BAOTAYNINH.VN trên Google News

Máy đo thân nhiệt dễ bỏ qua người mắc cúm A/H1N1

Cập nhật ngày: 02/05/2009 - 09:15
Nhân viên kiểm dịch y tế đang điều khiển máy tại sân bay TSN.

100% hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM, đều được giám sát cúm bằng máy đo thân nhiệt, tuy nhiên, các máy này chỉ phát hiện những người đã lên cơn sốt. Người nhiễm virus nhưng chưa phát bệnh có thể bị bỏ qua.

Ông Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho rằng, cũng như các loại cúm khác, cúm A/H1N1 có thời gian ủ bệnh, do đó phải sau vài ngày, người nhiễm virus mới bộc phát thành triệu chứng. Chính vì thế, khó có thể nói rằng cứ có máy kiểm tra là bệnh không thể đi vào Việt Nam.

"Trong thời gian này, người mang virus cúm A/H1N1 có thể đã lây cho rất nhiều người qua tiếp xúc, rồi mới phát bệnh", ông Giang nói.

Máy đo thân nhiệt là một thiết bị có thể phát hiện được những cơ thể có nhiệt độ cao hơn bình thường, tức trên 37 độ C. Khả năng tầm nhiệt của máy khoảng 100 mét.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, máy được đặt hướng về phía lối đi khi hành khách vừa xuống máy bay. Những cơ thể có thân nhiệt cao sẽ phát tín hiệu màu đỏ thay vì màu xanh như những người có thân nhiệt bình thường.

Điều khiến ông Giang quan ngại hơn cả, là những trường hợp ủ bệnh lâu ngày. Những người này đến Việt Nam, tiếp xúc với nhiều người, sau đó rời Việt Nam bệnh mới bộc phát thành triệu chứng. Điều này ngoài tầm kiểm soát của ngành y tế.

Trong khi đó, theo đại diện sân bay Tân Sơn Nhất, 5 ngày qua, có gần 30.000 lượt khách quốc tế đến sân bay, trong đó gần 1.000 người đến từ các nước có dịch cúm A. Máy thân đo thân nhiệt chưa phát hiện ra trường hợp nào có thân nhiệt cao nghi cúm.

Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cũng thừa nhận, việc giám sát phát hiện ca bệnh bằng các máy đo thân nhiệt chỉ là phương pháp cơ bản.

Theo ông Châu, để tránh nguy cơ người bệnh lọt qua vòng kiểm soát của máy do bệnh chưa có triệu chứng, công tác giám sát cộng đồng giữ vai trò quan trọng. "Chúng tôi yêu cầu hành khách điền vào tờ khai kiểm dịch y tế, đầy đủ các thông tin sức khỏe của họ trong những ngày qua và địa chỉ sẽ đến trong thời gian lưu trú để tiện theo dõi", ông nói.

Sở Y tế TP HCM đã chỉ đạo tất cả các bệnh viện trên địa bàn, nếu có phát hiện ca nghi ngờ, phải báo ngay cho Sở qua đường dây nóng để có hướng xử lý.

Còn theo Phó giám đốc Sở Y tế Lê Trường Giang, bản thân hành khách đến Việt Nam trong thời điểm này phải tự có ý thức bằng cách khi phát hiện mình có dấu hiệu sốt khác thường, cần báo ngay cho ngành y tế để được chăm sóc, giám sát.

Ông Giang cho rằng, việc đo thân nhiệt nên được thực hiện cả khi khách rời Việt Nam, vì trong thời điểm này, người mang virus đã có thể bộc phát triệu chứng. "Nếu kiểm tra thấy thân nhiệt cao, ta buộc phải kiểm tra lại để xử lý nếu người bệnh mắc cúm A/H1N1", ông nói.

Một yếu tố khác khiến ông Giang lo ngại là khi bệnh xuất hiện ở các nước có thể giao lưu với Việt Nam bằng đường bộ, vì đây là cửa ngõ khó giám sát nhất.

Ngày 1/5, trước tình hình nguy cấp, Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh cúm ở người tại TP HCM đã triệu tập một cuộc họp khẩn với ngành y tế, nông nghiệp nông thôn, công an... để bàn bạc thống nhất các biện pháp đối với dịch bệnh.

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND TP - Trưởng ban, yêu cầu Sở Y tế và các sở, ngành liên quan đặt ra phương án cụ thể trong tình huống có ca bệnh. Trước mắt, TP HCM đồng ý chi khoảng 2 tỷ đồng để mua thêm máy đo thân nhiệt cung cấp cho sân bay.

Cũng trong hôm qua, UBND TP đã triệu tập 24 quận huyện để triển khai công tác phòng chống dịch. Theo chỉ đạo, mỗi quận huyện phải có một đội phòng dịch nhằm theo dõi giám sát, phát hiện ca bệnh đồng thời phải có khu cách ly để theo dõi các ca nghi ngờ.

Cùng ngày, Sở Y tế TP HCM đề xuất triển khai 4 khu cách ly tại 4 cửa ngõ thành phố trong trường hợp bệnh xảy ra.

(Theo VNE)