Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mặc kệ mẹ càm ràm, Lùn bê từng chậu hoa đặt vào khoảng đất trống gần sân nhà, thầm nghĩ hoa xấu xấu để ngoài đường chắc không ai lấy.
Lùn bước ra khoảng sân trước nhà ngắm nhìn mấy cây bông vạn thọ mua trước tết. Cô reo lên khi thấy hoa nở thật đẹp. Hoa tuy không to nhưng sắc vàng tươi thắm như muốn khoe với mọi người rằng: “Hôm nay là mồng một tháng hai, mùa xuân đã đi qua một tháng, các anh, các chị xinh đẹp như hướng dương, thược dược... đã bị cho vào xe rác, chỉ còn bốn anh em nhà chúng tôi là tồn tại”.
Lùn còn nhớ thật rõ gương mặt người bán hoa vào ngày 29 tết. Đó là một phụ nữ trạc 50 tuổi, da đen nhẻm, gương mặt nhỏ thó. Khi chị nói chuyện nhìn thấy rõ vài cái răng đã đi du lịch không về.
Trước tết, Lùn đã mua rồi mấy chậu hoa thật đẹp, nào hồng, nào cúc, vạn thọ, mồng gà... Khoảng sân trước nhà tràn ngập đầy hoa, nhìn lung linh đủ sắc màu, là niềm vui của cả nhà. Nhiều người bảo cứ chờ đến 29, 30 tết hãy đi mua hoa lúc này giá sẽ thật rẻ.
Lùn phản đối dữ dội, cô làm một tràng, nào là: “Sao nói kỳ vậy? Cả năm trời cực nhọc chỉ trông chờ vào mấy ngày tết này, ai lại đi mua như thế”; hoặc: “Tui không bao giờ đợi đến cận tết mới mua”...
Lùn nói nhiều lắm, bắt “trúng đài” là nó phát tùm lum tùm la. Dì Ba- mẹ của Lùn thường rầy nó, nhưng tánh nào tật nấy, không um sùm không phải là Lùn. Tuy ào ào như vậy nhưng nó ít bị ghét nhờ cái tính bao đồng. Mấy cây bông vạn thọ trước sân là một minh chứng rõ ràng về cái tính bao đồng của nó.
Hoa đã mua hoa về xếp đầy vườn từ lâu, vậy mà nhìn gương mặt mếu máo của chị bán hàng “Cô ơi, mua giùm đi, tôi bán thật rẻ, tội nghiệp tôi cô ơi”, rồi nhìn mấy chậu hoa càng thấy thương làm sao. Mỗi chậu, chỉ có vài bông là tươi, vài chiếc lá héo rủ nhưng đặc biệt là chi chít nụ non.
- Cô lấy giúp giùm tôi, 50.000 đồng hai chậu. Tôi còn nợ cửa hàng phân bón chưa trả hết, tết nhất khổ quá cô ơi!
- Chị lấy cho tôi 4 chậu.
Đem bông về Lùn bị dì Ba chửi như tát nước: - Con này, mày nhiều tiền quá phải không? Trời ơi! Xem mấy cây bông kìa loe hoe vài bông, héo queo héo quắt...
Mặc kệ mẹ càm ràm, Lùn bê từng chậu hoa đặt vào khoảng đất trống gần sân nhà, thầm nghĩ hoa xấu xấu để ngoài đường chắc không ai lấy.
Những ngày đầu năm nhìn mấy chậu hoa thật thảm sầu. Vậy mà, hôm nay nhìn không biết chán, say mê như ngắm người tình. Trong đầu Lùn loé lên suy nghĩ: “Đúng là hoạ phúc khó lường, tưởng mình mua giùm giúp cho chị ấy, không ngờ nhờ vậy mà đến hôm nay nhà mình vẫn còn hoa đẹp. Cả xóm, có ai được vậy đâu”.
Rồi nó nghĩ ngợi xa hơn: “Chậc, ở đời đừng nhìn vào cái bề ngoài mà đánh giá, vụ mấy chậu bông vạn thọ là một bài học, chưa biết ai hơn ai”; “Sang năm có mua hoa phải rút kinh nghiệm, lựa những cây còn nhiều nụ”.
Cái phát hiện “trí tuệ” này khiến cho Lùn sung sướng. Nó cứ vuốt ve mấy cây bông, xách thêm vài thùng nước tưới cho tụi nó: “Ráng sống thêm nhiều ngày nữa nhe mấy em cưng!”.
Đối diện bên nhà, vợ chồng thằng Tình đang ngồi bỏ bánh tráng vô bọc để bán. Liên thúc vào vai Tình, nói:
- Anh xem kìa, con Lùn thấy bông nó còn tươi tốt, nó khoái chí đứng cười hoài.
Từ trong nhà vọng ra tiếng dì Ba lanh lảnh:
- Lùn ơi, mày ở đâu mà chưa đi chợ?
- Con ở ngoài sân nè mẹ ơi. Mẹ ra mà xem hoa nở đợt hai đẹp lắm.
- Tao biết rồi, vô nhà tao biểu!
Lùn lúp xúp chạy vào nhà, nó hớn hở, phải nói với dì Ba những phát hiện độc đáo này, bởi vì mẹ nó lúc nào cũng mắng nó là đứa đầu óc tàu hủ, chỉ biết tào lao.
Lùn là một cô gái lỡ thì, không một mảnh tình vắt vai. Ai hỏi nó “sao không lập gia đình, bộ kén à?”, nó đều cười và trả lời:
- Trời ơi! Có ai thương tôi đâu mà bảo cưới.
Nhìn kỹ Lùn không đẹp nhưng khá có duyên, mái tóc cắt ngang, nó lắc đầu nguầy nguậy:
- Con học hết vô rồi má ơi!
Sau này, nghe thằng Tèo nói, dì Ba tưởng chừng như đứt ruột “nó nói với con là nó học giỏi, còn ham học lắm nhưng không đành lòng nhìn dì bệnh hoạn mà phải đi bán nuôi nó”.
Dân Xóm Bắp đã quá quen thuộc với hình ảnh một con nhỏ đen đen, miệng tía lia, thường chạy xe honda vòng quanh thị trấn với một cần xé bắp nóng hổi. Bữa thấy một ông ăn mặc tươm tất đứng ngay thành cầu Gò Dầu nhìn trời, nhìn mây là nó nghi lắm. Nó ngưng bán bắp chạy lại nói với chú Tư Honda ôm:
- Mấy chú để ý nhe, con nghi xoá nợ quá.
Hoặc có hôm đang bán thấy có người bị tai nạn giao thông nằm sóng soài trên đường, mọi người xúm vào xem là nó la lên:
- Trời ơi! Người ta bị tai nạn. Có ai không chở đi bệnh viện giùm?
Ai cũng gọi nó là Lùn “bao đồng”, nó không hề giận mà còn có vẻ tự hào về cái tên này.
Theo lời dì Ba kể, Lùn chỉ là con nuôi. Hồi đó, mẹ nó mướn nhà trọ ở sát nhà dì, biết mình bệnh ngặt, không qua khỏi, cô nhờ dì Ba nuôi giúp đứa con còn đỏ hỏn. Nhờ có nó mà ngôi nhà nhỏ đơn sơ ở Xóm Bắp bớt đìu hiu, luôn tràn ngập tiếng cười.
Cuộc đời dì Ba cũng đầy bất hạnh. 12 tuổi, rời quê nhà Tiền Giang theo người anh trai vào Sài Gòn kiếm sống. Tuổi thơ của dì lang thang khắp các nẻo đường đô thị. Cuối cùng, trụ lại tại một quán ăn, anh đi giao hàng, em rửa chén.
Một tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của người anh. Bà chủ mua bán thua lỗ dẫn dì Ba trở về quê Gò Dầu lập nghiệp. Những tưởng cuộc đời dì Ba đã sang trang khác, không ngờ vị ân nhân cũng bỏ dì đi. Tại ngôi nhà cấp 4 nhỏ bé này, dì ngày ngày đi bán bắp, đêm về nhang khói cho bà chủ mà dì xem như là mẹ ruột của mình.
Chiều đến, dì Ba thường ra chiếc võng trước nhà, nằm đưa kẽo kẹt. Mấy cây nguyệt quế Lùn trồng lên tươi tốt. Những cây mía trổ cờ không ai ăn. Mùi mít chín thơm lừng từ vườn nhà bà Chín bay qua kích thích tuyến nước bọt của dì Ba.
Bà cứ nằm đó suy nghĩ mông lung, nhớ bến phà với những gian hàng trái cây hấp dẫn, nhớ ngọn gió sông Tiền mát rượi, nhớ ánh đèn Sài Gòn vào mỗi tối. Nhớ cả chồng chén cao ngất mà bà phải rửa mỗi ngày.
Như một cuốn phim chiếu chậm, bao biến cố cuộc đời cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí dì Ba. Nhà dì có nuôi một con mèo, nó sinh được một con mèo con giống mẹ như đúc. Mỗi ngày, hai mẹ con nhà mèo cứ âu yếm nhau.
Lùn bảo: Sao giống hai mẹ con mình quá. Hôm qua, mèo mẹ không về, nghe thằng Tèo nói nó bị người ta đánh bẫy ăn thịt mất. Mèo con, chạy quanh nhà.. meo... meo... tìm mẹ, thật là thương. Dì Ba chợt nghĩ lỡ mình chết mà con Lùn chưa có chồng thì tội nó quá.
Dì còn nhớ cách đây mấy hôm má thằng Tèo có mở lời nói muốn con Lùn về làm dâu. Mắt dì Ba sáng lên, chiều nay, Lùn đi bán bắp về phải nói chuyện với nó và vài hôm nữa nấu món gì ngon ngon mời mẹ con thằng Tèo qua ăn cơm chiều.
Nguyễn Thị Thu Hương