BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ghi chép dọc miền trung:

Mênh mang biển và thênh thang nắng gió

Cập nhật ngày: 03/05/2014 - 06:29

Đua ghe tại Lễ hội Chợ quê cầu ngói Thanh Toàn

Miền Trung trong tôi ngày bé- là những bà, những chị gầy gò, lam lũ, chuyên nghề chằm nón ở xóm Cư Trú (nay thuộc phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh). Là những câu ca buồn thê thiết: “Quê hương em nghèo lắm ai ơi! Mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn. Trời hành cơn lụt mỗi năm….”. Hoặc “Bao giờ máu xương hết tuôn tràn, quê miền Trung thôi hết điêu tàn”.

Tôi còn nhớ, hồi đó thỉnh thoảng lại thấy mấy bà, mấy chị nói rặt giọng xứ nẫu (theo cách gọi của người lớn) rảo dọc xóm nhà tìm mua ve chai, mủ bể. Ấn tượng đầu đời của tôi về miền Trung là sự nghèo khó, bươn chải, bỏ xứ ra đi…

Lớn lên, đi làm việc, quen biết, giao tiếp nhiều bạn bè gốc miền Trung, tôi tự bổ sung thêm, đó là sự róng riết, cay nghiệt, mãnh liệt và tài hoa đến vô cùng. Tôi bắt đầu say mê những trang viết, những câu thơ như chắt ra từ máu thịt, đầy sức ám ảnh về một miền đất nước quanh năm oằn mình gánh chịu trùng trùng những bất trắc, tai ương do thiên nhiên và cả con người gây ra: Gió bão thù chi với mảnh đất này/ Nối đuôi nhau xếp hàng ngang đen xì ngoài biển/ Mưa giờ ngọ chưa qua gió giờ mùi đã đến/ Cay đắng lắng vào quả ớt lúc còn xanh/ Đất vắt kiệt mình nước mọng múi chanh… (Trường ca Trầm tích- Hoàng Trần Cương)

Ông trời khéo cắc cớ, ban cho dải đất miền Trung cả sự diễm tuyệt lẫn sự khốc liệt của thiên nhiên. Chuyến tham quan của chúng tôi lần này chỉ đến được một số nơi- không phải toàn bộ các tỉnh miền Trung nhưng cũng đủ làm dày thêm những cảm nhận mới mẻ về những vùng quê cát nắng.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Phú Yên. Phú Yên trong trí nhớ của tôi năm nào là những căn nhà nhỏ nhắn, im ắng, giống hệt nhau nằm dọc hai bên quốc lộ 1A; trên mặt ngoài tường nhà vẫn còn in đậm ngấn nước- dấu vết của một trận bão lũ kinh hồn vừa qua cách đó không lâu.

Bây giờ Phú Yên đã khác đi nhiều. Thành phố Tuy Hoà chừng như to ra, lớn thêm rất nhiều so với thời còn là thị xã- khi tôi ghé đây vào khoảng năm 2004. Nhà đẹp, nhà cao mọc đầy và những con đường thênh thang, trải dài miên man.

Tôi đã nhìn thấy những khu đất trống, bằng phẳng nằm dọc hai bên quốc lộ 1A, hơi lệch phía ngoài  trung tâm thành phố, nghe nói đây là khu dân cư quy hoạch, có vẻ là để giãn không gian đô thị.

Gành Đá Đĩa - di tích thắng cảnh cấp quốc gia ở Phú Yên.

Phú Yên cũng như nhiều tỉnh miền Trung mênh mang biển và thênh thang  nắng gió, không thiếu những cảnh quan thiên nhiên tuyệt diệu, có thể đưa vào khai thác tiềm năng du lịch. Gành Đá Đĩa- một di tích thắng cảnh cấp quốc gia nằm ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An chẳng hạn, vừa đẹp vừa lạ lùng đầy hấp dẫn về mặt cảnh quan và địa chất, lôi cuốn không ít du khách và các nhà khoa học đến đây tìm hiểu, nghiên cứu.

Biển Tuy Hoà với những bãi cát trắng phau, núi Nhạn ngay giữa lòng thành phố, rồi đầm Ô Loan, vịnh Vũng Rô xinh đẹp kề bên dãy núi đèo Cả, rồi vịnh Xuân Đài… đều là những cái tên tiềm ẩn sức mời gọi du lịch. Bằng chứng là du khách đến Phú Yên mỗi năm một tăng.

Ở thành phố Tuy Hoà đã có khách sạn 5 sao đẳng cấp quốc tế- điều mà Tây Ninh chưa từng có. Song không biết có phải vì nằm kề cận bên “người chị em ruột thịt” Khánh Hoà- chỉ cần một thành phố du lịch Nha Trang đủ làm nên vẻ “đài các vương phi” mà Phú Yên- giống như một cô thôn nữ còn thầm lặng khép nép với những thất thế, thua thiệt của mình! Vẫn còn đó những tiềm năng chưa được đánh thức trọn vẹn.

Phú Yên còn nhiều khó khăn so với các tỉnh ven biển Nam Trung bộ khác. Hỏi thăm các đồng nghiệp ở Báo Phú Yên, được biết thu nhập của cán bộ công chức, cụ thể là của phóng viên, biên tập viên Toà soạn Báo thấp nhất nhì khu vực miền Trung, so với một số tỉnh không bằng 1/3, thậm chí 1/5.

Bù lại, vật giá ở Phú Yên xem chừng cũng thấp hơn các nơi khác. Tại một quán cà phê, giải khát sang trọng có tên là Tùng, nằm trên đường Bà Triệu, thành phố Tuy Hoà, tôi cứ tưởng nhân viên quán đã nhầm khi tính tiền một ly cà phê,  hoặc ly sinh tố đầy ắp, ngon tuyệt chỉ mười mấy ngàn đồng! Hỏi thêm mới biết một lô đất vài trăm mét vuông tại khu quy hoạch kể ở phần trên được Nhà nước bán với giá chỉ năm, sáu chục triệu đồng.

Cuộc sống của số đông người dân lao động Phú Yên còn vất vả. Rời chân đi rồi tôi vẫn còn nhớ mãi cái dáng nhẫn nại, khắc khổ trước tuổi của cô bé bán vỏ ốc, san hô và vài thứ linh tinh khác trước khu di tích thắng cảnh quốc gia gành Đá Đĩa.

Cô bé mới học lớp 8 (tôi biết được nhờ cuốn sách bài tập em cầm trên tay) mặt đỏ au vì ngồi quá lâu giữa trời chang chang nắng, không có bất cứ vật gì che mát trên đầu, vừa bán hàng vừa tranh thủ ôn bài lúc vắng khách.

Sao không chờ buổi chiều mát hãy ra bán, dang nắng chi cho khổ? Cô bé chùi vội những giọt mồ hôi trên má, trên trán, nhỏ nhẻ đáp: “Buổi chiều con mắc đi học”. Ôi! Miền Trung là đây, cô bé gầy gò chịu thương chịu khó, chẳng cần chờ đến tuổi trưởng thành.

Số tiền em kiếm được bằng cách phơi mình ngoài nắng nôi hàng giờ kia chắc chắn không phải để tự tiêu xài cho thoả thích. Tôi bỗng nhớ những đứa trẻ đầu trần, lê la đi bán vé số khắp những nẻo đường Tây Ninh quê mình. Sự vất vả, thua thiệt bởi nghèo khó ở đâu cũng giống như nhau.

Không dừng ở Khánh Hoà, chúng tôi chỉ ghé tạm nghỉ chân tại một quán cà phê sân vườn ngay trên đại lộ Trần Phú- được mệnh danh là “con đường vàng” luôn tấp nập du khách nước ngoài, cảm nhận tất cả vẻ duyên dáng, tráng lệ của thành phố biển xinh đẹp Nha Trang.

Bờ biển nằm cặp con đường đẹp như tranh trong ánh hoàng hôn đang dần buông xuống. Đã nhiều lần đến Nha Trang nhưng lần nào tôi cũng thấy ngập tràn những cảm giác thú vị trước cảnh trời mây non nước nơi đây.

Viên ngọc của biển Đông này quả xứng đáng để mọi người Việt Nam hãnh diện khi so sánh với nhiều nơi danh thắng khác trên thế giới. (Tôi chợt thấy nổi lên chút… ghen tị- sao Tây Ninh mình không có biển nhỉ?).

Lễ hội đường phố tại Festival Huế 2014

Đến Huế trong những ngày diễn ra Festival 2014, trong không khí tưng bừng của lễ hội, tôi kịp nhận ra còn quá nhiều điều mình chưa cảm nhận được hết sau mấy lần đặt chân đến đất cố đô.

Huế- đâu chỉ có những đền đài lăng tẩm uy nghiêm, trầm mặc, đâu chỉ có sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên Mụ, bến Vân Lâu… thanh thoát đi vào thơ, vào nhạc và đâu chỉ có những món ẩm thực độc đáo, sang trọng, xuất xứ chốn cung đình…

Còn biết bao vỉa quặng, tầng nền trầm tích văn hoá lịch sử chưa khám phá hết được. Không phải tự nhiên mà quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di tích văn hoá thế giới; thành phố Huế chính thức trở thành thành phố Festival (từ năm 2007) và cũng đã được trao danh hiệu “Thành phố Văn hoá ASEAN”.

Nhiều thứ đáng để người Huế tự hào về mảnh đất thần kinh lừng lẫy của mình lắm vậy. Nhưng tôi đặc biệt yêu mến, ngưỡng mộ những mảng không gian xanh trầm tư mà hào phóng nằm dọc bờ sông Hương hay những con đường thênh thang bóng mát giữa lòng đô thị cấp quốc gia này.

Tất cả dễ khiến người ta sẽ thấy thật tiếc nếu như không được một lần thung dung dạo bước qua đó, tận hưởng cái cảm giác êm đềm, thư thái. Trong con mắt của tôi- có vẻ như không gian Huế chỉ thích hợp cho những người sống chậm.

Dịp Festival Huế 2014 vừa qua, bên cạnh việc thưởng lãm các hoạt động văn hoá, nghệ thuật tưng bừng ở khu đại nội hoàng thành, đoàn nhà báo chúng tôi có dịp về tận vùng quê cầu ngói Thanh Toàn thuộc xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ- một trong những vùng không gian lễ hội, nằm cách thành phố Huế khoảng 10 cây số.

Chúng tôi cùng hoà mình vào bầu không khí thanh bình, nhộn nhịp của lễ hội chốn làng quê, có tiếng hò la sôi nổi của những người dân đang tụ tập hai bên chiếc cầu bằng gỗ lợp ngói, cổ vũ cho các tay chèo đang trổ tài đua ghe trên mặt nước; có tiếng cười rộn ràng, vang động của những chàng trai, cô gái đang hào hứng tham gia trò chơi “bịt mắt đập om” (trong số những người chơi, tôi thấy có cả khách nước ngoài).

Thú vị làm sao khi lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn, tận tay chạm vào cây cầu ngói từng nghe tên qua câu ca dao được học từ hồi nhỏ: “Ai về cầu ngói Thanh Toàn/ Cho em về với một đoàn cho vui”.

Cây cầu nhỏ bé bắc qua con mương cũng nhỏ bé vậy mà chứa đựng trong mình những giá trị văn hoá, nghệ thuật vô song. (Cầu ngói Thanh Toàn đã được công nhận là di tích cấp quốc gia từ năm 1990). 

Còn bao nhiêu điều tôi vẫn chưa thấu hiểu được hết về những vùng, miền trên dải đất miền Trung chan hoà nắng gió- khúc ruột yêu thương của Tổ quốc? Câu hỏi càng đằm thêm khi đến với Quảng Trị - vùng đất một thời máu lửa, được coi là chiến trường ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống Mỹ...

Nhất Phượng