Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Khi đất nước lâm nguy, ông đã không ngần ngại hiến dâng cả tuổi trẻ, sức khoẻ của mình cho cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của Tổ quốc. Rời cuộc chiến với thương tật 81%, mù một mắt, nhưng người thương binh ấy vẫn rắn rỏi, lạc quan tiếp tục sống cuộc đời đầy ý nghĩa, xứng đáng là người lính Cụ Hồ. Đó là thương binh 1/4 Trịnh Văn Đẹt, sinh năm 1951, hiện ngụ tại ấp Phước Lộc A, xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu.
Ông Đẹt tận tuỵ với nghề mộc của mình.
Đạn, bom không khuất phục
Bước sang tuổi 66, tai không còn nghe rõ, nhưng trí nhớ của ông vẫn còn rất minh mẫn. Ông kể tôi nghe về một thời khói lửa chiến tranh đầy máu, nước mắt, nhưng vô cùng oanh liệt của đất nước và cũng của riêng ông, một phần ký ức không thể nào quên, “không được phép quên”, ông nói.
Quê ông ở Củ Chi- vùng đất thép anh hùng. Sinh ra và lớn lên trong cảnh chiến tranh, chứng kiến người thân trong gia đình, người bị tù đày, người chết dưới bom đạn, khiến lòng căm thù giặc của người thiếu niên trẻ ngày càng sâu sắc.
Nối gót theo các anh của mình, mới 16 tuổi, chàng trai trẻ tham gia cách mạng. “Lúc đầu làm những việc nho nhỏ, quân báo, rải truyền đơn, rồi đi nhặt mảnh bom đạn của giặc phục vụ cơ sở chế tạo thành vũ khí đánh lại chúng”, ông kể.
Năm 1970, từ du kích mật ông chuyển sang tham gia lực lượng an ninh vũ trang địa phương. Trong một lần vào ấp chiến lược tuyên truyền, Đẹt đã bị thương nặng ở bụng do trúng đạn, tưởng chết.
Ngay sau khi vết thương lành lặn, ông tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Chiến tranh hết sức ác liệt, người chiến sĩ trẻ liên tục đối mặt với tử thần. Lại một lần nữa, trong lúc làm nhiệm vụ, ông bị một mảnh đạn găm vào mắt, lấy đi một con mắt.
Năm 1971, ông bị giặc bắt vì nghi ngờ hoạt động cách mạng. Chúng hành hạ dã man nhưng vẫn không khuất phục được ông. Cuối năm 1972, ông ra tù và lại nhanh chóng trở về địa phương phục vụ cách mạng.
NGHÈO KHỔ CHẲNG ĐẦU HÀNG
Sau ngày giải phóng, ông trở về cuộc sống đời thường với nhiều thương tật, phải đối mặt với đầy khó khăn. Lúc này, ông mới 20 mấy tuổi đầu. Với thương tật như thế, nhiều người không khỏi lo lắng cho số phận của người thanh niên trẻ.
Thế nhưng, ông không cam chịu, quyết vượt lên số phận. Ông tự động viên mình, nhiều người trở về từ chiến tranh thương tật nặng nề hơn ông, dẫu sao ông vẫn còn may mắn hơn là còn tay chân lành lặn, coi như còn cơ hội vươn lên.
Ông suy nghĩ tìm hướng đi cho cuộc đời mình. Ông quyết định rời quê, chọn vùng đất Dương Minh Châu làm nơi lập nghiệp, xây dựng cuộc sống mới.
Lên đây với hai bàn tay trắng, buổi ban đầu ông kiếm sống bằng nghề làm thuê. Cuộc sống khó khăn nên những tưởng hạnh phúc sẽ là điều xa vời, nhưng chính tại nơi đây, số phận đã cho ông gặp gỡ với người bạn đời của mình.
Cảm thông và chia sẻ với hoàn cảnh của ông, cô gái Trần Thị Bông đã bằng lòng cùng ông nên duyên vợ chồng. Điều mà người thương binh cho rằng “nghèo khổ, thương tật” như ông chẳng dám mơ tới.
Niềm hạnh phúc nhân đôi, khi các con ông lần lượt chào đời. Nhưng cũng từ đó gánh nặng gia đình ngày càng đè nặng lên đôi vai của đôi vợ chồng nghèo. Có giai đoạn, nhà ông khổ đến mức cơm độn với củ mì, mà củ mì nhiều hơn cơm.
Từng bị thương trong chiến tranh nên sức khoẻ của ông bị ảnh hưởng không ít, lại ăn uống kham khổ nên nhiều lúc ông kiệt sức. Nhưng vì thương con, không chịu thua số phận, ông lại nén nỗi đau thương tật, mệt nhọc, cố vượt lên tất cả làm tròn trách nhiệm một người cha, nuôi các con khôn lớn nên người.
Nhà nghèo, nhưng vợ chồng ông vẫn ráng cho 6 đứa con đi học. Ông Đẹt luôn quan tâm đến việc giáo dục con cái trong việc đối nhân xử thế. Ông nói, do vợ chồng ông dốt nên thiếu hiểu biết, chịu đủ thiệt thòi.
Vì thế, cho các con ăn học, trong thâm tâm, vợ chồng ông chỉ mong các con có được ít chữ nghĩa “dằn bụng” để học hỏi cho nhanh và nói chuyện cho cô bác dễ nghe, hơn là muốn các con học hành tới nơi tới chốn có cái nghề, mai này đỡ cực tấm thân.
Hai vợ chồng ông tích cực lao động, vừa cần mẫn trồng trọt, vừa bươn chải thêm đủ việc. Miệt mài không ngơi nghỉ, cuối cùng vợ chồng ông cũng tạo được một cuộc sống dễ chịu hơn trước.
Điều làm ông cảm thấy hài lòng nhất là các con của ông dù không học hành cao, nhưng đứa nào cũng ngoan ngoãn, ham học hỏi, biết quan tâm giúp đỡ người khác, đúng với mong muốn dạy con của ông là “không thành danh cũng thành nhân”.
Nay bước sang tuổi 66, sức khoẻ yếu đi nhiều, nhưng ông Đẹt vẫn còn ham lao động. Có cái nghề đan liếp, bồ bằng trúc, hằng ngày, vợ chồng ông vẫn chăm chỉ người đan người chẻ trúc, kiếm tiền trang trải cho cuộc sống, đỡ đần gánh nặng cho con cháu.
Mấy năm nay, ông Đẹt còn đam mê với nghề mộc. Ông tự tay đóng bàn, giường sử dụng trong nhà, tặng cho người thân trong gia đình. Những cây gỗ vô tri qua bàn tay của ông đã trở nên có ích.
Ông làm mộc chỉ để thoả đam mê của mình chứ không kinh doanh. Không chỉ đam mê cho riêng mình, ông còn truyền lửa cho những người có cùng sở thích. Ai thích đóng vật dụng dùng trong gia đình, ông sẵn sàng chỉ cách làm.
Ông còn giúp bà con hàng xóm sửa lại những chiếc bàn, ghế đã hư hỏng. Để tạo ra một sản phẩm đã khó, đối với người thương tật như ông càng khó, mất thời gian nhiều hơn. Nhưng bởi đam mê, ngày qua ngày, người ta vẫn thấy ông cặm cụi, miệt mài sáng tạo ra các sản phẩm từ gỗ. Để rồi khi sản phẩm ra lò được mọi người khen ngợi, ông cảm thấy vui quên cả mệt, muốn tạo ra thêm nhiều thứ mới mẻ hơn.
Có lẽ nhờ có đam mê này, cuộc sống lúc tuổi già của ông Đẹt càng trở nên thú vị, nụ cười luôn thường trực lên môi người thương binh “tàn nhưng không phế”.
THẾ ANH