Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mê hương
Thứ bảy: 15:27 ngày 06/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đang ngồi buồn thiu trước cửa nhà thì gặp ngay một bác chạy xe đạp chở đằng sau giỏ cần xé to tổ bố thắng khựng lại.

Tư Bòn bỏ nghề làm mướn kể từ một buổi chiều mưa rả rích buộc phải nghỉ nửa ngày công giẫy cỏ mì. Đang ngồi buồn thiu trước cửa nhà thì gặp ngay một bác chạy xe đạp chở đằng sau giỏ cần xé to tổ bố thắng khựng lại. Nhìn vào đống đồ tạp nham Tư Bòn tích cóp lâu nay chất đống đầu hè, liền tạt vào hất hàm hỏi: - Có bán không?

Tư Bòn bâng quơ: - Bao nhiêu?

Người kia sau một hồi lục lọi phán chắc nịch: - Một trăm ngàn.

Lúc bấy giờ giá một chiếc xe đạp cà tàng còn chạy được cũng chỉ vài trăm là cùng. Như vớ được vàng, Tư Bòn bán luôn. Nhân thể vừa khuân giúp những của bỏ đi ấy, vừa lân la hỏi chuyện. Biết thêm nghề mua ve chai cũng kiếm được ngày vài ba chục ngàn, hơn đứt thu nhập hai vợ chồng nai lưng làm mướn. Đêm ấy vợ chồng anh lục sục bàn tính mãi. Sáng mai, sẵn vốn liếng dành dụm được khoảng ba trăm ngàn, anh ra ngoài đầu hẻm ghé quán cháo lòng của tay Hèng Bắc kỳ mới đến thuê căn nhà đầu phố của bà Mười mát mở tiệm ăn sáng đã dăm tháng nay. Bấm bụng bỏ ra hai ngàn ăn tô cháo làm quen để nhờ Hèng dắt mối mua giùm chiếc xe đạp cũ. Tay chủ quán cháo lòng này tuy là dân mới ngụ cư nhưng giao thiệp coi bộ rộng rãi với đủ mọi loại người (là nhân vật ít bữa nữa sẽ là lý do cho mọi rắc rối của mấy nhà trong hẻm). Nhưng phải để dành đến câu chuyện buồn thứ ba mới dần dần hé lộ.

Vậy là từ tên Tư Bòn, mặc nhiên đổi thành Tư Ve Chai từ bữa anh quyết tâm đổi nghề, hằng ngày rong ruổi trên chiếc xe cà tàng len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm miệng ơi ới rao một câu duy nhất: Ai bán ve chai i…i . Công việc tuy vẫn là mưa nắng, nhưng đồng tiền kiếm được tích cóp mỗi ngày thêm mỗi khá. Mấy đứa con anh đứa đến tuổi đã được đi học. Chỉ còn một thằng út lên năm tròn trịa như củ khoai tây, chẳng ốm đau khụt khịt gì là ở nhà chơi một mình, trong chiếc sân bé tẹo rào giậu sơ sài. Vợ anh, khoẻ thì theo chị em làm mướn, mệt thì ở nhà nghỉ, số tiền dư dật cất kỹ đáy rương vẫn đủ tiêu xài ngày hai bữa. Cuộc sống vậy là cũng tàm tạm ấm êm như bao nhà cùng hẻm phố. Dần dà, ngày nghỉ của vợ anh nhiều hơn ngày làm. Manh quần tấm áo của chị ta cũng mỗi ngày mỗi khác. Tuy chẳng mướt mát bằng những chị em buôn bán ngoài thị trấn, nhưng đều là những thứ hàng mong mỏng, bong bóng và in sặc sỡ những hoa là hoa, khiến cánh đàn ông nhiều tưởng tượng dán mắt nhìn vào cứ thấy ngây ngây một mùi thơm quyến rũ như hương hoa buổi sớm trong vườn xông thẳng vào tim phổi. Cũng phải công nhận vợ Tư Ve Chai dạo này có điều kiện chú ý chăm sóc bản thân nên lột xác hẳn. Nhờ có phom người tròn lẳn nhưng không mập ú, chị ta mua tấm áo, manh quần nào cũng như may sẵn cho mình. Cứ là vừa khin khít ôm dính vào người, làm cho mấy đường cong gợi cảm nơi ba vòng nổi bật trên thân thể, mấy chỗ mà các bà kín đáo che đi thì ở chị cứ lồ lộ khoe ra nầy nẩy như vô tình, như cố ý vậy. Chẳng kem phấn mà làn da chị vẫn nuột nà, khiến vô số quý bà trang điểm đầy mình phải ghen tị ngấm ngầm. Từ khuôn mặt dễ coi với đôi mắt bất kể vui buồn, đều lóng lánh như chứa hai giọt nước trong vắt, đến đôi cổ tay búp măng, đến ba ngấn cổ ngọc ngà và dưới đấy một chút, chỗ cái vòng tròn cổ áo khoét hơi cố ý cho rộng ra một tí, các phần da thịt phơi ra đều mơn mởn một màu trắng tươi, trắng hồng và căng mịn như da đứa trẻ lên ba mũm mĩm. Người chưa quen biết, gặp chị đố ai dám nghĩ đấy là vợ cái anh chàng Tư Ve Chai đen đúa đầu to, tóc hoe hoe lông bò cùng đôi chân ngăn ngắn vòng kiềng tối ngày chạy xe đạp ngoáy đít bên này, ngoáy đít bên kia trên mặt yên như con vịt bầu lạch bạch leo lên dốc. Cặp vợ chồng này bề ngoài trông trái khoáy như vậy nên thường là đề tài bông phèng cho lắm kẻ rỗi mồm lẻo mép. Có lần tay chủ quán cháo lòng không nín được đã công khai nhăn nhở cợt nhả Tư Ve Chai ngay trước cửa quán đông người:

- Đại ca sử dụng chị nhà phí quá. Ta đổi vợ cho nhau đi. Em bù thêm con xe 67 mới khựa để đại ca chạy mua ve chai cho khoẻ xác.

Nghe phải những lời khả ố vậy mà Tư Ve Chai vẫn chỉ thin thít cun cút đạp xe đi thẳng, ném lại sau lưng tiếng ken két nồi trục khô dầu thay cho lời phẫn nộ. Tính anh vốn vậy. Một câu nhịn chín sự lành. Chẳng phải anh khôn ngoan rút được những bài học đắng cay từ cuộc sống cơ cực của mình. Tự nhiên cái phận anh phải vậy. Hỏi còn dám hó hé cãi nửa lời với ai, khi mà lớn khôn một chút thì anh thấy mình đã là thằng nhỏ răm rắp cúi đầu hầu hạ một đám thảo khấu, chuyên phá sơn lâm di chuyển không ngừng trong những cánh đại ngàn sâu hút. Đến cha mẹ mình anh cũng chẳng biết là ai, thì còn biết gì đến quyền này quyền nọ trên cõi đời này. Ngày ấy cách nay vài chục năm rồi, trong một cái thung âm u anh cũng chẳng biết tên gì, hằng ngày công việc của thằng bé nô lệ mười bốn tuổi là anh, phải lo cơm nước cùng hầu hạ bất kể việc gì cho một lũ đầu gấu phá rừng, kiêm buôn đồ lậu qua biên giới. Tưởng mãn kiếp đời anh cứ âm u như vậy, nếu không có sự cố cả toán vô lại ấy bị tóm gọn chỉ nội một ngày công an vây bủa. Rất may, hôm ấy anh không ở trong lán. Thoát nạn nhưng lại lâm vào cảnh bơ vơ. Và như một sắp đặt của số phận, lâu nay anh đã làm quen với con bé, hằng ngày la lỏm trong rừng đào mủ chai, bán lấy tiền nuôi người cha nằm bệnh, trong một túp chòi bên con suối nhỏ. Nên anh mới có chỗ dung thân sau sự việc trên. Ông bố cô gái tỏ ra rất thích thằng bé đen đúa rắn đanh như cục sắt mà con gái nhặt ở đâu về. Chúng coi nhau thân thiết như ruột thịt. Hằng ngày cùng nhau chui hun hút tận đẩu đâu hái măng, nhặt nấm kiếm tiền độ nhật và thuốc thang cho bố. Hình như ông cảm thấy tàm tạm yên tâm cho phận con gái mình, nên một sớm ông cầm tay hai đứa đặt vào nhau, rồi không trối một câu, lặng lẽ từ giã cõi đời. Hai đứa trẻ quýnh quáng nhờ mấy hộ tá túc trong rừng lo phần mồ mả cho ông rồi lúp xúp dắt nhau chạy trốn rừng sâu, cùng nhau lang thang làm mướn bất kể việc gì. Trời thương thế nào, chúng trôi dạt đến vùng này. Ngày ấy, cả thị trấn Tân Châu sầm uất bây giờ còn là vùng kinh tế mới đầy rẫy khó khăn thiếu thốn. Ban ngày, chúng phụ việc cho mấy quán ăn, tối lại về ngủ trong khu chợ nghèo lèo tèo vài mươi nóc lều. Một bữa được một cụ bà phúc đức gọi về cho ở nhờ. Thấy chúng hiền lành chăm chỉ thật thà, cụ nhận làm con. Đời cụ vừa trải qua thời chiến tranh, mấy con cụ cùng bị chết tan xác vì một quả bom bỏ trúng nóc nhà. Nay cụ sống độc thân. Anh em ruột thịt chẳng còn ai, sớm tối thui thủi một mình. Được vài năm thì cụ qua đời. Trước khi mất, cụ còn kịp mời ông ấp trưởng căn dặn miệng để lại cho hai đứa căn nhà và miếng đất bé tẹo mà vợ chồng anh đang ở. Sau đám tang cụ, hai đứa trẻ tự nhiên trở thành vợ chồng lúc nào chúng cũng không hay. Rồi thì bốn đứa con hột gà hột vịt nối nhau ra đời, trời sinh trời dưỡng tự nhiên như là chim chóc. Bây giờ, tuổi Tư Ve Chai đã ngoại bốn chục. Sức vóc nhiều phần kém xưa. Riêng vợ anh chả biết thế quái nào lại theo quy trình ngược, cùng tuổi với chồng mà cứ phây phây hồi xuân như có phép màu. Cứ như là bây giờ ông trời mới chợt nhớ ra sai sót của mình rồi hối hả trả lại cái thanh xuân đã không trao cho chị vài ba mươi năm trước. Và cũng chẳng ai để ý tự lúc nào, dưới con mắt cánh đàn ông vô công rỗi việc, cái con hẻm lâu nay chị vẫn đi về vốn lặng lẽ, tẻ buồn bỗng trở nên rực rỡ tươi vui cùng với hình ảnh chị Tư Ve Chai mỗi ngày một bộc khởi xuân tình hôi hổi, khiến cho không ít bọn họ bỗng thấy bản thân mình thay đổi đến sững sờ. Chỉ loáng thoáng ngày vài bận xuất hiện trên đường, mà mùi hương bướm cái phả ra từ da thịt chị Tư Ve Chai cứ nồng nàn lưu lại gần như không tan loãng trong không khí. Ban đầu chả ông nào dám thổ lộ với ông nào, chả có việc gì cũng lượn lờ trên con đường ấy để được căng phồng lồng ngực thoả thuê tham lam hít đầy hai buồng phổi cái làn sương mê mê ảo ảo gây choáng váng, bâng lâng một niềm ham muốn mơ hồ có vẻ như bản năng mà cũng có vẻ như là cái gì đấy vô cùng tinh khiết.

Tư Ve Chai là người sững sờ nhận ra sự thay đổi diệu kỳ của vợ mình truớc tiên. Vốn chẳng bao giờ biết đến những tình cảm lãng mạn vẩn vơ, không đủ tinh tế để nhận ra một cách sâu sắc, nhưng lâu nay anh đã lơ mơ cảm thấy trong nhà mình, luôn bảng lảng một mùi gì ngai ngái, như mùi nước tiểu con dê cái đến cữ mang bầu, làm cho đêm nào anh cũng thấy lòng dạ bồn chồn, dưới chiếu giường anh nằm, giấc ngủ cứ bồng bềnh những mây, những sóng. Anh ngầm để ý thì chỉ thấy vợ anh mỗi ngày mỗi bớt đi một ít lam lũ, lấm láp quen thuộc, thay vào đó là một cô Tấm duyên dáng vừa bước ra từ quả thị, nhưng tính tình vợ Tư Bòn xưa thì chẳng có gì biểu hiện khác thường. Duy trạng thái gia đình thường ngày diễn ra, anh trông thấy nhiều sự nhuốm màu huyền bí không tài nào hiểu nổi, dẫn đến tâm trạng không dứt phấp phỏng âu lo rất mơ hồ nhưng rất thực. Đầu tiên là con chó cái vốn èo oặt tưởng chết đến nơi, tự nhiên đẻ một lứa mười con, không đủ vú bú mà lũ chó con đều lớn nhanh như thổi, con nào cũng bụ bẫm như nhau, lông da óng mượt như bôi mỡ. Cả đàn cún chưa ăn cơm sõi thì gặp ngay trong một ngày, mười người ở đâu cùng tìm đến đòi mua cho bằng được, với một giá cao đến bất ngờ. Rồi còn mấy cây đu đủ, cây xoài trong miếng vườn cằn cỗi nhà anh, lâu nay quắt queo èo uột bỗng tự dưng cành lá rùm roà xanh mướt rồi từng quả chen nhau mọc ra, đua nhau lớn nhanh chưa từng thấy và tất thảy đều tròn căng hình dáng bầu vú những cô gái đang thời hơ hớ xuân thì. Còn kỳ lạ hơn là hễ ai may mắn được ăn những trái cây ấy là y như rằng thấy trong người cứ bậng rậng nôn nao cái cảm giác tuổi hai mươi rừng rực. Nhiều chuyện lạ lùng như vậy đồn thổi lan ra khắp chốn, đến nỗi có một phóng viên mò về tìm hiểu sự tình, quá ngạc nhiên thấy thằng con út Tư Ve Chai hiện ra trước ống kính đẹp tựa tiên đồng, anh ta liền chớp vội một kiểu ảnh. Khi quay ra định chụp những trái cây trong vườn, chỉ nhìn không thôi đã làm anh xao xuyến thì sững sờ thấy mẹ nó đứng cạnh gốc cây xoài chăm chú nhìn con, miệng nở nụ cười sáng bóng, giữa đôi môi mòng mọng màu hoa đào đỏ thắm. Anh vừa quay máy ảnh định chụp thì màn hình bỗng nhiên mờ đục như bị cháy. Về nhà anh xem lại máy thì chẳng hỏng hóc gì. Quá kinh ngạc, anh in vội tấm hình thằng nhỏ và đặt tên là: Tiên đồng hạ giới, rồi hồi hộp gửi đi triển lãm ảnh quốc gia. Tấm ảnh được giải lớn ngay tắp lự. Và tất nhiên cũng gây nên một phen xôn xao kinh ngạc trong báo giới với rất nhiều hư cấu vô cùng ấn tượng.

Ngày ngày Tư Ve Chai vừa âm thầm theo dõi từng đổi thay của vợ, vừa hồi hộp âu lo nghe ngóng động tĩnh xóm giềng. Chỉ mình vợ anh vẫn chẳng mảy may bận tâm mọi sự, cứ vô tư ăn, ngủ, vô tư theo bạn làm mướn việc nhà nông, vô tư trước những ánh mắt mọi người nhìn mình một cách khác thường, vừa như thương mến lại vừa như xa lánh. Duy có vài sự việc làm chị phải động tâm mà cũng chẳng hiểu tại sao lại xảy ra như vậy. Đó là một tối có việc ra ngoài, đang đi trong bóng đêm nhập nhoạng, có kẻ bạo gan không kìm được ham muốn chạy xe vượt lên giơ tay vỗ mạnh vào mông, chị chỉ nói nhẹ nhàng: - Đừng có mà ỡm ờ, ngã gãy răng bây giờ. Thì ngay lập tức, xe anh ta té lăn đùng, mặt vấp chúi vào hòn đá ven đường, hậu quả là hai cái răng cửa văng đi khỏi cái mồm đầy máu. Sau đấy vài ngày lại xảy ra chuyện nữa, khi chị ra tiệm anh Hèng Bắc kỳ mua cho con tô cháo lòng. Cùng lúc ấy có một lão già béo tốt, cổ đeo sợi dây chuyền vàng to chự bự đang ăn sáng, cảm nhận được mùi hương gì rất lạ, ngẩng lên thấy chị thì há mồm, trố mắt đến mấy phút mới buột miệng thốt ra:

- Cô em ở đâu ra mà xinh vậy, có muốn làm bà chủ tiệm vàng thì theo anh, muốn gì anh cũng chiều người đẹp.

Chị chỉ thản nhiên đáp cùng với nụ cười đẹp mê hồn:

- Đừng có ỡm ờ, cổ họng hóc thịt ngay bây giờ đấy. Lập tức lão kia nghẹn ứ, tru lên ằng ặc. Mọi người xúm xít chở lão tới bệnh viện huyện. Nghe nói ca cấp cứu ấy, hai bác sĩ phải dùng kìm nhổ đinh kẹp chặt, rồi mỗi người một chân đạp vào bàn mổ lấy đà, mới dô hầy lôi bật được miếng thịt đút cứng nơi cổ họng lão ta, sau một tiếng nổ như mở nút chai vang Pháp.         

Ca bệnh ấy sẽ được coi như là ca hóc bình thường, nếu không có cái gã bị té gẫy hai răng cửa đêm nào, cùng ở đấy chứng kiến rồi phều phào, kể ra cái buổi tối xui xẻo của mình và khẳng định một câu đầy sợ hãi:

- Với bà chị này thì xin quý vị chớ có dấm dớ mà có ngày mất mạng như chơi đấy.

Còn vài ba câu chuyện đại loại như vậy đến tai Tư Ve Chai, người cường điệu thêm mắm thêm muối, người thật tình thì thầm khẳng định không hề ác ý: Vợ anh có vẻ đang bị hồn ma hay yêu nữ gì đó nhập xác, khiến tâm trạng anh mỗi lúc một rối bời lo lắng. Cho đến cái đận anh bị tai nạn đổ xe, cả một khung giường sắt gỉ đè lên người, làm hai đầu gối chân sưng to như cái đấu, phải nghỉ bán mua chẳng biết đến bao giờ, đành để vợ tập tọng thay anh vậy. Ai ngờ mới nửa buổi chiều, chị Tư đã cót két dựng xe trước cửa nhà, mặt tươi roi rói khoe:

- Thắng lợi to mình ạ! Được những hơn trăm ngàn. Tư ve chai trố mắt kinh ngạc:

- Gì mà dữ vậy? Quá trúng số.

- Thì cũng hỏi mua chứ có xin đâu, mà vào nhà nào họ cũng bảo chả đáng là bao, của vứt đi ấy mà, chị lấy đi là tốt. Trả tiền họ nhất quyết không nhận, biết làm sao được.

Nghe những lời này, trong lòng Tư Ve Chai càng thêm rối bời lo lắng, đoán chừng lại hiển linh một phép màu nữa đây. Và rồi càng nghĩ ngợi càng tắc tị, anh phó mặc cho cơ sự muốn ra sao thì ra. Từ đấy thu nhập nhà Tư Ve Chai khá lên vùn vụt, phần dư dả tiền nong anh có thể muốn mua gì thì mua, còn lại là những đồ cũ, phần nhiều do những ông chủ nhà giàu như phải bùa, cứ ép vợ anh mua với giá ve chai những cái máy cát sét không hề hư hỏng, cả mấy con dao inox còn sáng loáng, sắc lẻm, không mua là giận dỗi, lần sau có gì không bán cho nữa. Bây giờ hàng xóm thường trông thấy chiều chiều Tư Ve Chai nằm khoan khoái trên chiếc ghế xếp hóng mát ngoài hè, đôi mắt lim dim, một chân ngắn ngủn nhịp nhịp theo từng câu ca vọng cổ ngọt điếng người, của ca sĩ Lệ Thuỷ vang ra từ chiếc máy hát vợ anh mang về, thứ mê thích mà lâu nay anh toàn phải ngồi ké nghe nhờ hàng xóm. Và nếp sinh hoạt nhà anh vẫn chẳng có gì khác, vợ anh vẫn như một tiên sa giáng trần, ngày ngày vài bận đi như lướt trên mấy con đường ngõ phố, ban tặng không dè sẻn cái mùi hương bâng khuâng xông ra từ da thịt của mình, cho bà con cùng ngất ngây thưởng thức.

Rồi cái xóm nhỏ của anh lại một phen chộn rộn, bởi sự kiện một chiều nhập nhoạng, Tư bốc vác lù lù xuất hiện trên đường hẻm bộ dạng chả khác lão ăn mày, với chiếc mũ nỉ nhăn nhúm tùm hụp che chiếc sọ đã hói hơn một nửa. Lão chưa mãn hạn tù, nhưng được tha vì có công tố giác một âm mưu trốn trại to tát lắm. Tối ấy khi thấy trong nhà lão le lói ánh đèn dầu, thoạt tiên ông Ba hưu trí chạy sang, rồi anh giáo Hoà, rồi cả xóm kéo sang thăm hỏi và xúm nhau dọn giúp lão căn nhà thủng vách, thủng mái sau nhiều tháng không có người chăm sóc. Lão Tư bốc vác tỏ ra biết điều từ tốn cám ơn lúc mọi người lục tục ra về. Mấy bà thì thào rỉ tai nhau: Nhà nước ta giỏi thật, mới vài năm mà đã cải hoá được lão ấy thành con người khác hẳn.

Sáng sớm hôm sau, lão đi từng nhà thăm hỏi sự tình, đến nhà Tư Ve Chai thì chỉ gặp một mình người vợ đang chuẩn bị xe đạp lên đường. Thoáng thấy người đàn bà trong tư thế cúi gập lưng hí hoáy chằng cột gì đó, đôi mông nở nang tròn trĩnh chĩa ra phía cổng, hai lằn thịt cong cong mềm mại nổi song song, hai bên sương sống loáng nhoáng mồ hôi dính chặt dưới tấm áo màu hoa bằng lăng tím phớt, nhìn nhích lên phía trên, con mắt lé bên trái của hắn chạm vào cái gáy trắng nõn, nhích xuống một chút, con mắt phải nguyên lành hấp háy dán vào hai bắp đùi lồ lộ như hai cục bột, làm lão tối tăm mặt mày muốn té xỉu. Chị Tư Ve Chai tự dưng có cảm giác, có hàng ngàn con kiến bò bò nơi đôi bắp chân trần, linh tính khiến chị quay ngoắt lại, nhận ra ánh mắt mê dại của lão Tư bốc vác đang bắn ra những tia thèm thuồng chiếu thẳng vào mình. Chị dịu dàng chào lão. Đáp lại, toàn thân lão trở nên đờ đẫn, luống cuống chẳng biết nói năng gì, chỉ có hàng ria mép đen nhánh như đuôi chó mực giật giật liên hồi. Nhận ra tình thế lố bịch của mình, lão lắp bắp chào vài câu vô nghĩa rồi lủi nhanh về nhà, mang theo trong tâm trí mụ mị một mùi hương váng vất rất lạ lùng, cái mùi gì mà gây thổn thức tâm can lão chưa từng gặp bao giờ. Có lẽ cái mùi vừa nhục thể, vừa tinh khiết ấy từ buổi sáng trong lành này sẽ lặn vào da thịt lão, vò xé con tim lão đến đớn đau khôn xiết, nhưng cũng có thể sẽ cứu rỗi lão, đưa lão trở về với đời một con người theo đúng nghĩa. Người mà từ lọt lòng tới giờ lão có biết gì đến vẻ đẹp của nó đâu, đừng nói là trân trọng và vươn tới.

Từ nhà Tư Ve Chai, Tư bốc vác như một kẻ mộng du, về thẳng nhà mình rồi nằm vật xuống chiếc ghế bố ông Ba hưu trí cho mượn đêm qua. Lão thấy thân thể rã rời và tâm trí bần thần vì một mùi thơm lạ lẫm đầy mê hoặc lúc đặc sệt, lúc thoang thoảng theo sau lão tràn ngập trong bốn bức tường xiêu vẹo sắp đổ ập lên chỗ lão nằm. Có lẽ chỉ có trời mới biết, vì sao lão bỏ luôn ý định mà đêm qua lão đã điên cuồng, muốn lao đi thực hiện ngay tắp lự. Ấy là do ở tù hơn hai năm, cái mà lão bị khổ sở nhất là sự thiếu thốn mùi vị đàn bà. Trong túi sẵn có vài triệu tiền trại tù thưởng công lao động, thì cho gọi một vài em út đến xả xú báp có khó gì. Nhưng kỳ lạ lúc này cái thèm khát bản năng ấy bay biến đi đâu sạch. Thay vào đó, tâm trí lão bây giờ chỉ chờn vờn hình ảnh chị vợ Tư Ve Chai, rực rỡ trong sắc màu hoa bằng lăng tím ngát, bay bổng cùng mùi hương khi nồng nàn nhục thể, lúc thanh khiết thánh thiện chờn vờn ngoài thân xác lão. Và cũng lạ kỳ thay, lão chẳng thấy lợn cợn một chút khát khao bản năng nào. Bảy ngày bảy đêm liền lão cứ nằm im ắng như vậy. Không ăn, không uống, không ngủ dù một phút nhưng tinh thần vẫn vô cùng tỉnh táo và sảng khoái đến tột cùng. Hình như lão đang vô thức thực hiện một thánh lễ tẩy trần thiêng liêng trong mùi hương hoa bâng khuâng, tinh khiết mà vợ Tư Ve Chai vừa vô tư ban tặng. Sang ngày thứ tám, lão bừng tỉnh rồi vươn vai bước ra ngoài. Đêm qua vừa mưa một trận lớn, bầu trời xanh ngắt xanh ngơ một màu thanh sạch dọi những tia nắng trong veo chào đón lão. Loé ra một ý định trong đầu, lão phăm phăm đi tới một đại lý vé số, chìa ra hai triệu tròn trịa làm tiền ký quỹ, hắn nhận vài trăm tờ rồi la cà trên đường chào bán, chẳng hề bận tâm đến các chiến hữu quái kiệt giang hồ hai năm trước chờ chực mời đón đi ăn nhậu, đi vui vẻ với các nàng tiên tóc ngắn thời nay. Hàng tháng liền lão cứ đều đặn ngày bán số, tối về nhà đóng cửa, không đèn đóm. Căn nhà vẫn im lìm y chang như lúc hắn còn thụ án tù. Ông Ba hưu trí từng khổ sở vì sự ồn ã của bầy đàn lão, bây giờ lại có ý mong cho nhà lão có tiếng động, có dìu dập kẻ ra vào, sợ nhỡ có ngày lão chết khô trong ấy thì tội nghiệp. Rồi đùng đùng loang ra tin đồn lão Tư bốc vác trúng mấy tờ độc đắc. Nhưng nhiều kẻ hiếu kỳ theo dõi vẫn thấy lão chẳng có động tĩnh gì. Chỉ có cái tay Hèng chủ quán cháo lòng mới dám nắm tay hỏi lão thực hư. Tư bốc vác thản nhiên xác nhận: “Ừ đúng… ừ đúng” và cũng chỉ có vợ Tư Ve Chai mới biết thực là lão trúng ba tờ. Nguyên do hôm ấy chị gặp lão trên đường đạp xe mua ve chai, lão mời chị mua cho vài tờ. Chị thản nhiên sờ sờ vào ba tấm vé còn lại trong tay hắn rồi nói: “Anh Tư giữ lại đi, may trúng độc đắc đấy. Trời cho nhà chúng em đủ rồi mà”. Nghe lời chị, lão đút túi rồi lững thững quay về. Quả nhiên chiều ấy, lão giật thót mình khi thấy các số in trên tấm vé của mình trùng khít với số ghi độc đắc. Vậy là cái thèm khát bạc tiền ức vạn đến điên cuồng của lão, mấy chục năm nay tưởng khó vạn lần đáy bể mò kim, mà sao nay dễ dàng thành hiện thực đến không ngờ, chỉ sau mấy lời bâng khuâng và một chút sờ sờ từ bàn tay thơm phức của một người đàn bà trần tục. Và cũng thật không ngờ lúc này đã là chủ nhân của đống tiền quá lớn, mà lão thấy dửng dưng làm vậy. Đêm ấy, với ba tờ độc đắc nóng dẫy trong túi áo, lão đi đi lại lại trong căn nhà tối như hũ nút mà lòng dạ sáng bừng. Hình ảnh bàn tay vợ Tư Ve Chai trắng muốt, bốc lên man mác mùi hoa gì không đặt được tên, không có thực ở trong đời, lúc chị đặt vào ba tờ vé số. Như sau cơn mê ngủ, hắn lờ mờ nhận ra trên đời này có nhiều điều kỳ diệu lắm. Quyền thế chẳng là gì, sức mạnh chả là gì và tiền bạc cũng chả là gì so với cái điều kỳ diệu lão vừa láng máng loé ra trong cái đầu vốn lâu nay tăm tối của mình. Chưa thể ngộ ra những huyền nhiệm cao siêu hơn, lão lờ mờ tự hỏi, có lẽ nào cái kỳ diệu vô hình ấy, nguồn cội lại từ chị vợ Tư Ve Chai hằng ngày sống bên nhà lão? Tại sao mấy tháng nay, bao nhiêu hung hãn của Tư bốc vác xưa kia đang chết dần đi trong lão? Tại sao mỗi lần cháy bùng ngọn lửa dục tình, thân xác lão lại ngay lập tức nguội lạnh đi, khi căng ngực hít thở đầy phổi bầu không khí trong căn nhà tối tăm luôn sực nức cái mùi hương, rõ ràng là nhục thể mà chẳng bợn chút bản năng đực cái giống loài? Đêm nay, sau một hồi tự lục vấn, cái lão Tư bốc vác chưa bao giờ biết kinh sợ là gì, bỗng thấy sởn da gà, toát mồ hôi giữa bốn bề bóng tối. Lão chỉ mong trời mau mau sáng, để lão sang nhà vợ chồng Tư Ve Chai mà quỳ mọp xuống xin trả lại ba tờ độc đắc. Nghe có vẻ quá lạ lùng. Nhưng thực là có chuyện sáng sớm hôm ấy, lão đã đứng chực trước cửa nhà Tư Ve Chai từ lúc còn bóng tối, chờ mở cửa là xộc thẳng vào nhà, hai tay nâng ba tờ vé số lắp bắp xin nhờ chị Tư nhận lại giùm cho, trước sự hiếu kỳ của nhiều người qua đường chứng kiến. Ai cũng bảo lão này điên vì vợ Tư Ve Chai rồi. Quá ngạc nhiên, nhưng chị Tư vẫn hiểu rõ sự tình, khuyên lão hãy cầm về rồi sử dụng đồng tiền theo mách bảo của lương tâm. “Giời cho ai người ấy hưởng anh Tư ạ. Hôm ấy nếu tôi có mua nó, chắc gì đã trúng”. Mấy ngày sau người ta thấy lão lên uỷ ban thị trấn, xin ủng hộ một số tiền đủ tổ chức một đội mai táng miễn phí cho những người nghèo. Rồi lão sửa lại nhà và làm một căn nhà kho to đùng, dùng cho việc thu mua phế liệu theo đúng lời góp ý của vợ chồng Tư Ve Chai. Vựa khai trương được dăm ngày thì thằng con trai lão đột ngột trở về. Trưa ấy, chị Tư đang giúp lão phân loại các thứ tạp nhạp trong góc kho, mồ hôi đầm đìa dính bết áo quần vào da thịt, khiến làn hương ngai ngái quen thuộc từ chị phả ra, càng đậm đặc mùi đàn bà mê sảng. Thằng con trai 14 tuổi mặt đầy mụn trứng cá đứng lom lom nhìn chị, hít đầy lồng ngực cái mùi nữ tính khơi gợi ấy, rồi lảo đảo chạy đi đâu mất. Linh tính mách bảo chị Tư rằng, cái thằng oắt con này sẽ gây ra chuyện lớn đây. Quả nhiên ngay trưa hôm sau, khi chị bị một nửa thùng cặn nhớt trong đống can nhựa cũ đổ vào người, chị vội vào nhà tắm xối nước ào ào, thì sự mách bảo ấy đã lù lù hiện hữu. Trong nhà tắm, từ bộ ngực cho tới tứ chi, đột nhiên chị lại có cảm giác nhột nhạt, hàng ngàn con kiến bò bò như buổi sáng Tư bốc vác hau háu nhìn chị trước cổng nhà, co rúm người nhìn lên lỗ thông ánh sáng, chị bắt gặp hai con mắt đỏ rực nhòm qua. Chưa kịp phản ứng thì đã nghe một tiếng rít ghê rợn của vật gì bay vù trong không khí, cùng tiếng bước chân thằng bé, chạy nhanh như thỏ trước chó săn sau câu quát chửi hung tợn của một Tư bốc vác ngày xưa: “Đù má thằng ôn con, vẫn tính nào tật ấy. Ông thì ông giết”. Hiểu ra sự tình, chị Tư mặc vội áo quần rồi bước ra ngoài nhỏ nhẹ khuyên can: “Thôi mà anh Tư, nó còn là thằng bé” rồi vội vàng co hai cánh tay ôm bộ ngực nóng ran như có kiến bò hấp tấp chạy về nhà mình. Từ đấy, chị bị nhiễm căn bệnh ngứa ngáy toàn thân, thầy Tây, thầy Tàu chẳng ai tìm ra phương thuốc chữa. Nghe nói chỉ đến khi lão Tư bốc vác tìm được thằng con dẫn nó về thì tự nhiên cái cảm giác nhồn nhột kiến bò trên da thịt của chị biến mất một cách đột ngột không thể nào hiểu nổi. Còn lúc này, ra tới ngõ chị phát ớn lạnh, khi nhìn thấy phần lưỡi con dao phát to đùng lão Tư thường dùng, đã cắm ngập quá nửa vào thân cây gòn, phần cán dài vẫn chưa thôi run bần bật. Hơn chục ngày sau, chị vẫn lạnh cứng người, mỗi lần len lén nhìn lên thấy cái cán dài thượt ấy vẫn run rẩy như cành cây con rung rung trong gió.

Hàng chục năm sau, bao nhiêu kẻ tò mò thử sức, vẫn chẳng có ai rút nổi con dao ma mị kia ra khỏi thân cây gòn. Cho tới bây giờ, con hẻm ấy đã mang tên một danh nhân văn hoá, lão Tư bốc vác và vợ chồng anh Tư Ve Chai từ lâu rồi đã ra người thiên cổ, con cháu họ sinh sôi đông như kiến cỏ, nhà cửa chúng chen chúc trải dài tới tận chân trời, con đường hẻm ấy cũng vươn dài như là vô tận, nhưng cây gòn năm ấy vẫn vững vàng đứng đấy, bất chấp xe ủi, bất chấp búa máy, búa tay chặt phá lúc mở đường. Nghe nói ngày ấy mỗi nhát chặt vào gốc cây, là vô số hạt đỏ như tia lửa hàn bắn ra tung toé. Ai được chứng kiến cũng thảy đều kinh hãi. Lại nghe đồn, người ta đang xây dựng một đề án du lịch, lấy sự tích cây gòn làm điểm nhấn. Nhưng có chuyện này chẳng cần thêu dệt, thì khách thập phương hiếu kỳ, mỗi lần thăm thú con đường phố ấy, đều cảm thấy mình tự nhiên nhẹ bẫng như đang chơi vơi bơi trong một biển mùi hương rất lạ, khiến tâm hồn trở nên xao xuyến đê mê, muốn gần gũi thân thiết nhau hồn nhiên như những đứa trẻ thơ chưa nhiễm bụi đời. Còn cây gòn thì sức sống gần như bất tử, càng cổ thụ càng xanh rờn với con dao phát cắm ngập vào thân, thi thoảng từ cái cán dài của nó vẫn hú lên những hồi dài như gió rít, chẳng biết cảnh báo điều gì.

Sau khi chị Tư về nhà một lúc lâu, trong lòng lão Tư vẫn sục sôi cơn giận. Nhưng rồi đêm về yên ắng một mình trong căn nhà vắng lặng, luôn sực nức một mùi hương bâng khuâng mà nhờ nó, hình như lão đã dứt khoát không bao giờ quay trở về con người cũ. Lão bần thần tua lại cuốn phim đời lão. Bố lão là thợ khâu vá giày dép, mẹ lão là bà bán rau muống dạo, nhà lão xưa kia ở giữa khu Bàn cờ Sài Gòn nổi tiếng đường sá nhỏ hẹp rối rắm như ruột dê, còn nổi tiếng hơn với bao nhiêu chuyện thanh toán giang hồ rùng rợn thời chưa giải phóng, mà lão là một trong những kẻ không thủ phạm thì cũng là tòng phạm. Rồi tù đày, rồi cải tạo, rồi gia đình tan nát như thế này đây. Chưa bao giờ lão ở trong tình trạng tâm thần bất ổn và uỷ mị như đêm nay. Lão không ngờ một tên anh chị khét tiếng một thời, mà bây giờ lại khóc được trước một mùi hương kỳ dị của một người đàn bà, vài ba năm trước lão còn quá coi thường. Khuya ấy, lần đầu tiên trong đời, lão ngủ được một giấc yên lành, giữa những tiếng nức nở khôn nguôi dồn lên từ trong lồng ngực. Trong giấc mơ liền sau tiếng khóc ấy, lão thấy mình đang đi tìm bà vợ già khổ sở và đứa con trai cũng thật là bé bỏng, thật là bất hạnh của lão. Có một đấng siêu nhiên nào đấy đã chỉ bảo cho biết vợ con lão đang ở đâu rồi.

V.T.K

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục