BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mẹ luôn gần bên con

Cập nhật ngày: 25/04/2010 - 12:04

Những ngày cuối tháng Tư rộn ràng, không khí đón mừng kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, chúng tôi tháp tùng các ban ngành đoàn thể xã Tân Hội, huyện Tân Châu đến thăm bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Ơn. Mẹ ở trong một căn nhà xây tường khang trang, căn nhà tình nghĩa do chính quyền, đoàn thể địa phương xây tặng mẹ ở ngay mặt đường 785. Mẹ đã già yếu, năm nay 90 tuổi, nhưng trông mẹ vẫn minh mẫn. Mẹ vui vẻ niềm nở đón tiếp chúng tôi và chuẩn bị cho chúng tôi cùng nhau đến bàn thờ thắp nhang tưởng niệm các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì nước.

Trong không khí đầm ấm, chứa chan tình yêu thương, mẹ Trần Thị Ơn tâm sự với chúng tôi: Quê của mẹ ở An Giang, chồng của mẹ chẳng may bị bệnh chết sớm, mẹ ở vậy vất vả tảo tần nuôi dạy hai người con trai khôn lớn trưởng thành. Khi đó đời sống của gia đình mẹ cũng như hầu hết bà con làng xóm đều rất khổ cực. Quân Mỹ nguỵ thì thường xuyên càn quét, vây ráp lùng sục, bắt bớ tra tấn dã man những người mà chúng nghi là “Việt Cộng”. Với chiêu bài “giết nhầm còn hơn bỏ sót” Mỹ nguỵ điên cuồng đàn áp, kìm kẹp nhân dân. Trong khi bom đạn đì đùng bắn phá tối ngày, ruộng vườn bỏ hoang hoá, đời sống đã khó khăn lại càng khó khăn. Người con trai lớn của mẹ là Trần Văn Hoàng, SN 1940. Năm anh 20 tuổi, mẹ khuyên anh nên lấy vợ để đỡ đần giúp mẹ. Nhưng anh nói: Đất nước đang bị giặc Mỹ và tay sai tàn phá, làm sao có hạnh phúc được. Con phải đi bộ đội đánh Mỹ, khi nào miền Nam được giải phóng, đất nước thanh bình con mới về lấy vợ. Mẹ thấy con có chí khí, quyết tâm cao, nên mẹ động viên: “Con đi bộ đội đánh Mỹ má mừng lắm, phải giữ gìn sức khoẻ, công tác cho tốt và nhớ nhắn tin về cho má”. Vài ngày sau, mẹ chuẩn bị chu đáo cho anh Hoàng bí mật thoát ly đi bộ đội giải phóng. Rồi sau đó, mẹ cứ chờ, cứ đợi, ngày ngóng đêm trông nhưng chưa thấy tin tức gì về anh. Hơn hai năm sau, mẹ mới được tin anh Trần Văn Hoàng đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu. Thương con, mẹ khóc hết nước mắt, nhưng không nói cho ai biết, kể cả người em của anh Hoàng. Bà con lối xóm gặp gỡ hỏi thăm về anh, mẹ cố nén nỗi đau để nước mắt chảy vào trong và chỉ trả lời: cháu nó bỏ nhà đi làm ăn xa, có lẽ làm ăn khó khăn nên không thấy về.

Mẹ Anh hùng Trần Thị Ơn thắp hương tưởng nhớ những người con hy sinh vì nước

Khi đó người con trai út của mẹ là anh Trần Văn Tư, SN 1944, đã tròn 18 tuổi. Giống như anh Hoàng, lúc nào Tư cũng nằng nặc đòi đi bộ đội đánh Mỹ. Mẹ nghĩ chỉ còn một người con trai nên khuyên anh lấy vợ và sinh con để có cháu cho mẹ bồng ẵm, vui cửa vui nhà, rồi sau đó anh hãy đi bộ đội. Nhưng anh Tư kiên quyết nói: Con thà hy sinh vì nước chứ không luỵ vì tình. Mẹ biết anh Tư đi theo cách mạng, mẹ ở nhà sẽ cô quạnh một mình, nhưng thấy anh biết xả thân vì nước, mẹ cũng vui trong bụng. Vào một đêm tối trời mẹ lại tiễn người con thứ hai đi bộ đội. Khi đó mẹ mới nói cho anh Tư biết là anh Hoàng đã hy sinh. Mẹ vừa lau nước mắt vừa căn dặn anh Tư: Con ráng phấn đấu để đền nợ nước, trả thù nhà. Anh Tư ôm chặt lấy mẹ nói nghẹn ngào: “Ngày chiến thắng con sẽ về với má”. Mẹ đứng nhìn theo anh đi khuất vào trong bóng đêm. Mẹ thẩn thờ lặng im với tình yêu thương các con luôn trào dâng trong lòng. Hai dòng nước mắt cứ lặng lẽ chảy dài, chảy dài trên hai gò má gầy gò của mẹ.

Vài ngày sau bọn thám báo ập đến nhà kết tội mẹ là cơ sở hoạt động cho Việt Cộng và bắt mẹ giam cầm, tra tấn rất dã man. Chúng liên tục tra khảo, cật vấn mẹ: -Bà làm cơ sở cho Việt Cộng từ hồi nào? -Những tên Việt Cộng nào liên lạc với bà? -Việt Cộng trú ẩn ở đâu? Bà thành khẩn khai báo thì được sống, ngoan cố thì sẽ chết!... Dù chúng nó đánh đập tra tấn đau đớn đến thế nào mẹ vẫn cắn răng chịu đựng và chỉ trả lời: Hoàn cảnh nhà tôi khó khăn, suốt ngày tôi chỉ lo làm ăn, không quan hệ và không biết ai là Việt Cộng. Mấy chú biết Việt Cộng thì đi tìm họ mà hỏi. Bọn cảnh sát nguỵ tức giận quát tháo: bà không tiếp tay cho Việt Cộng, tại sao hai đứa con trai của bà đều đi theo Việt Cộng chống lại chính phủ quốc gia? Thằng Trần Văn Phát anh họ của bà và thằng cháu ruột con của chị gái bà cũng đi theo Việt Cộng. Tụi tôi biết chính bà vận động, hướng dẫn, chỉ đường cho chúng nó. Hiện nay con của bà ở đơn vị nào? Trú ẩn ở đâu?... Vừa hỏi, bọn lính nguỵ vừa dùng roi, gậy thi nhau đánh đập vào thân thể mẹ. Mỗi lần bị bọn chúng tra khảo, tóc của mẹ bê bết đầy máu, quần áo ướt đẫm vì máu chảy, mẹ đã chết đi sống lại biết bao lần. Nhưng trước sau mẹ chỉ nói: Tôi không vận động ai hết, các con tôi đã lớn rồi, chúng nó biết suy nghĩ, biết chọn con đường để đi. Ở nhà khổ quá anh em nó đi mần ăn ở đâu tôi không biết. Khi bị bọn cảnh sát nguỵ tra tấn đánh đập, mẹ thường đưa tấm lưng gầy còm để hứng chịu những trận đòn khảo tra, hai bàn tay mẹ ôm lấy ngực, thầm nghĩ: Cách mạng và các con của mẹ luôn ở trong trái tim này. Dù mẹ có phải chết cũng không bao giờ khai báo. Bọn lính nguỵ dụ dỗ, tra tấn và giam cầm mẹ hơn một tháng trời vẫn không khai thác được gì. Thấy mẹ ốm yếu quá bọn chúng phải thả mẹ ra và cho người theo dõi. Mẹ vừa kể chuyện vừa cho chúng tôi xem những vết sẹo chằng chịt ở trên lưng, trên đầu của mẹ. Có những vết sẹo hằn sâu ở lưng, là dấu vết của những trận đòn tra tấn dã man của bọn nguỵ.

Ngày 30.4.1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Mẹ hết sức mừng vui khi đất nước được thống nhất, nhưng mẹ mong chờ hoài không thấy con của mẹ trở về, và cũng không thấy tin tức gì cả. Mẹ linh cảm có điều gì đó đã xảy ra. Nhưng mẹ không tin: Không thể nào, con của mẹ nhất định sẽ trở về với mẹ. Và mẹ đã tìm đường đi hỏi thăm nhiều người từng tham gia kháng chiến ở địa phương. Một cán bộ huyện đội cho mẹ biết: trong kháng chiến chống Mỹ, anh Tư cùng đơn vị với người cậu là ông Trần Văn Phát được điều động đi đánh Mỹ ở Kà Tum, Tây Ninh. Khi đó việc di chuyển quân rất bí mật, anh em ở địa phương chỉ biết có vậy thôi. Thế là mẹ lại lật đật đi Tây Ninh, hỏi đường lên Kà Tum. Mẹ tới chính quyền xã Tân Đông, huyện Tân Châu hỏi tìm con của mẹ nhưng không ai biết. Mẹ kiên trì đi hỏi, cuối cùng mới gặp được ông Trần Văn Phát, sau giải phóng ông Phát sống với vợ con ở xã Tân Hội liền kề với đất Kà Tum. Ông Phát cho mẹ biết anh Tư đã hy sinh trong chiến đấu, bị hoả lực của địch tập kích ác liệt và đơn vị không tìm được xác. Ông Phát khuyên mẹ bớt đau lòng, ông sẽ cùng mẹ đến Tỉnh đội Tây Ninh để làm chế độ chính sách. Nghe ông Phát nói, mẹ chết lặng người. Mẹ ngồi gục xuống khóc nức nở và kêu lên: con ơi…! Rồi mẹ ngất xỉu. Ông Phát vừa khóc vừa đỡ mẹ dậy, cả gia đình ông vây quanh động viên an ủi mẹ. Những ngày sau chính quyền, đoàn thể địa phương thường xuyên đến thăm hỏi động viên và lo cho mẹ nơi ăn chốn ở đàng hoàng. Mẹ nhờ ông Phát dẫn mẹ đến nơi anh Tư đã chiến đấu và hy sinh, nhưng nơi đó bom đạn của kẻ thù đã nhiều lần cày xới tàn phá, chỉ còn lại những gốc cây rừng trơ trụi cháy đen và la liệt những hố bom.

Người con trai lớn của mẹ hy sinh không biết ở nơi nào, khi xưa cơ sở chỉ báo tin anh Hoàng đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu. Mẹ chỉ biết chắc chắn anh Tư con trai út của mẹ đã hy sinh trên mảnh đất này. Vì vậy mẹ không về quê mà ở lại sinh sống tại xã Tân Hội để mẹ con gần gũi nhau. Ngày ngày mẹ thắp nhang lên bàn thờ, tưởng nhớ đến các con của mẹ. Ngày cũng như đêm mẹ mong mỏi linh hồn của các anh sẽ tìm về với mẹ, an ủi mẹ lúc tuổi già sức yếu.

Hiện nay bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Ơn luôn được Đảng bộ, chính quyền cùng ban ngành đoàn thể xã Tân Hội và bà con làng xóm tận tình quan tâm chăm sóc. Nỗi đau buồn mất mát trong lòng mẹ dần dần cũng nguôi ngoai. Chúng tôi hiểu, dù tuổi cao sức yếu nhưng trong trái tim của mẹ vẫn rực sáng tình yêu đất nước và chan chứa nỗi niềm thương nhớ vô hạn đối với những người con đã hy sinh vì nước.

CÔNG HUÂN