Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Vụ ông Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang) hoàn thành học vị tiến sĩ luật nhanh như điện vừa ồn ào lên đã được "kích điện" thêm bằng thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh xác định thí sinh Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi tốt nghiệp bổ túc PTTH và cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp bổ túc PTTH năm 1989. Nó làm dấy lên nghi ngờ về quá trình học rởm, bằng giả kéo dài của nhân vật nhiều tai tiếng này.
Và, vụ việc ấy chỉ là điển hình của tình trạng xã hội đã kéo dài nhiều năm nay: bằng cấp, học vị và học vấn giả...
1. Sách “Vũ trung tùy bút” của cụ Phạm Đình Hổ, ở phần Khoa cử, có viết rằng "Tam giáo Triều nhà Lý khai khoa, thì có khoa Tam giáo, khoa Thái học sinh, cũng có cả khoa Tiến sĩ. Không những thế, lại còn có lệ tiến cử những người hiền ra làm quan. Đến đời nhà Trần cũng thế; nhưng so với các khoa khác, chỉ có khoa Tiến sĩ là chọn được nhiều người hiền tài hơn cả. Lê tiên triều, từ năm Hồng Đức trở về sau, chỉ chuyên trọng khoa Tiến sĩ là khoa chủ yếu để chọn hiền tài. Nhà Mạc cũng làm theo thế.
Đời Lê trung hưng khoảng hai trăm năm, những người đỗ khoa Tiến sĩ vẫn tự xem mình là bậc thanh cao; còn những kẻ văn tài võ lược làm nên đến công tướng mà không biết tự trọng là bởi tại thế biến. Đầu đời Trung hưng, có cụ Phùng Khắc Khoan đã là bậc công thần tham mưu chốn cơ mật, từng giữ những trọng chức ở các bộ, các tự, mà còn phải hạ mình xuống chốn trường thi, cầu lấy đỗ đại khoa mới cho là vinh.
Ông Lương Hữu Khánh, sự nghiệp văn chương cũng suýt soát với Phùng công, chỉ vì khi còn ở bên nhà Mạc, bị các quan Bộ Lễ làm chủ khảo đè nén, không chịu vào thi đình, nên không đỗ đại khoa. Đến khi về theo Lê triều, trải qua những chức trọng yếu, thể diện đã tôn rồi, nên ông không thèm ganh đua với các nhà cử tử nữa. Các nhà chép sử nghĩ rằng ông không phải là bậc đại khoa, lược bỏ, không chép đủ. Không có gia phả nhà họ Lương và các tập dã sử riêng các nhà chép lại thì tên tuổi của Luơng công không khéo cũng theo với bọn cựu thần ngồi không ăn hại cùng mai một hết thảy".
Bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa của người mang tên Vương Tấn Việt.
Đọc hết đoạn kể trên của Phạm Đình Hổ, chúng ta mới hiểu cái tập quán háo danh, sợ cái danh của người Việt đã có từ lâu rồi, đặc biệt là cái danh từ khoa cử. Đoạn nói về Phùng Khắc Khoan và Lương Hữu Khánh là ví dụ rõ nhất. Cả hai bậc sở học thâm sâu đều chỉ vì cái gọi là "Tiến sĩ" nó ám ảnh cho đến tận hết đời. Cái danh từ học vị đó, nói trắng ra chẳng khác gì mảnh bằng của thời nay. Chắc chúng ta không ít lần được chứng kiến một ai đó mỉa mai sau lưng một người thành đạt, đại ý rằng: "Nó có học hành gì đâu. Chả có bằng cấp gì". Bởi thế, cái cảnh nhà nhà phải phấn đấu mọi giá để con đỗ đạt cầu lấy cái hiển vinh sĩ diện vẫn còn dai dẳng đến tận bây giờ.
Cũng chính vì cái lẽ ấy, cùng với những cơ chế cả trong Nhà nước lẫn ở khu vực tư nhân luôn đặt mảnh bằng lên làm tiêu chuẩn xét duyệt hàng đầu, cái vấn nạn bằng giả nó mới hoành hành như thời gian qua.
2. Cách đây 3 năm, ngày 24/11/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ký ban hành Quyết định số 4135/QĐ-UBND về việc kỷ luật công chức bằng hình thức buộc thôi việc đối với ông Đàm Quang Vinh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lào Cai khóa XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Thanh tra tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025, Bí thư Đảng ủy Thanh tra tỉnh Lào Cai, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai được xác định sử dụng bằng tốt nghiệp PTTH không hợp pháp.
Trước đó, năm 2019, dư luận bất ngờ về trường hợp bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo), Trưởng Phòng Hành chính - Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, sử dụng văn bằng giả, tên giả trong suốt 20 năm. Thực chất, bà Ái Sa còn chưa tốt nghiệp... cấp 2 và trước đây chỉ hành nghề cắt tóc gội đầu. Nếu chúng ta lên Google tìm kiếm với cụm từ "cán bộ dùng bằng giả", chúng ta có thể nhận ra rằng đã có quá nhiều vụ việc bê bối như thế. Ở đây, nó không chỉ còn là chuyện bị ám ảnh bởi cái danh học vị nữa mà đã là chuyện hợp thức hóa các tiêu chuẩn còn thiếu nhằm đủ điều kiện để được bổ nhiệm vào bộ máy.
Thực tế, tấm bằng có quan trọng không? Sẽ là nói dối nếu trả lời là không. Nhưng, tầm quan trọng của tấm bằng nó chỉ nằm ở vị thế của cái vé vào cửa không hơn không kém. Để được đặt chân vào một cuộc cạnh tranh nào đó (ứng tuyển việc làm), hoặc một vị trí nào đó (bổ nhiệm), con người ta cần phải đủ tiêu chuẩn học vị nhất định, tức phải có chứng nhận bằng cấp ở mức độ yêu cầu tối thiểu của công việc. Với tấm "vé vào cửa" đó, chúng ta có thể được trao cơ hội. Nhưng, thể hiện thế nào thì lại phải đòi hỏi nỗ lực tự thân. Tấm bằng chỉ là mảnh giấy vô tri, vô giác. Tấm bằng không lao động thay chủ thể con người được. Chỉ có chứng minh bằng những kết quả cụ thể từ hành động cụ thể, chủ nhân của tấm bằng mới cho khách quan nhận ra mình có trình độ học vấn thực sự hay không mà thôi.
Ông Việt nhận bằng Tiến sĩ.
Song, việc chứng minh năng lực, trình độ học vấn cụ thể lại không đơn giản. Nếu không có những nhiệm vụ gắn liền với các tiêu chuẩn kết quả cụ thể, con người ta sẽ không thể nào chứng minh năng lực thật của mình. Một vận động viên thể thao chỉ cần một lần ra sân thi đấu, thậm chí là tập luyện, những người xung quanh đều dễ dàng nhận ra năng lực thật sự của vận động viên ấy. Một ca sĩ cũng vậy. Chỉ cần bước lên sân khấu, hát sống (live) với band nhạc, mạnh - yếu, hay - dở sẽ lòi ra hết. Các công việc khác thì không có điều kiện để phô bày dễ như vậy. Và, cũng nhờ vào cái không dễ phô bày này, những chủ nhân của những mảnh bằng rởm sẽ dễ có cơ hội ẩn mình. Thậm chí, kẻ nào có chút khiếu nói, biết "chém gió" hay, kẻ ấy còn dễ lòe được thiên hạ rằng mình có tài năng thật, có học vấn thật.
Một nguyên nhân khác là tâm lý xã hội "nặng" về chạy theo bằng cấp. Khi xã hội đặt nặng tiêu chí bằng cấp thì sẽ có không ít người dùng mọi cách để có được những tấm bằng này. Thêm vào đó, việc xử lý các đối tượng sử dụng bằng giả chưa kiên quyết. Nạn bằng giả dai dẳng là do chế tài đối với những người vi phạm chưa đủ mạnh.
Nhưng, kể từ ngày có mạng xã hội, với niềm hăng say "chém gió phần phật" của không ít người Việt, cái tri thức thực sự của con người ta cũng dễ bộc lộ. Cái cách mà ông Vương Tấn Việt "chém" về nhân - quả đã khiến công luận hồ nghi về năng lực học vấn thực sự của ông này. Chính vì hồ nghi, bắt đầu có những đôi mắt hướng về ông ta. Nghìn cặp mắt có thể chưa tìm ra chân tướng sự việc nhưng chỉ cần một vài con mắt soi đúng chỗ, đúng điểm, cái chuyện bằng cấp và học vấn của ông Vương Tấn Việt lập tức bị tung hê lên mạng. Từ đó, áp lực dư luận đã khiến Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh phải rà soát lại hồ sơ lưu và phanh phui sự thật ông Vương Tấn Việt chưa bao giờ tốt nghiệp cấp 3.
Lửa thử vàng và chúng ta cần phải cụ thể hóa các tiêu chuẩn kết quả công việc, cụ thể hóa các tiêu chuẩn nhiệm vụ để thử trình độ học vấn thật của những chủ nhân các tấm bằng. Chính những công việc mà kết quả của nó có thể được dư luận nhìn nhận công khai mới là thứ đánh giá chuẩn xác nhất trình độ của một con người. Học là một quá trình kéo dài, thậm chí cả đời và việc nhận một tấm bằng chỉ là cái đích cơ bản ban đầu của cả quá trình ấy mà thôi. Một mảnh bằng không thể tạo ra một học giả cũng như một tấm áo không tạo nên một thầy tu. Những công trình nghiên cứu có ý nghĩa, những đóng góp bằng ý kiến chuyên môn cho xã hội mới chứng tỏ một chủ thể có phải là học giả hay không. Và, phương thức hành đạo, các hành động đúng với chính pháp mới xác định ai mới là thầy tu thật.
Mảnh bằng hay tấm áo giống nhau cả mà thôi. Nó chỉ là một xác nhận bằng hình ảnh bề ngoài chứ không phải một chứng chỉ chất lượng đúng nghĩa.
Nguồn CAND