Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Mâu thuẫn giữa chính quyền Biden và Quốc hội về ngân sách cho sáng kiến đối phó Trung Quốc
Thứ tư: 09:33 ngày 23/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Mâu thuẫn giữa chính quyền Tổng thống Biden với nhiều thành viên Quốc hội, về Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI) cho thấy sự bối rối Mỹ trong thực hiện chiến lược đối phó với Trung Quốc.

Đề xuất ngân sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho sáng kiến mới nhằm đối phó với Trung Quốc tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã vấp phải sự phản đối của nhiều nhà lập pháp Mỹ - những người cho rằng ưu tiên của chính quyền ông đang đi chệch mục tiêu.

Toàn cảnh căn cứ không quân Guam của Mỹ nhìn từ máy bay. Ảnh: Reuters.

Ưu tiên hàng đầu của Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương

Mâu thuẫn giữa chính quyền Tổng thống Biden với nhiều thành viên Quốc hội, trong đó có một số nghị sỹ của đảng Dân chủ, về Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI) cho thấy sự bối rối Mỹ trong thực hiện chiến lược đối phó với Trung Quốc.

Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương được thiết lập vào đầu năm 2021, nhằm tài trợ cho việc nâng cấp căn cứ quân sự, tăng cường các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và đồng minh để đảm bảo các lực lượng Mỹ có thể tránh hoặc đối phó với những cuộc tấn công của Trung Quốc.

Tuy vậy, đề xuất ngân sách dành cho PDI trong năm tài khóa 2022 bị cho là thiếu hụt kinh phí dành cho hệ thống phòng thủ tên lửa ở đảo Guam, vốn được coi là ưu tiên hàng đầu của chương trình.

Tháng 3 vừa qua, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ (INDOPACOM), Đô đốc Philip Davidson đã kêu gọi xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa khẩn cấp Aegis Ashore tại đảo Guam.

Theo ông, việc triển khai hệ thống này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho 3 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đang thực hiện nhiệm vụ phòng thủ ở Guam và khiến chúng có thể sẵn sàng tham gia các hoạt động hải quân khác.

Từ trước đến nay, Trung Quốc luôi coi tên lửa có độ chính xác cao là một phần quan trọng trong chiến lược “chống tiếp cận/chống xâm nhập” (A2/AD) của nước này, nhằm ngăn các lực lượng Mỹ tiếp cận khu vực nằm trong “chuỗi đảo thứ 2” ở Tây Thái Bình Dương, trải dài từ Đông Nam Nhật Bản đến đảo Guam và phía Nam Indonesia.

Hồi cuối tháng 5/2021, chính quyền Biden đã công bố ngân sách cho năm tài khóa 2022, trong đó đề xuất chi gần 5,1 tỷ USD cho PDI. Theo kế hoạch, gần 120 triệu USD trong khoản chi tiêu này sẽ dành cho việc củng cố hệ thống phòng thủ ở đảo Guam – ít hơn nhiều so với con số mà Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương yêu cầu.

Sau khi ngân sách quốc phòng được công bố, các dịch vụ quân sự đã gửi “danh sách những ưu tiên bị thiếu hụt nguồn kinh phí” tới Quốc hội với hy vọng sẽ tìm kiếm thêm nguồn tài trợ cho các ưu tiên này.

Một tài liệu do Nikkei tiếp cận được đã kêu gọi chi thêm 230 triệu USD cho hệ thống phòng thủ ở đảo Guam. Điều này cho thấy khoản kinh phí mà chính quyền Biden đề xuất chỉ bằng khoảng 1/3 kinh phí mà Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương yêu cầu.

Chính quyền Biden đang thiếu một chiến lược rõ ràng

Một nhóm gồm 15 nghị sỹ lưỡng đảng tại Hạ viện Mỹ cho rằng, đề xuất ngân sách liên quan đến PDI nên được sửa đổi tại Quốc hội.

“Chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc phân bổ 4,68 tỷ USD cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dường do ông Philip Davidson đưa ra”. Cũng theo các nghị sỹ này, khoản kinh phí dành cho việc phát triển, mua máy bay chiến đấu và tàu chiến trong khuôn khổ ngân sách của PDI nên bị loại bỏ vì đây không phải là ưu tiên chính của chương trình.

Trong bài bình luận trên trang web “War on the Rocks”, các thượng nghị sỹ Dân chủ Jack Reed và Jim Inhofe cũng cho rằng: “Dù cho quân đội có mua bao nhiêu chiếc F-35 đi chăng nữa, thì họ vẫn rất dễ bị tổn thương nếu có ít binh sỹ trong khu vực, các căn cứ chính của họ ít khả năng phòng thủ trước tên lửa của Trung Quốc, thiếu sân bay phụ và không thể tiếp cận với kho dự trữ vũ khí, đạn dược”. Đây là hai nhân vật đã thúc đẩy việc thành lập Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương.

Trong phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện vào tháng 6, Thượng nghị sĩ Dân chủ Mazie Hirono đã hỏi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin rằng tại sao phần lớn nguồn kinh phí dành cho PDI “không liên quan" đến đánh giá của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương? Bà trích dẫn kế hoạch mua sắm tàu khu trục của Hải quân và các hạng mục liên quan đến máy bay chiến đấu F-35 như một ví dụ cho thấy sự khác biệt. Trả lời câu hỏi này, ông Austin cho biết, các nhân viên của Bộ Quốc phòng đang làm việc với Ủy ban Quân vụ Thượng viện để “điều chỉnh sự sai lệch nếu có”.   

Ông Elbridge Colby, từng là Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump cho rằng, những tranh cãi liên quan đến PDI cho thấy Mỹ vẫn thiếu chiến lược rõ ràng trong cách “đối phó với thách thức từ Trung Quốc”, ngay cả khi chính quyền Biden định vị Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh chiến lược.

Ông Elbridge Colby đặt ra câu hỏi liệu sáng kiến này nên có sự tham gia của tất cả các lực lượng trong quân đội Mỹ hay không, hay chỉ tập trung vào Không quân và Hải quân.

Theo ông Elbridge Colby, Lầu Năm Góc cần phải nhanh chóng vạch ra các kế hoạch cụ thể trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về nguy cơ xung đột ở Biển Đông, Eo biển Đài Loan và Thượng nghị sỹ John Aquilino chuẩn bị tiếp quản vai trò đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương./.

Nguồn VOV.VN (biên dịch)
Theo Nikkei

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục