theo tên nhà tài trợ chính của mùa giải là Tập đoàn Man Group.

Trong cùng năm 2007, Man Group đã tài trợ để thành lập 2 giải thưởng phái sinh của Man Booker. Một là Giải Man Asian Literary Prize, thường niên trao cho cuốn tiểu thuyết hay nhất của một nhà văn châu Á, viết bằng tiếng Anh hoặc dịch sang tiếng Anh, và được xuất bản trong năm trước. Còn lại là Giải Man Booker quốc tế. Tuy vậy, Giải Man Asian Literary Prize yểu mệnh khi chỉ tồn tại được 6 mùa giải sau khi Tập đoàn Man Group quyết định cắt tài trợ.

Tập đoàn Man Group cũng quyết định rút tài trợ cho Giải Man Booker, sau 18 năm gắn bó. Dự đoán đến mùa giải năm 2020, rất có thể Man Booker sẽ mang tên mới, tùy thuộc vào nhà tài trợ mới cho giải thưởng danh giá này.

Nguồn Người Lao Động

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục