Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thông tin về côn trùng “lạ” cắn người ở Tân Biên:
Mật độ côn trùng giảm đáng kể
Chủ nhật: 06:58 ngày 24/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Liên quan đến thông tin xuất hiện nhiều côn trùng “lạ” (nghi bọ chét chó) liên tục cắn người gây mẩn ngứa tại tổ 12, ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, sau quá trình xử lý, hiện mật độ côn trùng đã giảm đáng kể.

Khu vực xuất hiện côn trùng lạ tại Tổ 12, ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tây.

Ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngay khi nhận thông tin, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh thành lập đoàn giám sát côn trùng, phối hợp Trạm Chăn nuôi thú y và Trung tâm Y tế huyện Tân Biên, Trạm Y tế xã Thạnh Tây tiến hành giám sát đột xuất, khoanh vùng ổ côn trùng, thực địa điều tra, lấy mẫu côn trùng gửi về Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Thành phố Hồ Chí Minh để định danh chính xác loài côn trùng và có hướng xử trí tiếp theo, tránh gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và tinh thần người dân xã Thạnh Tây.

Theo báo cáo của CDC Tây Ninh, chiều 21.3, đoàn giám sát bước đầu ghi nhận tại khu vực tổ 12 có nhiều côn trùng vỏ cứng màu nâu, thân dẹt theo chiều dọc, kích thước khoảng 2mm, không có cánh, di chuyển bằng cách nhảy. Loài này xuất hiện nhiều ở sân vườn, một số ít phát hiện trong nhà, phòng ngủ.

Ngoài ra, đoàn ghi nhận có rất nhiều côn trùng màu vàng cam, nhỏ như hạt cát, di chuyển nhanh, không rõ loại. Đoàn tiến hành phun tồn lưu hoá chất ViAPER 56 EC khu vực được khoanh vùng, trong và xung quanh nhà người dân.

Trong ngày 21 và 22.3, Đoàn giám sát côn trùng tiến hành khoanh vùng, lấy mẫu côn trùng.

Đến 11 giờ ngày 22.3, đoàn tiếp tục thực địa điều tra, đánh giá lại hiệu quả, số lượng côn trùng và mật độ côn trùng sau khi xử lý, nhận thấy mật độ côn trùng giảm đáng kể. Không tìm thấy loại côn trùng nhỏ như hạt cát, màu vàng sẫm và tiếp tục phun tồn lưu hoá chất ViAPER 56 EC lần 2.

Theo CDC, tại khu vực được khoanh vùng có 6 hộ gia đình với 29 nhân khẩu (gồm 21 người lớn và 8 trẻ em). Điều tra xung quanh, khu vực này có nuôi 6 con chó, không có nuôi mèo; 4/6 con chó không tìm thấy bọ chét, sinh cảnh môi trường xung quanh khô ráo, 6 hộ dân sống hai bên đường nhựa, tách biệt với các hộ dân khác, bao quanh có nhiều cao su. Tại nhà hộ dân ở giữa có 1 cây xanh, tán rộng, xung quanh gốc cây là nơi ổ bọ chét được ghi nhận nhiều nhất.

Lực lượng y tế phun tồn lưu hoá chất ViAPER 56 EC khu vực trong và xung quanh nhà người dân.

Nhận định ban đầu của đoàn giám sát đây là ổ côn trùng, khả năng là loài bọ chét chó. Do người dân đã tự mua thuốc (không rõ loại) phun xung quanh nhà, đồng thời dùng long não, thuốc diệt bọ chét bôi lên chó, mèo nên đến thời điểm giám sát, đoàn ghi nhận số lượng bọ chét trên vật nuôi tại địa phương còn ít, có vật nuôi không tìm thấy vào thời điểm hiện tại. Mặc dù người dân đã chủ động xử lý côn trùng ban đầu trên vật nuôi và môi trường, nhưng do xử lý không đúng kỹ thuật khiến cho côn trùng lây lan ra môi trường xung quanh, gây tổn hại sức khoẻ.

Ngành Y tế khuyến cáo, người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, phát quang bui rậm, vệ sinh nhà ở (lưu ý kỹ trong thảm, kẽ bàn ghế, giường ngủ và các vết nứt trên sàn hay tường nhà...), thoa kem xua đuổi côn trùng... để tránh bị côn trùng cắn. Bẫy, diệt chuột trong khu vực. Thường xuyên vệ sinh chó, mèo, vật nuôi bằng thuốc diệt bọ chét, chủng ngừa cho vật nuôi. Nuôi nhốt ngoài nhà, không thả rong, định kỳ quan sát mật độ trong khu vực nuôi nhốt.

Nhiều người dân bị côn trùng nghi bọ chét chó cắn nổi mẩn ngứa.

Khi bị côn trùng cắn, người dân nên rửa vết thương bằng xà phòng sát khuẩn, hạn chế nhiễm trùng; hạn chế gãi, chườm lạnh thường xuyên để giảm vết sưng tấy do côn trùng cắn; đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường của cơ thể, phản ứng dị ứng, hay nhiễm trùng xung quanh vết cắn để được xử trí kịp thời.

Do kén của bọ chét ít nhạy cảm với hoá chất hơn ấu trùng và con trưởng thành, nên phun nhắc lại hoá chất 2 tuần/lần trong khoảng thời gian 2 tháng ở khu vực trong và xung quanh nhà ở để bảo đảm tất cả bọ chét mới nở đều bị diệt. Trung tâm Y tế huyện Tân Biên và Trạm Y tế xã Thạnh Tây tiếp tục cử cán bộ theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, đánh giá mật độ, số lượng côn trùng hằng ngày và báo cáo khi có chuyển biến bất thường về CDC Tây Ninh để có hướng xử lý kịp thời.

Bác sĩ Trần Huyền Trân- Phó Giám đốc CDC Tây Ninh  

Tâm Giang

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục