Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Màu thời gian trên ngôi đình cổ
Thứ bảy: 12:15 ngày 22/01/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhân sự kiện đình Hiệp Ninh vừa được trùng tu tôn tạo.

Đình Hiệp Ninh - gian tiền tế.

Thế là cuối cùng, đến ngày 17 tháng Chạp Canh Dần, chỉ còn non tuần nữa là ngày ông Táo chầu trời thì đình Hiệp Ninh cũng đã được bàn giao cho cơ quan chức năng tỉnh nhà quản lý. Đã hơn một năm còn gì! Nhớ Tết năm ngoái, cũng độ cuối tháng Chạp, đến đình đã thấy bao bố quây lại bên ngoài. Phía sau có thêm một lán nhỏ để những người thợ xa quê trực Tết. Hình như cũng mới chỉ có Tết ấy là ông Sáu già không dựng cây nêu. Ông Sáu nhà ở sát bên đình, năm nào cũng lụi cụi tự mình và con cháu dựng nêu để nhớ lại phong tục tổ tiên, dân tộc.

Sáng ngày 17 tháng Chạp này là một ngày đáng nhớ. Sau rất nhiều năm ngôi đình xuống cấp, đã từng tốn khá nhiều ảnh chụp và trang báo phản ánh. Lúc thì mái hậu đình tàn tạ. Khi thì mái ngói âm dương rệu rã, khiến cho mưa dột sụt sùi… Hôm nay đây, buổi sáng đẹp trời của năm mới 2011, tất cả đã lại bừng tươi những màu sơn và men sứ mới. Thôi, cứ theo cách kể truyền thống xưa nay, từ ngoài vào trong, từ dưới lên trên mà kể lại những điều mắt thấy tai nghe.

Phía trước sân đình, hai bên cổng phụ và bức bình phong có đắp hình kỳ lân bằng gốm sứ men xanh chủ đạo, là hai ngôi miếu nhỏ. Một là thờ chúa Ngọc, chúa Tiên; bên kia thờ Thái giám, Tà công. Miếu cũng đã xây lại nghiêm ngắn với ngói âm dương và màu sơn tường vàng nhạt điệp màu với cổng bình phong. Lần theo bậc cấp thềm đình, các vật liệu nguyên gốc được giữ nguyên với cả đá ong và lớp gạch vồ kích thước lớn 15 x 30 x 7 cm bó hè trên mặt. Hai bên, hai lầu chuông trống cũng đã nuột nà màu sơn mới, điểm trang những con tiện lan can màu trắng. Mái ngói ống đỏ au. Vòm cong bên dưới đã được xoá sạch đi vết nứt từng có nơi đây với bề rộng đút vừa đầu ngón tay. Hay là chỉ có trám vữa mặt ngoài? Không phải, người ta phải đục gạch bớt đi để lồng thép vào, đổ ép một đà cong. Từ hiên có ba bộ cửa để vào gian tiền đình, giống một lớp võ ca nhưng đã được xây liền với chính đình như một lớp nhà liên tục. Mỗi cửa vẫn bốn cánh như xưa nhưng gỗ quý mới đã nổi màu vân bóng. Chi tiết gỗ nguyên gốc chắc chắn còn ở phần bức chạm thủng, dù cũng đã bị rụng khuyết đôi chỗ nhưng đã được nghệ nhân chạm gỗ khéo tay phục chế, gắn vào. Phần xương cốt của đình, gồm hệ khung cột cấu trúc theo kiểu tứ trụ, liên kết với các hàng cột bên bằng xiên, trính đã được phục chế y nguyên như trước. Tất nhiên cũng có hàng chục cột đã phải thay thế do đã bị rỗng ruột hoàn toàn. Nhưng những cột bị khuyết một phần, nghệ nhân đã dùng gỗ quý gia công chêm chặt lại, đồng thời dùng keo Epôxit và hoá chất để liên kết cứng lại giữa hai phần cũ, mới. Đại đa số đòn tay, rui mè đã được thay bởi gỗ nhóm một. Tổng lượng gỗ dùng cho đình Hiệp Ninh là khoảng 36m3. Loại nào tìm trong nước không còn, thì nhập ở nước ngoài. Còn nhớ một ngày trước đây chưa lâu, khi chưa lắp lại các điêu khắc gỗ bao lam, câu đối, hoành phi, đại tự… đình Hiệp Ninh đã chững chạc hẳn lên nhờ hàng hàng, lớp lớp cột gỗ đen bóng, xếp hàng dãy từ trước ra sau. Điều này khiến người từng biết không khỏi ngậm ngùi nhớ lại thời những năm 1980, khi ở đây còn là trụ sở Hợp tác xã mành trúc thì hầu như tất cả các cột đều bê bết, loang lổ màu sơn xanh đỏ. Sau một thời gian dài quá trăm năm, cái nền đình nguyên gốc gạch tàu đã từng có lúc chen vào gạch lát xi măng nay cũng đã đồng nhất trở lại từ trước đến sau màu gạch tàu tươi óng. Lại cũng theo lệ xưa, mà được lát xéo góc 450 so với trục của đình. Chỉ có ở chân cột, là lộ ra đá kê con tán đúng theo truyền thống. Ngói thì mọi người đã biết, tất cả đều là ngói âm dương, 90.000 viên cả thảy. Nay còn được biết thêm, còn có sự liên kết vữa xi măng khéo léo, ẩn giấu ở mặt tiếp giáp giữa hai viên ngói dưới, trên nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ cho một mặt mái, mà vẫn không bị dạt xô khi có tác động của thiên nhiên.

Mõ đình.

Nhưng điều được mọi người, cả hội đồng nghiệm thu bàn giao lẫn nhân dân mong đợi nhất ở đình Hiệp Ninh, chỉ được thấy vào ngày 17 tháng Chạp. Đấy là khi tất cả những chi tiết điêu khắc gỗ với sơn son thếp vàng lộng lẫy của những câu đối, hoành phi, bao lam, trang và tủ thờ đã được phục chế từ TP. Hồ Chí Minh đem về lắp ráp nguyên vị như xưa. Để tất cả các không gian đình được bừng sáng như có ánh hào quang toả chiếu. Trước các ngai thờ, long, lân, quy, phụng đã được phục sinh, vờn bay trong mây hay dang cánh múa. Những hàng liễn đối mặt cong, áp sát các cột đình cũng được chạm lọng công phu và óng ánh sắc son vàng. Ông Sáu già cứ bần thần di ngón tay lên từng nét khắc, thếp vàng mà giảng giải cho mọi người nhận ra: đây là lớp mới được làm, thay cho những phần đã khuyết hay bị mất. Còn đây là lớp thếp vàng cũ, có màu đồng đỏ sậm màu hơn. Vâng! Đấy là màu thời gian của gần 90 năm (câu đối ấy có ghi số năm là 1923); còn của ngôi đình là 110 năm (đình được xây như hiện nay từ 1901). Chỉ có màu thời gian của từng ấy năm là không thể phục hồi.

T.V

 

 

 

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
  • Thương hiệu Noritake từ Nhật Bản
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục