Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Không khó để chúng tôi tìm đến nhà bà Tôn Xia (61 tuổi), người phụ nữ dân tộc Khmer “nổi tiếng” của ấp Hiệp Thành, xã Hoà Thạnh (huyện Châu Thành). Bà Tôn Xia là một trong số ít phụ nữ dân tộc thiểu số ở đây chịu sinh ít con, cố gắng vượt khó để nuôi con ăn học thành tài.
Bà Tôn Xia và cháu ngoại.
Bà Tôn Xia có gương mặt hiền từ, nước da ngăm đen, bàn tay chai sần của dãi dầu sương gió. Vừa nhai trầu, bà vừa từ tốn kể về quãng thời gian khó khăn đã qua của gia đình.
Bà Tôn Xia sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em, ba mẹ làm thuê, làm mướn. Ðến gần 30 tuổi, bà mới kết hôn. Chồng bà cũng là người dân tộc Khmer trong xóm, tính tình hiền lành, thiệt thà. Cả hai vợ chồng bà Tôn Xia đều không biết chữ, và "hiền" đến mức khi ra riêng, dù được chị chồng cho 1 ha đất ruộng cũng không biết sản xuất như người ta.
Bà kể: “Tại không biết chữ, không biết tính toán nên làm cái gì cũng lỗ, tôi đành cho người khác thuê đất. Tiền thuê đất cả năm cũng chỉ từ 5 đến 10 triệu đồng. Có tiền, tôi dành dụm mua trâu về nuôi để bán kiếm lời”.
Có trâu, chồng bà ở nhà chăn trâu và lo cơm nước cho 2 đứa con. Bà thì đi làm thuê, làm mướn để kiếm tiền chi tiêu trong gia đình. Bà làm hết việc này đến việc khác, từ chặt mía, trồng đậu, tỉa đậu đến hái ớt, ai thuê gì làm đó, miễn là có tiền. Có khi, bà qua tận Campuchia để làm thuê mùa vụ. Công việc mà bà kiếm được nhiều tiền nhất là mót lúa. Bà kể, hồi xưa chưa có máy phóng lúa, người ta cắt lúa thủ công nên bà đi mót được rất nhiều lúa, vừa để dành ăn, vừa có dư đem bán.
Hiểu được sự vất vả của ba mẹ, 2 người con của bà Tôn Xia rất ngoan, rất chăm học. Cả hai không đua đòi, mỗi ngày đi học chỉ ăn cơm nguội, uống nước mưa, lội bộ hàng cây số từ nhà đến trường rồi ngược lại mà không hề nản chí.
Những ngày không học, các con của bà Tôn Xia còn phụ đi chăn trâu với ba hay đi mót lúa với mẹ. Thương con, bà Tôn Xia cố gắng làm để nuôi con ăn học. Bà nghĩ: “Mình đã không biết chữ nên cần phải cố gắng cho các con biết chữ. Hy vọng cuộc sống sau này của chúng sẽ khá hơn”.
Theo bà Tôn Xia, khoảng thời gian vất vả nhất là khi con gái đang học năm 2 Trường trung cấp Dược thì con trai lại thi đậu đại học Y khoa hệ chính quy, phải đi học tận thành phố Hồ Chí Minh. Bà Tôn Xia phải làm việc cật lực, mót lúa hết chỗ này đến chỗ khác, mỗi tháng để dành 20kg gạo chở lên cho con trai.
Bà nhớ lại: “Lúc đó, tôi thương con trai lắm. Biết nhà nghèo nên nó ít khi xin tiền mẹ, tiết kiệm ăn uống, không dám tiêu xài. Nhờ vậy, tôi cũng yên tâm để ở nhà làm việc kiếm tiền”. Nhưng chi phí học ngành y quá cao so với thu nhập của gia đình, bà đành phải vay mượn hết chỗ này đến chỗ khác để cho con trai có điều kiện học hành đầy đủ.
Thấy được hoàn cảnh của bà Tôn Xia, Hội LHPN xã đã liên hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp bà vay nguồn vốn dành học sinh, sinh viên với số tiền 80 triệu đồng. Nhờ có khoản tiền này, các con của bà có tiền đóng học phí và chi phí ăn uống, sinh hoạt trong thời gian học tập. Nhờ vậy, các con của bà đều tốt nghiệp. Con gái đã có gia đình riêng, đang chờ xin việc. Con trai út của bà hiện là bác sĩ khoa Nội của Bệnh viện Ða khoa tỉnh.
Nhờ tiết kiệm tiền từ cho thuê đất, tiền lương của con trai gửi hằng tháng, đến giờ, bà Tôn Xia cũng đã trả được một nửa số nợ. Cuộc sống của vợ chồng bà cũng đỡ vất vả hơn trước. Hiện giờ, do sức khoẻ yếu, bà Tôn Xia không đi làm thuê nữa. Ở nhà, bà có điều kiện tích cực tham gia hoạt động của Hội và địa phương hơn.
Bà Phạm Thị Kim Ân, Chủ tịch Hội LHPN xã Hoà Thạnh cho biết, dù hoàn cảnh còn khó khăn nhưng bà Tôn Xia rất nhiệt tình giúp đỡ phụ nữ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh nghèo khổ hơn mình. Bà tham gia mô hình góp vốn xoay vòng do xã thành lập gồm 20 thành viên. Hằng tháng, mỗi thành viên đóng 200.000 đồng, số tiền thu được ủng hộ phụ nữ khó khăn để trang trải cuộc sống.
Rồi bà cùng với Hội đi vận động gia đình có điều kiện hỗ trợ học bổng cho các em học sinh dân tộc thiểu số nghèo, hỗ trợ quà tết cho phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo, tham gia mô hình vần đổi công để giới thiệu việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
Trong các kỳ sinh hoạt Hội, bà Tôn Xia vừa là tấm gương tiêu biểu vừa là một tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn thực hiện việc sinh đẻ có kế hoạch, không để con em bỏ học giữa chừng, phương pháp nuôi và dạy con trở thành công dân có ích cho xã hội.
Thư Trà