Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nước uống đóng chai, đóng bình:
Mẫu mã đa dạng, chất lượng… mập mờ !
Thứ ba: 23:34 ngày 24/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nước uống đóng chai, đóng bình là sản phẩm không chỉ tiện lợi mà còn có mức giá khá rẻ. Vì thế, hầu như gia đình nào cũng đều sử dụng loại nước này để phục vụ ăn uống. Thị trường nước đóng chai, đóng bình rất phong phú, đa dạng, khiến cho không chỉ người sử dụng mà ngay cả người kinh doanh cũng cảm thấy “rối rắm” với đủ các thứ nhãn hiệu...

Các vỏ bình để lẫn lộn của một cơ sở sản xuất tại huyện Hoà Thành.

RẺ, TIỆN LỢI, NHƯNG...

Bên cạnh các loại nước tinh khiết, nước khoáng, nước suối đã khẳng định thương hiệu trên thị trường như Aquafina, Lavie, Vĩnh Hảo, trên địa bàn tỉnh hiện đang có rất nhiều nhãn hiệu nước uống đóng chai khác như Kiva, Vip, DK... Về giá cả, mỗi chai nước có dung tích từ 330ml đến 500ml có giá dao động từ 2.500 đồng - 4.000 đồng/chai; riêng đối với nước đóng bình, loại 21 lít có giá bán sỉ khoảng 6.000 đồng/bình, bán lẻ 8.000 đồng/bình. Về cung cách phục vụ, chỉ sau 5 – 10 phút gọi điện đặt hàng là sẽ có nước uống ngay. Rẻ và tiện lợi, nhưng vấn đề chất lượng ra sao ?

Chủ một cửa hàng tạp hoá trên đường Cách Mạng Tháng Tám cho biết, mức giá nước uống đóng chai khá “bình dân”, nhưng do có quá nhiều nhãn hiệu nên ngay chính người kinh doanh mặt hàng nước giải khát nhiều năm cũng không biết nhãn hiệu nào, sản phẩm nào được bảo đảm chất lượng.

Chị Phạm Thị Trang– chủ cửa hàng tạp hoá tại xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu) cho biết: “Hiện nay, hầu như gia đình nào cũng sử dụng nước uống đóng chai, đóng bình, do vậy khá nhiều cơ sở sản xuất ra đời. Chất lượng thì “ai làm nấy biết”, tôi bán nhưng cũng không tin tưởng chất lượng. Có những loại nước được chào giá chỉ 2.500 đồng/chai 500ml, nếu quả thật nước có qua công nghệ lọc thẩm thấu, xử lý tiệt trùng mà bán với giá như vậy thì rẻ đến mức… đáng ngờ”.

Đến xưởng sản xuất của một cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình tại xã Long Thành Trung (huyện Hoà Thành), chúng tôi được chủ cơ sở chào giá như sau: nước đóng bình, loại bình 20 lít nếu mua cả vỏ bình là 40.000 đồng/bình, nếu chỉ mua nước, đổi bình là 6.000 đồng/bình. Riêng nước đóng chai có dung tích 430ml thì bán theo lốc, mỗi lốc 24 chai giá 24.000 đồng, tức là mỗi chai nước chỉ có giá 1.000 đồng.

Tại một số cửa hàng tạp hoá trên địa bàn thành phố Tây Ninh, huyện Hoà Thành và huyện Dương Minh Châu, chúng tôi mua thử một vài chai nước, bình nước sản xuất trong tỉnh. Gần như trên các vỏ chai, vỏ bình nhãn hiệu nào cũng có ghi dòng chữ “Nước uống đóng chai được tinh lọc từ nguồn nước thuỷ cục qua hệ thống RO theo công nghệ của USA, tiệt trùng bằng tia cực tím và ozone”. Có điều, độ tin cậy của những dòng quảng cáo này đến đâu thì không có căn cứ nào để xác định.

Trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Khôi, ngụ ở phường 3 (TP. Tây Ninh) hay dùng nước đóng bình để thay cho nước đun sôi uống hằng ngày. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, gia đình bà không dám sử dụng nữa vì lo ngại nước không bảo đảm vệ sinh. Bà chia sẻ: “Bình quân khoảng 1 tuần, gia đình tôi thay một bình nước 21 lít, khi mới thay, sử dụng không vấn đề gì, nhưng khi còn khoảng phân nửa hoặc 1/3 bình, nước lại có mùi rất lạ không thể uống nổi. Dù gia đình tôi đã nhiều lần phản ánh với người đổi nước, nhưng tình trạng này vẫn cứ lặp lại với các bình nước hiệu khác”.

QUY ĐịNH thì mặc quy định

Điều kiện sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai được cơ quan chức năng quy định rất rõ ràng, nhưng tìm hiểu thực tế, chẳng biết các cơ sở sản xuất làm theo “quy định” gì?

Đến một cơ sở sản xuất nước uống đóng chai ở thị trấn Hoà Thành, chúng tôi thấy tại cơ sở có 3 công nhân đang làm việc và cả 3 người này đều không sử dụng đồ bảo hộ lao động. Xung quanh cơ sở đồ đạc để ngổn ngang, còn ở dưới nền nhà, các vỏ bình để lẫn lộn, không phân biệt được đâu là vỏ bình đã được súc rửa, đâu là vỏ bình chưa được vệ sinh. Nước đóng chai thành phẩm để trực tiếp xuống nền nhà, không được kê trên pallet. Tình trạng tương tự chúng tôi cũng nhận thấy tại 2 cơ sở sản xuất khác ở xã Long Thành Trung (huyện Hoà Thành) và TP. Tây Ninh.

Chủ một cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình tại xã Thành Long (huyện Châu Thành) chia sẻ, dòng chữ “tinh lọc từ nguồn nước thuỷ cục qua hệ thống RO theo công nghệ của USA, tiệt trùng bằng tia cực tím và ozone” được ghi trên nhãn các bình nước, chai nước chỉ là quảng cáo, còn thực tế khó có cơ sở nào làm được. Bởi lẽ nếu làm đúng công nghệ “của USA”, phải trang bị dây chuyền có vốn đầu tư lên đến 300 – 400 triệu đồng, số vốn này chỉ có các doanh nghiệp lớn mới dám đầu tư, chúng tôi sản xuất nhỏ lẻ khó làm được vì vốn ít, đồng thời giá bán phải thấp hơn so với các nhãn hàng lớn, nếu không khó bán hàng, khó thu hồi vốn. Một vài cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình nhỏ lẻ trong tỉnh có lắp đặt hệ thống lắng cặn trước khi đóng bình, còn đòi hỏi phải tinh lọc diệt khuẩn thì… bó tay”.

Theo người này, chỉ cần số vốn từ 50 – 70 triệu đồng, một nhà xưởng khoảng 30m2 là đã có thể sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình. Quan sát điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở trên, chúng tôi chỉ thấy máy đóng nắp chai đã cũ là có vẻ “công nghệ”, còn lại đều là thủ công, kể cả khâu chiết rót nước. Được biết, mỗi ngày cơ sở này đưa ra thị trường từ 150 đến 350 bình nước.

Hiện  phần lớn các cơ sở sản xuất nước đóng chai, bình, trên địa bàn tỉnh ở quy mô nhỏ lẻ, sản xuất thủ công, chưa đầu tư về trang thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại. Do đó, trên thực tế, ít có cơ sở đáp ứng được đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.

NGƯỜI TIÊU DÙNG CHỊU THIỆT

Vì lợi nhuận nên hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất không chuyên nghiệp đã đưa ra thị trường các sản phẩm kém chất lượng, khiến thị trường nước uống đóng chai ngày càng bát nháo. Nhiều loại nước uống đóng chai, đóng bình nhái tên na ná các nhãn hiệu lớn như Aquatina, Lave, Lavi… được bày bán tràn lan.

Chị Lê Thị Thanh Yến ở phường 3 (TP. Tây Ninh) cho hay, cách đây 2 tháng, chị có việc phải đi TP. HCM nên bắt chuyến xe khách từ rất sớm. Lúc lên xe chị được tài xế phát cho một chai nước nhãn hiệu K.V. Khi uống, chị phát hiện ở đáy chai bên trong bám nhiều mảng ố vàng, chứng tỏ vỏ chai đã không được súc rửa kỹ trước khi cho nước vào. Chị Yến chia sẻ, sau khi gặp tình huống trên, mỗi khi có việc phải đi xe khách, chị không sử dụng nước được phát trên xe mà dùng chai nước ở nhà mang theo.

Chị Mai Thuỳ Vân ở xã Thái Bình (huyện Châu Thành) thông tin: “Tết năm ngoái, gia đình tôi đi chơi xuân ở Núi Bà Đen mua một chai nước lọc hiệu H.V. Khi uống hết chai nước tôi mới phát hiện dưới chai có cặn màu vàng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 85 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình. Năm 2016, đoàn kiểm tra của Sở Y tế và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Tây Ninh đã tiến hành thanh, kiểm tra 8 cơ sở, trong đó có 6 cơ sở vi phạm. Chủ yếu là vi phạm về quy định về tiêu chuẩn sức khoẻ, xác nhận kiến thức ATTP, điều kiện bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất kinh doanh, xét nghiệm sản phẩm định kỳ… Đoàn đã nhắc nhở và yêu cầu các cơ sở cam kết khắc phục. Trong thời điểm tết nguyên đán sắp đến, các hoạt động du xuân, vui chơi diễn ra rất sôi nổi, nhu cầu tiêu thụ nước đóng chai, đóng bình tăng cao. Thế nhưng, với thực tế sản xuất như vậy, vấn đề an toàn vệ sinh đối với sản phẩm này thật đáng lo ngại.

VŨ NGUYỆT – TRÚC LY

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh