BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mãng cầu Bà Đen - hành trình đi tìm thương hiệu

Cập nhật ngày: 22/01/2012 - 07:08

Mùa xuân đang đến rất gần, hành trình đi tìm thương hiệu đã kết thúc có hậu. Từng cành lá mãng cầu đang mơn man trong nắng, uống trọn những giọt sương sớm, đón gió xuân về cho nụ hoa kết trái oằn cây. Hội xuân núi Bà Đen nô nức đón chào khách du ngoạn đến thưởng thức vị ngọt thanh, đượm hương hoa hồng của mãng cầu đặc sản Tây Ninh, và quà mang về cũng là những quả mãng cầu Bà Đen chín mọng hương xuân.

Công nhân đang thu hoạch mãng cầu

Đường đi núi Bà Đen mùa thu hoạch mãng cầu như rộn rã hơn. Từng đoàn xe hối hả chạy về phía trước cho kịp chuyến quay về với những vườn mãng cầu xanh mướt đang cho đời trái ngọt. Vườn mãng cầu quanh chân núi Bà Đen tấp nập người mua, kẻ bán. Cảnh mua bán nhộn nhịp ven đường, báo hiệu mùa mãng cầu trúng mùa, được giá. Mãng cầu Bà Đen ngày càng khẳng định chất lượng, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng. Để mãng cầu Tây Ninh được đi xa hơn, thương hiệu mãng cầu Bà Đen được mọi người tín nhiệm, đón chào, xứng đáng là nơi sản xuất mãng cầu nhiều nhất với hương vị đặc biệt nhất nước. Mãng cầu Bà Đen cần phải được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận là tên gọi độc quyền của đặc sản Tây Ninh. Hành trình đi tìm thương hiệu bắt đầu như thế...

Tây Ninh nằm ở vùng sinh thái Đông Nam bộ, khí hậu nhiệt đới gió mùa. Tây Ninh có các thông số khí hậu phổ biến của hầu hết các tỉnh đồng bằng Nam bộ. Nhưng lại có riêng điều kiện địa lý tự nhiên khu vực núi Bà Đen, phù hợp với môi trường sinh thái của cây mãng cầu. Với đặc điểm là trái to, thịt dai, mùi vị thơm ngon độc đáo, mà người tiêu dùng cho là “thơm như hoa hồng”, diện tích mãng cầu ở Tây Ninh có 4.484 ha, được trồng xung quanh núi Bà Đen và vùng phụ cận, cung ứng khoảng 40% sản lượng mãng cầu cả nước. Vào vụ thu hoạch chính, tháng 8 - 9 sản lượng mãng cầu Bà Đen khoảng 3.000 đến 3.500 tấn/tháng. Vào dịp Tết Nguyên đán, sản lượng mãng cầu đạt 3.000 tấn/tháng, đây là sự khác biệt lớn giữa mãng cầu Bà Đen và các nơi khác, vì hầu như không có nơi nào có mãng cầu vào khoảng thời gian trời đất vào xuân. Mãng cầu Bà Đen được tiêu thụ tại các chợ, siêu thị, thuộc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và chợ trái cây các tỉnh (77%), xuất khẩu sang các nước Campuchia, Canada, Pháp, Malaysia (8%), còn lại tiêu thụ trong tỉnh (15%).

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, mãng cầu Bà Đen có được chất lượng và uy tín là do mãng cầu Bà Đen có tỷ lệ hàm lượng đạm, đường, năng lượng cao với độ pH trung tính. Trong nạc trái mãng cầu còn chứa nhiều nguyên tố vi lượng như kali, kẽm, magiê, mangan, sắt, canxi và giàu các loại vitamin như B1,C… Có được chất lượng này là do các điều kiện địa lý tự nhiên khu vực núi Bà Đen có môi trường sinh thái rất phù hợp với cây mãng cầu. Quanh núi Bà Đen luôn có khí hậu ôn hoà, nhiệt độ trung bình năm 27,2oC. Ban ngày nhiều nắng nhưng không quá gay gắt. Đêm kéo dài cùng nhiệt độ thấp, đã kích thích và thúc đẩy sự ra hoa. Khu vực núi Bà Đen đêm về sáng có độ ẩm cao, có mù sương, nên đã tạo điều kiện lý tưởng cho sự phân hoá mầm hoa của mãng cầu vào mùa khô. Biên độ nhiệt độ (độ chênh lệch nhiệt độ) ngày và đêm ở khu vực núi Bà Đen bình quân khoảng từ 8 - 10oC, sự chênh lệch nhiệt độ  giữa các mùa trong năm khoảng từ 1,5 - 30C, đã tạo sự ổn định, giúp mãng cầu có thể ra hoa kết trái quanh năm. Đất xám điển hình trên nền phù sa cổ, cùng với địa hình thoai thoải quanh núi Bà Đen, hoàn toàn phù hợp với cây mãng cầu có tầng canh tác nông và không chịu ngập. Ngoài ra, kỹ thuật canh tác của các hộ trồng mãng cầu khu vực núi Bà Đen cũng có đặc thù riêng, không những chăm sóc cho cây mãng cầu tạo trái chất lượng ngon mà còn hình thành tập quán rải vụ thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm.

Nhằm xây dựng cho địa phương một sản phẩm có thương hiệu mang chỉ dẫn địa lý (CDĐL), ngày 3.8.2004, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 1051/2004/QĐ-CT phê duyệt Chương trình xúc tiến Thương mại - Du lịch trọng điểm tỉnh Tây Ninh, trong đó có việc xây dựng thương hiệu Bà Đen cho sản phẩm mãng cầu. UBND tỉnh giao Sở Công thương chịu trách nhiệm đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) chịu trách nhiệm tư vấn và thực hiện dự án. Để từng bước có các chủ thể đại diện, thực hiện bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm mãng cầu, ngày 7.9.2005, Hợp tác xã (HTX) mãng cầu Thạnh Tân, thị xã Tây Ninh được thành lập.

Sau khi HTX mãng cầu Thạnh Tân đi vào hoạt động ổn định, nhận thấy, việc xây dựng CDĐL đã đến giai đoạn chính mùi, ngày 8.12.2008, Sở KHCN Tây Ninh ký hợp đồng với đơn vị tư vấn - Văn phòng Luật sư A-Hoà, thực hiện dự án xây dựng CDĐL “Bà Đen” cho sản phẩm mãng cầu dai Tây Ninh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ra Quyết định số 3022/QĐ-UBND ngày 30.12.2008, phê duyệt chương trình xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh Tây Ninh năm 2008, xây dựng CDĐL hoặc nhãn hiệu tập thể cho 2 sản phẩm: mãng cầu Bà Đen và bánh tráng phơi sương Trảng Bàng.

Công nhân đang lựa mãng cầu chuẩn bị đóng thùng lên xe

Dự án xây dựng CDĐL Bà Đen sau nhiều lần điều chỉnh cho phù hợp, được Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 2211/QĐ-SHTT ngày 10.11.2010, về việc chấp nhận đơn hợp lệ cho sản phẩm mãng cầu Bà Đen. Ngày 27.5.2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiến hành thẩm định đơn đăng ký CDĐL Bà Đen, cho sản phẩm mãng cầu của tỉnh Tây Ninh tại thời điểm trái vụ mãng cầu.

Sau thời gian thẩm định, được sự giải trình thuyết phục của đơn vị tư vấn, ngày 10.8.2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hoá theo Quyết định số 1804/QĐ-SHTT, về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL số 00027 cho sản phẩm mãng cầu Bà Đen. Đây là đặc sản đầu tiên của tỉnh Tây Ninh và là sản phẩm thứ 27 trên cả nước được đăng bạ về giấy chứng nhận CDĐL. Đất nước ta ở vùng nhiệt đới với hàng vạn loại sản vật quý, mà chỉ mới có 27 sản phẩm có thương hiệu CDĐL cho thấy điều này quý báu, vinh dự biết bao.

Thương hiệu được khẳng định đã khó, để thương hiệu không ngừng phát triển càng khó hơn. Cần có sự chỉ đạo, lãnh đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp của các ngành chức năng tham gia. Cần có chính sách quy hoạch và mở rộng diện tích mãng cầu Bà Đen và các vùng phụ cận, tạo nên một vùng chuyên canh mãng cầu với diện tích khoảng 5.000 ha. Phát triển tổ chức và hoạt động của Hợp tác xã mãng cầu về quy mô sản xuất, cơ sở vật chất, chuyển giao tiến bộ về thông tin, khoa học kỹ thuật, các hình thức quảng bá sản phẩm, giới thiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Xây dựng các mô hình: áp dụng tiêu chuẩn chất lượng về thực hành nông nghiệp tốt (GAP); mô hình cung ứng sản phẩm mãng cầu, quy trình bảo quản mãng cầu sau thu hoạch, để mãng cầu Bà Đen, một loại trái cây đặc sản của tỉnh thực sự phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình, đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh. 

Khi một sản phẩm được công nhận và bảo hộ về CDĐL, CDĐL sẽ được đăng ký ở phạm vi quốc tế, CDĐL trở thành công cụ chiến lược trong thương mại và là điều kiện để các nhà doanh nghiệp xuất khẩu, quảng bá, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị hàng hoá, giúp cho bà con nông dân có cuộc sống ổn định và ngày càng phát triển kinh tế gia đình, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi công cuộc hội nhập nền kinh tế thế giới.

Mùa xuân đang đến rất gần, hành trình đi tìm thương hiệu đã kết thúc có hậu. Từng cành lá mãng cầu đang mơn man trong nắng, uống trọn những giọt sương sớm, đón gió xuân về cho nụ hoa kết trái oằn cây. Hội xuân núi Bà Đen nô nức đón chào khách du ngoạn đến thưởng thức vị ngọt thanh, đượm hương hoa hồng của mãng cầu đặc sản Tây Ninh, và quà mang về cũng là những quả mãng cầu Bà Đen chín mọng hương xuân.

Duy Đức