Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đồng Rùm là cách gọi quen của những người dân cựu trào, chứ bao quát hơn phải gọi là xã Tân Thành mới đúng. Cái xã mới này vốn là một phần da thịt của đất mẹ Dương Minh Châu.
Một góc Tân Thành.
Tính ra tôi là người có duyên nợ với đất Đồng Rùm, bao nhiêu lần đi về trên mảnh đất này là bấy nhiêu lần luyến nhớ. Đồng Rùm là cách gọi quen của những người dân cựu trào, chứ bao quát hơn phải gọi là xã Tân Thành mới đúng. Cái xã mới này vốn là một phần da thịt của đất mẹ Dương Minh Châu. Tuy khai sinh là vậy, nhưng khi gần đến tuổi trưởng thành thì lại về với quê mới Tân Châu mà phát triển, đi lên.
Nhớ năm 1998, tôi đưa một người bạn vào đây nhận nhiệm sở, nhìn cảnh tượng thật là ngao ngán. Con đường từ đầu cầu Tha La vào tận đây cơ man nào là ổ gà, ổ voi. Mùa nắng thì bụi đỏ mịt mù, mùa mưa thì lầy lội. Thuở ấy, biết bao sinh viên ra trường về đây rồi cũng âm thầm rời bỏ. Nhưng những người còn trụ lại cho đến ngày nay thì đa số thành công, vì đất này chẳng bao giờ phụ người có tâm có lực.
Năm 2006, tôi được cấp trên điều động về đây công tác, khi Tân Thành bắt đầu trỗi dậy nhờ vào cây cao su và cây mì. Gắn bó bốn năm, tôi cũng chia tay. Hơn mười năm sau trở lại, tôi thật không tin vào mắt mình nữa. Vùng quê xưa đã có diện mạo mới khác hoàn toàn.
Tân Thành trước đây là khu kinh tế mới của huyện Dương Minh Châu. Năm 1989 khi huyện Tân Châu được thành lập, Tân Thành được bàn giao cho Tân Châu quản lý. Xã có diện tích 145,03km2, dân số khoảng 10.000 người với 9 ấp, gồm Tân Trung, Tân Thuận, Tân Hiệp, Tân Đông, Tân Hoà, Đồng Rùm, Đồng Kèn (1, 2) và Tà Dơ. Tân Thành còn có di tích Căn cứ Đồng Rùm tại khu rừng lịch sử. Thật ra, trảng Đồng Rùm lại là phần đất cuối ấp Tân Hiệp đầu ấp Tân Hoà, ngày nay còn nhà bia tưởng niệm.
Theo tài liệu Di tích lịch sử văn hoá danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh thì khu di tích căn cứ Xứ uỷ Nam bộ còn có tên gọi là X40 Đồng Rùm. Tài liệu này cho biết: “Năm 1946, lực lượng kháng chiến Tây Ninh rút ra rừng xây dựng căn cứ, Chi bộ 11 sau là Trung đoàn 311 đóng ở Đồng Rùm, lập công binh xưởng sản xuất vũ khí. Năm 1951, Xứ uỷ chọn nơi đây làm căn cứ, gọi là X40 hay là căn cứ Lê Duẩn.
Năm 1952 thực dân Pháp tập trung 20 tiểu đoàn mở cuộc càn đánh vào căn cứ, nhưng lực lượng cách mạng vẫn được bảo toàn. Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, Đồng Rùm là nơi tập trung cán bộ chiến sĩ học tập tình hình và nhiệm vụ mới, chuyển quân tập kết và đấu tranh thống nhất đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây vẫn được chọn xây dựng căn cứ Xứ uỷ (1954-1960).
Sau đó là Trung ương Cục miền Nam, một bộ phận của Mặt trận Dân tộc giải phóng, Bộ Chỉ huy Miền, đồng thời là nơi thành lập Công trường 9 (Sư đoàn 9) - Sư đoàn anh hùng lực lượng vũ trang, đơn vị chủ lực đầu tiên ở Nam Bộ. Quân Mỹ liên tiếp mở nhiều cuộc càn quy mô lớn như: cuộc càn Cedarfall, Attelboro, Juntion City nhằm mục tiêu tìm diệt căn cứ nhưng đều thất bại. Mùa xuân 1966-1967, quân chủ lực của cách mạng mở trận tập kích đánh căn cứ Mỹ tại trảng Đồng Rùm, tiêu diệt một lữ đoàn của Mỹ, bảo vệ vững chắc căn cứ…”.
Cần nói thêm rằng, trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, đất và người của Tân Thành phải chịu không ít đau thương. Cũng tại trảng Đồng Rùm này, vào tháng 3.1967 hơn 600 chiến sĩ của chúng ta đã anh dũng ngã xuống để đất nước đứng lên. Trong nhà bia tưởng niệm tại khu trảng Đồng Rùm, nay thuộc ấp Tân Hiệp có ghi rất cụ thể: “Tại đây ngày 21 - 3 -1967, Trung đoàn 2 và Trung đoàn 16, Sư đoàn Bộ binh 9 đã đánh thiệt hại Lư đoàn 3 (Sư đoàn 4) của Mỹ và một số đơn vị nguỵ Sài Gòn - Đời đời ghi nhớ công ơn cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 9 và nhân dân địa phương đã anh dũng hi sinh trong đợt phản công, đánh bại cuộc hành quân Gian - xơn - xi - ti của Mỹ - Nguỵ năm 1967 tại mặt trận Đồng Rùm (Tây Ninh)…”.
Sau ngần ấy năm chìm trong khói lửa chiến tranh, đất và người xứ Đồng Rùm phải khởi động lại từ con số không, thậm chí là con số âm. Nhưng cái mốc đáng kể nhất là từ khi Tân Thành về với Tân Châu 1989, đến nay đã đúng ba mươi năm. Ba mươi năm nhìn lại đất đã phủ một màu xanh nhựa sống và thơm ngát hương hoa.
Hiện nay, đa phần các con đường trong xã Tân Thành đã được trải nhựa hoặc bê tông hoá, điều này thuận tiện cho việc đi lại làm ăn, giao thương của người dân. Xưa bà con ở đây trồng trọt chăn nuôi theo những cách cổ truyền, nhỏ lẻ. Nay thì khác, thế mạnh của xã chính là mì và cao su. Đi vào các ấp, so với trước đây mười năm, những căn nhà tạm bợ đã giảm đi rất nhiều; nhà kiên cố, bán kiên cố được xây dựng khá khang trang sạch đẹp.
Ở khu vực từ trung tâm xã cho đến khu vực tiếp giáp Suối Dây rất nhiều ngôi biệt thự lộng lẫy. Trong xã có đầy đủ các ngôi trường từ mẫu giáo cho đến THCS. Rất nhiều gia đình trong xã cho con em học hành đến nơi đến chốn để về phục vụ lại cho quê hương.
Nhà bia tưởng niệm tại khu trảng Đồng Rùm.
Tuy là trên đà phát triển như vậy, nhưng Tân Thành còn đó biết bao trăn trở. Theo trục lộ chính, đến vùng tiếp giáp hồ Dầu Tiếng là ấp Tà Dơ - một ấp nghèo, đời sống còn rất nhiều khó khăn. Gần đây, bà con Việt kiều từ Biển Hồ Campuchia di cư về ấp sống rất đông. Đây cũng là một vấn đề gây khó khăn cho chính quyền địa phương.
Địa phương đã xây dựng khu tái định cư Đồng Kèn 2 trên diện tích gần 14.800m2, gồm 9 dãy nhà ở, tổng cộng 183 căn nhà, kinh phí xây dựng mỗi căn 60 triệu đồng. Ven bờ hồ vẫn còn đó hơn 100 hộ dân. Để được ổn định như khu 183 căn là chuyện không phải dễ dàng hay một sớm một chiều. Đó luôn là nỗi lo canh cánh của chính quyền và nhân dân trong xã.
Có thể nói, nhìn trên bản đồ Tây Ninh, xã Tân Thành không khác gì một bán đảo. Nếu nói như Nguyễn Đình Thi “Quê hương biết mấy thương yêu/ Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau”, thì Tân Thành cũng đã chịu không ít thương đau trong lịch sử, nhưng đó cũng là bệ đỡ để các thế hệ sau chung sức xây dựng vùng đất này ngày một giàu đẹp hơn.
Ghi chép HOÀI CHI