Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mật mã dân sự giúp bảo vệ an toàn cho chính phủ điện tử tại Việt Nam
Thứ sáu: 09:16 ngày 27/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tại Việt Nam, hiện có 95 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và hơn 300 giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự.

Sáng 26/9, tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tổ chức Hội thảo Quản lý và ứng dụng sản phẩm dịch vụ mật mã dân sự phục vụ chính phủ điện tử. 

Mật mã dân sự là kỹ thuật mật mã và sản phẩm mật mã được sử dụng để bảo mật hoặc xác thực đối với thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Mật mã dân sự đóng vai trò vô cùng quan trọng trong triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam. 

Hội thảo Quản lý và ứng dụng sản phẩm dịch vụ mật mã dân sự phục vụ chính phủ điện tử vừa diễn ra sáng nay tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt

Chia sẻ tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết, chính phủ điện tử là mô hình phổ biến ở nhiều quốc gia, xây dựng chính phủ điện tử trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của bất kỳ chính phủ nào. 

Cùng với xu thế này, Viễn thông và Internet không chỉ có chức năng cung cấp thông tin, mà còn là nền tảng, hạ tầng quan trọng cho các giao dịch điện tử nói chung và chính phủ điện tử nói riêng. 

Các giao dịch điện tử trong nền kinh tế số ngày càng nhiều và nhu cầu được đảm bảo an toàn ngày càng lớn. Do đó, dự báo nhu cầu phát triển, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, an toàn thông tin ngày càng tăng về quy mô, số lượng, loại hình, chủng loại.

Theo Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, các sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự sẽ ngày một nở rộ tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Sản phẩm dịch vụ mật mã sẽ không chỉ sử dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật Nhà nước mà được sử dụng rộng rãi để bảo vệ thông tin trong chính phủ điện tử và các giao dịch điện tử.

Với việc Bộ TT&TT vừa được Thủ tướng Chính phủ giao trọng trách về xây dựng chính phủ điện tử, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho rằng, Bộ TT&TT và Ban Cơ yếu Chính phủ cần phối hợp với nhau chặt chẽ hơn nữa.

“Mối quan hệ này không chỉ gói gọn trong việc trao đổi nghiệp vụ quản lý, cấp phép sản phẩm dịch vụ mật mã dân sự mà còn mở rộng ra cả việc thiết lập nền tảng hạ tầng an toàn, tin cậy, góp phần triển khai chính phủ điện tử của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương”, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nói.

Theo ông Lê Xuân Trường - Phó trưởng Ban cơ yếu Chính phủ, trong giai đoạn hiện nay, việc triển khai chính phủ điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước là xu thế tất yếu, là mô hình phổ biến của nhiều quốc gia. 

 Ông Lê Xuân Trường - Phó trưởng Ban cơ yếu Chính phủ. Ảnh: Trọng Đạt

Không nằm ngoài xu thế đó, Việt Nam cũng đang xây dựng chính phủ điện tử để nâng cao tính minh bạch, hiệu quả hiệu lực của các cơ quan Nhà nước, góp phần hạn chế tiêu cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. 

Một trong những mục tiêu để xây dựng Chính phủ điện tử thành công là phải đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin quốc gia. Trong thời gian qua, Ban Cơ yếu Chính phủ đã đẩy mạnh việc thực hiện các quy định quản lý Nhà nước về mật mã dân sự theo quy định tại Luật An toàn thông tin mạng năm 2015. 

Ban Cơ yếu cũng đã thực hiện việc quản lý và cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự cho 95 doanh nghiệp, cấp hơn 300 giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự, bước đầu triển khai kiểm định, đánh giá sự phù hợp sản phẩm mật mã dân sự... 

Nhờ vậy, công tác quản lý mật mã dân sự đã đi vào khuôn khổ pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Việc ứng dụng mật mã dân sự sẽ góp phần đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, tạo nền tảng vững chắc cho việc cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam. 

Nguồn Vietnamnet

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục