Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Mát một vòm tre…
Chủ nhật: 15:39 ngày 25/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - 1. Quê ngày tôi còn nhỏ đi đâu cũng đụng mặt cùng tre. Bạt ngàn tre. Tre quanh xóm, tre quanh nhà, thậm chí những con đường làng nhiều nơi cũng rợp bóng tre.

Đi xa về, ngang “cung đường xanh” kia là lập tức cảm nhận ngay trên đầu cái không gian mát rượi. Những con đường có luỹ tre ken dày hai bên, ngọn ngả đan xoắn xuýt trên đầu như cái vòm che được gọi là kiệt. Trước mặt nhà tôi cũng một cái kiệt như vậy. Kiệt mang thêm cái tên riêng còn “hình ảnh” hơn để chỉ trạng thái lúc nào cũng tối om om như đi trong rừng nguyên sinh - cho dù là giữa ban trưa: kiệt lấp!

Những ngày nắng lửa, kiệt lấp quả là không gian thần tiên cho lũ nhỏ cả xóm trốn nắng, tiện thể bày ra đủ món chơi: đá cầu, nhảy dây, lùa quạ, chơi ô, bắn bi và vân vân. Con kiệt dài thượt, bề ngang 5 mét rộng rinh nên không bao giờ lo hết chỗ. Mỗi nhóm chơi tự động xí phần một khoảnh đường, tự động quét dọn sạch lá, gai tre rớt xuống đường trước lúc bày chơi. Con kiệt nhờ vậy lúc nào cũng sạch bong, người lớn rất ưa cho dù có bị lũ nhỏ làm ồn tí chút.

Không riêng đám nhỏ, người lớn đi làm đồng về ngang con kiệt cũng ưa dừng nghỉ chân, ngồi mát. Những trưa hè nóng, kiệt như cái ống thông hút gió từ đầu này luồn theo thân ống thổi phà đầu kia mát rượi. Gióng gánh liềm hái cày bừa bỏ vãi; đàn ông vấn điếu thuốc rê bập phà lim dim đón gió; đàn bà bỏm bẻm vừa nhai trầu vừa tán chuyện tầm phơ. Gió mát rười rượi. Tre trên đầu lao xao, kẽo kẹt như ru khiến ai cũng chừng như rất tiếc nuối lúc phải rời đi. Hàng xóm tôi có ông Tám Hỏi, nhà chỉ cách kiệt lấp chừng vài mươi bước; nhưng đi làm về ngang kiệt ông cứ nhất định phủi chân ngồi bệt, hút tàn xong điếu thuốc mới chịu về nhà…

2. Ngày quê bắt đầu có xe đạp, kiệt lấp càng vui hơn với cái trò tập xe của cả người lớn lẫn con nít. Con kiệt nền đường đất nhưng rộng, bằng phẳng, khá dễ dàng cho các tay lái mới bóc tem; có điều… lắm gai! Nguyên một vòm tre, gai rụng xuống búa xua quét đời nào cho hết. Vậy nên chơi chạy chân trần phải chấp nhận lâu lâu bị lủng chân chảy máu. Không sao, đụng “sự cố”, tôi và lũ bạn lập tức ngồi bệt, giở chân rút gai xong… hốt chút đất bũn (đất bột khô) đắp vào chỗ máu tươm đập đập xoa xoa. Đợi máu hết chảy là đứng dậy cà nhắc tiếp tục chạy chơi (?!). Chữa trị kiểu kỳ khôi; nhưng lạ chưa, cứ ít bữa là lành trơn, không nghe đứa nào bị nhiễm trùng.

Có điều với mấy chiếc xe đạp thì sự thể không đơn giản; cứ dính gai tre là… xẹp. Mỗi lần bánh xẹp, cha tôi phải hậm hụi dắt xe ra tận xóm chợ (xa lắc xa lơ!) để tìm ông thợ vá rất cực. Vậy nên cha nghiêm cấm lũ con ở nhà táy máy nghịch xe; vi phạm lỡ làm xẹp bánh xe là đòn sưng mông ngay. Biết vậy, nhưng cảm giác được cưỡi lên “con ngựa sắt” với lũ con nít là cái gì đó… quyến rũ quá tay; vậy nên thà chết không chịu hàng; những hôm cha vắng nhà anh em tôi vẫn trưa trưa lén dắt xe ra kiệp lấp…

3. Ban ngày kiệt lấp đúng “thiên đường” nhưng tới ban đêm lại hoá thành… “địa ngục”. Tối hù, hun hút như đường hầm xe lửa xuyên qua ruột núi. Những đêm trăng rằm tròn vạnh, con đường qua kiệt vẫn cứ tối thui. Mẹ sai ra tiệm tạp hoá mua thứ gì là lũ nhỏ đứa nọ nạnh đứa kia. Nạnh riết không đứa nào chịu “vị nghĩa diệt thân” thì đành lốc nhốc cả đoàn kéo nhau đi. Đứa nọ nắm áo đứa kia, mò mẫm cố đi cho đúng giữa tim đường chứ không đâm quàng vô bụi.

Gió đêm khiến những thân tre kẽo kẹt cọ nhau như tiếng người đang rên rỉ. Đom đóm bay lập loè, chớp nháng như ma đuốc. Ấy là mùa hè. Còn mùa đông ư, sẽ được “khuyến mãi” thêm hàng gốc tre mục phát sáng mờ mờ như hàng trăm con mắt quái gở trong đêm. Khổ nhất là những đêm có đoàn hát, đoàn chiếu phim về xã. Tôi vốn mê mấy vụ phim hát nhưng chết nhát, cho kẹo cũng không dám một mình đi đêm qua kiệt lấp. Đành xuống nước nài nỉ anh Hai từ chiều, hứa giúp anh việc nọ việc kia để tối anh dắt đi coi. Cùng lắm anh Hai không chịu đi thì cũng cầm tay đưa giùm tôi qua kiệt. Lúc về chịu khó đứng chờ người cùng xóm mà theo ké…

Ban đêm “đáng sợ” như vậy nhưng chỉ cần ngày lên, kiệt lấp lại được trả về nguyên trạng một vòm tre mát rượi, hiền hoà…

* * *

…Đã thành quá khứ lâu rồi- con kiệt lấp trứ danh của thời thơ ấu. Giờ kiệt thành con đường bê tông 5 mét có điện đường soi sáng. Tre pheo bị đào đốn sạch, hai bên cửa nhà san sát mọc chen. Quê lên phố quá nửa, xoá dấu gần sạch những hoài niệm xưa. Thời gian mải miết trôi xuôi, có hay đâu con thuyền hoài niệm tôi thi thoảng lại cô đơn nỗ lực ngược dòng…

Y NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục