Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần NATANI cho biết, mãng cầu là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao so với nhiều loại cây khác. Nếu được đầu tư, canh tác bài bản, 1 ha mãng cầu có thể mang lại cho người nông dân lợi nhuận khoảng 200-300 triệu đồng/năm. Vài năm trước, sản phẩm mãng cầu Bà Đen Tây Ninh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đây là một lợi thế rất lớn cho người trồng mãng cầu Tây Ninh.

Có thể nói, mãng cầu ta không còn là loại trái cây xa lạ với người tiêu dùng, nhu cầu của thị trường đối với loại trái cây này cũng rất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, trái mãng cầu bị giòi làm hư hại khiến nhiều người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài thì trong tương lai không xa, thương hiệu mãng cầu Bà Đen sẽ dần dần bị mai một, và nông dân canh tác cây mãng cầu cũng sẽ lao đao.

Ông Nguyễn Thế Tân (bìa phải) giới thiệu mô hình cho các cán bộ, hội viên thanh niên TP. Tây Ninh.

Trước viễn cảnh trái mãng cầu Bà Đen bị người tiêu dùng quay lưng, ông Tân cùng các thành viên của Công ty cổ phần NATANI quyết tâm xây dựng lại thương hiệu mãng cầu Tây Ninh. Ông chia sẻ, tên NATANI mang hai ý nghĩa: thứ nhất là trái mãng cầu Tây Ninh (Na: tên gọi trái mãng cầu ta theo miền Bắc); thứ hai là nông nghiệp tự nhiên Tây Ninh (Na: Natural Agriculture).

TANI là chữ viết tắt tên địa phương Tây Ninh. Điều ông Tân và các cộng sự mong mỏi là hướng đến một nền nông nghiệp tự nhiên của tỉnh, không riêng gì trái mãng cầu, mà trong tương lai sẽ phát triển những sản phẩm nông nghiệp khác như rau củ quả, các loại trái cây khác.

Để làm được điều này, ông Tân cho rằng, trước tiên phải nâng chất lượng, bảo đảm đây là sản phẩm sạch khi đến tay người tiêu dùng, làm họ thay đổi cách nhìn về trái mãng cầu. Tiếp đến là chứng minh cho người nông dân thấy lợi ích của việc làm ra trái mãng cầu sạch.

Khi nhà vườn hợp tác, sản xuất theo quy trình của công ty sẽ được bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định, trung bình khoảng 35.000 đồng/kg nên nông dân có thể yên tâm về đầu ra. Bên cạnh đó, nông dân canh tác theo quy trình hữu cơ vi sinh của công ty nên đạt lợi ích lâu dài, đất đai sẽ được cải tạo dần dần, tránh lạm dụng nhiều phân bón vô cơ gây bạc màu đất, giúp cây khoẻ hơn và ít phụ thuộc vào phân bón.

Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp theo quy trình hữu cơ vi sinh sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, sức khoẻ của nông dân sẽ ít bị ảnh hưởng. Một điều quan trọng nữa là sản phẩm mãng cầu sạch mà nông dân làm ra sẽ được thị trường đón nhận, nâng niu hơn sản phẩm thông thường.

Chia sẻ cụ thể hơn về quy trình canh tác của công ty, ông Nguyễn Thế Tân cho biết: sản phẩm mãng cầu Bà Đen của NATANI được canh tác theo quy trình hữu cơ vi sinh. Quá trình canh tác vẫn trên nền tảng của tiêu chuẩn VietGAP nhưng hướng đến organic, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón vô cơ, các loại hoá chất thuốc trừ sâu mà thay vào đó là bón phân hữu cơ vi sinh (phân trùn quế) và sử dụng các loại chế phẩm sinh học để làm tăng sức đề kháng và bổ sung khoáng chất, dinh dưỡng cho cây, cải tạo đất...

Mục đích của hướng canh tác này là không chỉ chú trọng phát triển sản xuất ở hiện tại mà còn tính tới tương lai trong việc cải tạo đất, làm cho đất ngày càng màu mỡ, tốt hơn, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững trên vườn cây của người nông dân.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần NATANI cũng hướng đến việc đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất như: Đặt hệ thống tưới cho vườn mãng cầu bằng app tự động, bộ chăm phân tự động cũng như đặt những đài quan trắc tại vườn… để biết cần tưới, bón phân gì trong quá trình canh tác. Sắp tới, công ty chuẩn bị áp dụng công nghệ thụ phấn nhân tạo cho hoa.

Công nghệ này giúp nông dân chủ động hơn trong quá trình canh tác, tạo trái; chủ động được việc chăm sóc những trái đã chọn; không làm cây mất sức, không tốn quá nhiều công lao động để làm các công đoạn theo kiểu truyền thống. Công nghệ này được công ty học từ nước ngoài và đã áp dụng tại vườn khảo nghiệm, hiệu quả mang lại rất tốt. Đây là công nghệ mà theo ông Tân, nếu như áp dụng đại trà cho bà con nông dân sẽ rất hữu ích.

Để đưa được sản phẩm của mình ra thị trường, ban đầu công ty cũng gặp không ít khó khăn. Ông Tân chia sẻ, bà con đã quen với tập quán canh tác truyền thống nên khi bắt đầu làm theo quy trình mới, như ghi chép nhật ký đồng ruộng, nhiều người cảm thấy “bị bó buộc”. Trước đây, nông dân chưa bao giờ bao trái nhưng bây giờ phải tuyển chọn, bao trái lại để không bị ruồi vàng tấn công. Khi thu hoạch phải chọn những trái nở gai, đủ độ già mới hái nhưng do bao trái nên sẽ khó nhìn thấy hơn…

Bên cạnh đó, làm theo quy trình của công ty, chi phí chăm sóc, độ khó cũng tăng lên nên nông dân dễ chán nản. Do đó, công ty cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên đồng hành, hướng dẫn cho nông dân, tập cho họ làm quen dần với quy trình canh tác mới. Đến vụ thứ hai, thứ ba thì nông dân sẽ thấy cây tốt hơn, chăm sóc nhẹ nhàng hơn… Đến nay, những nông dân hợp tác với công ty qua 1, 2 vụ đã quen với quy trình sản xuất này và hầu như không còn gặp khó khăn nữa.

Theo ông Tân, việc thay đổi nhận thức, suy nghĩ của người dân rất khó nên công ty có một vườn khảo nghiệm với diện tích hơn 2 ha ở xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh. Đây là nơi áp dụng quy trình sản xuất của công ty cùng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới… để nông dân vào xem vườn mẫu, thấy được hiệu quả, lợi ích của việc trồng mãng cầu sạch và từ đó tin tưởng làm theo.

Anh Nguyễn Thành Hải, ngụ ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Tân cho biết, gia đình anh có 8 công đất trồng mãng cầu và anh đã hợp tác với Công ty cổ phần NATANI được 2 vụ sản xuất. Trước đây anh chưa quen với quy trình canh tác mới nên thấy khó khăn, việc bao trái cũng làm tăng chi phí lên nhiều. Khi thuê công lao động để bao trái, do họ chưa quen nên mất rất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, đến nay, mọi việc đã thuận lợi hơn nhiều, gia đình anh và công lao động làm việc rất nhanh. Hơn nữa, trồng mãng cầu theo quy trình hữu cơ vi sinh, anh Hải nhận thấy cây tốt, xanh hơn, trái thu hoạch cũng to hơn, nhờ bao trái nên hạn chế đáng kể ruồi vàng gây hại. Theo anh, hợp tác với công ty nên nông dân an tâm hơn về đầu ra bởi giá bán ổn định.

Vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần NATANI có diện tích khoảng 100 ha, tại các xã Tân Bình, Thạnh Tân (TP. Tây Ninh), xã Phan (huyện Dương Minh Châu) và khu vực quanh núi Bà Đen. Trung bình mỗi tháng, công ty cung cấp cho thị trường khoảng 50 - 60 tấn trái.

Hiện nay, sản phẩm mãng cầu của công ty đã có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn trong nước như: Aeon (Nhật), E-mart (Hàn Quốc), BigC, Co.opMart; các chuỗi cửa hàng tiện ích như Bách Hoá Xanh, VinMart… cùng thị trường một số tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Ngoài thị trường trong nước, một số công ty đang hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của NATANI để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nga và các nước Trung Đông. Tuy nhiên, lượng hàng xuất khẩu chưa nhiều, hiện tại chiếm khoảng 20% tổng sản lượng.

Nhân viên công ty đóng gói sản phẩm.

Vừa qua, Công ty NATANI có tham gia một số hội chợ, trong đó có hội chợ quốc tế. Một số đối tác nước ngoài đã đặt vấn đề sẽ mua những sản phẩm chế biến từ trái mãng cầu như mứt hoặc nước ép, mãng cầu cấp đông… nếu công ty cung ứng được.

Do trái mãng cầu chín quá nhanh nên khó bảo quản, vận chuyển. Trong khi thị trường có nhu cầu nhưng công ty chỉ cung cấp trái cây tươi. Do đó, ông Tân cho rằng, nếu sản xuất được nhiều sản phẩm từ trái mãng cầu để xuất khẩu thì sẽ có một thị trường tiềm năng rất lớn, là một hướng phát triển mới trong thời gian tới.

Chiến lược phát triển của công ty là trái cây tươi chiếm khoảng 30% sản lượng, còn 70% sẽ đưa qua những sản phẩm chế biến sau thu hoạch như mứt, nước ép, rượu vang… để đa dạng hoá sản phẩm cũng như nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, phát triển bền vững trái mãng cầu Tây Ninh.

Để làm được điều này, công ty đã hợp tác với Trường đại học Bách Khoa, Đại học Cần Thơ… chuyển giao những công nghệ chế biến rau, quả sau thu hoạch. Năm 2019, công ty bắt đầu sản xuất để đưa sản phẩm ra thị trường.

Ông Tân tin tưởng rằng, khi nhìn thấy hiệu quả của việc sản xuất mãng cầu sạch, trong tương lai, sẽ có nhiều nông dân thực hiện theo mô hình này. “Sản phẩm mãng cầu của Tây Ninh phải sạch, có giá trị cao trên thị trường. Khi khách tham quan du lịch đến Tây Ninh thì họ biết đến trái mãng cầu; và khi nói đến trái mãng cầu thì người ta nhớ tới Tây Ninh”, ông Tân chia sẻ sự mong mỏi của mình.

T.L