Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cuối tuần trước, tôi lên nghĩa trang liệt sĩ Hoà Thành tiễn biệt thủ trưởng cũ. Ông mới vừa rời cõi thế để đi vào cõi vĩnh hằng. Tôi bỗng nhớ ông thích nhất hai màu hoa là bông mua tím và hoa phượng đỏ.
Hoa mua ở phố bây giờ hiếm gặp. Dĩ nhiên rồi! Bởi đô thị hoá nên những loài hoa dại cũng phải dần lùi xa những nơi đang rộn ràng xây dựng. Còn hoa phượng? Giá như vài năm trước thì phượng còn tràn ngập khung trời ngay cổng nghĩa trang.
Nay người ta đã thay thế bằng những hàng tùng, bách cao cả, nghiêm trang như đội quân danh dự đứng tiễn chào người đã khuất. Vậy là tôi và một vài người biết chuyện đã không tìm được cả hai loài hoa mua và phượng, đành lấy vài cành phong lan từ những tràng hoa viếng mang theo, thay cho nắm đất rải xuống nóc áo quan để vĩnh biệt ông về cõi vĩnh hằng.
Tôi chợt nhớ chỗ ông hay ngồi ngày xưa, quán cà phê cạnh cơ quan cũ. Cổng vào cũng có vài cây hoa phượng đỏ. Xuân còn chưa kịp tàn đi thì phượng đã bừng lên. Một màu hoa chói chang, nhưng khi đã thật sum suê dày rậm che hết từng tán lá thì cây hoa ấy giống như một cành hoa vĩ đại. Hình ảnh này gợi lên trong lòng tôi những ấn tượng thật khó phai mờ. Tôi cũng đã có ấn tượng ấy khi đứng trước cổng nghĩa trang này từ vài năm trước.
Ở đâu ra mà có những tán phượng sum suê dày đặc hoa đến vậy? Bồng bềnh như một đám mây đỏ, chan chảy chói ngời. Sắc đỏ ấy còn theo muôn cánh hoa rơi phủ đầy mặt đất, đường đi. Làm nên một cảnh tượng lộng lẫy chưa từng thấy trong những tác phẩm do con người tạo dựng. Trước sắc đỏ ấy, chỉ có thể nhớ đến những câu thơ trong bài “Cuộc chia ly màu đỏ” của Nguyễn Mỹ:
“Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng…”
Ai đã lên đây rồi vào mùa hoa phượng đỏ thì rồi cứ day dứt nhớ. Nhất là khi bên cạnh những đám mây đỏ thắm kia còn bật lên màu hoa sứ trắng. Đỏ và trắng cứ chói ngời bên nhau ngay từ độ còn xuân.
Vâng! Nhiều bạn đã biết phượng ở Tây Ninh quê tôi không đợi đến mùa hè như ở miền ngoài. Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi chính sang xuân mới là mùa nóng nhất trong năm. Như đầu tháng ba năm nay, nhiệt độ không khí ban trưa luôn ở mức 35- 36 độ. Trời chang chang nắng. Đất Tây Ninh “nắng cháy da người” là thế! Như có người đã viết trong một câu thơ.
Trưa ở nghĩa trang về, chính hoa phượng của ký ức đã mách cho tôi, rằng cứ men theo bóng phượng mà đi. Nơi nào chưa thấy cây thì đấy là bóng mát theo ta từ trong ký ức. Quả nhiên phượng cứ miên man, rừng rực giữa trời xanh và toả bóng trên đường. Mà bóng phượng trong ký ức của tôi thì nhiều lắm. Nào là ở núi Bà, dọc đường cáp treo cũ lên, phượng xoè lá xanh man mác dọc đường.
Vào mùa hoa, có thể với tay ra khỏi cabin ngắt lấy một chùm. Ôi! Nhớ lại mà thương, và lại càng yêu hơn cái tuyến cáp cũ còn đơn sơ nhưng rất quyến rũ và thơ mộng ấy. Cabin trống thoáng nên tha hồ cho cả nắng, mưa cùng hương rừng, gió núi bay vào. Vì thế hôm tết vừa rồi lên núi bằng cáp treo hiện đại, ngồi cùng cabin với một bác nguyên lãnh đạo tỉnh, bác bảo nên giữ lại tuyến cáp cũ làm di tích. Chẳng gì đây cũng là tuyến cáp treo lên núi đầu tiên ở nước ta.
Tôi cũng chẳng thể quên những tán phượng trên dặm dài đường xa. Trên quốc lộ 22B đoạn qua Cẩm Giang là những cây phượng đứng trước cổng vào đền thờ đức ông Huỳnh Công Thắng. Ở cầu Bến Đình rừng rực đỏ bên kia đầu cầu thuộc xã Tiên Thuận. Đi lối đường 786 sẽ gặp phượng nở đỏ trước sân Trường tiểu học Thanh Điền v.v và v.v… Gặp phượng, không riêng tôi mà chắc nhiều người luôn luôn sửng sốt, ngỡ ngàng ngắm phượng. Rồi men theo bóng phượng mà đi cho rợp mát tâm hồn.
Về phố Tây Ninh, còn có một con đường cho ta men theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Đấy là hẻm số 1, đường Yết Kiêu. Qua cây cầu cong bằng thép bắc qua đoạn rạch dẫn vào chợ Tây Ninh, quẹo trái là tới hẻm. Hẻm dọc theo con rạch, đường đi chỉ rộng chừng 2 mét, nhưng người ta đã “ưu tiên” cho phượng cả một vệt rộng 4- 5 mét làm vỉa hè, chỉ có trồng cỏ đậu và cây hoa phượng.
Vậy mà chẳng biết là do mới trồng, cây chưa kịp lớn; hay là đường còn vắng người đi nên đầu tháng ba, hoa phượng đã nở, nhưng mới chỉ vài chùm loáng thoáng trên cây. Dường như phượng cũng biết chia sẻ với con người. Nơi nào có đông người đi qua, phượng thường nở hoa rất dày và rất thắm. Còn những nơi thưa vắng, phượng cũng buồn nên nhoà nhạt và thưa thoáng hơn, cùng một màu hoa. Ai muốn kiểm chứng điều này, thì cứ men theo bóng phượng.
NGUYỄN